Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM. |
Ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho biết, ngày 23/2 giá cổ phiếu (CP) của OCB giao dịch trên thị trường lên đến 4,5 triệu đồng/cổ phần (mệnh giá 1 triệu đồng/cổ phần), so với trước Tết Nguyên đán giá đã tăng 50%. Như vậy, nếu trước Tết nhà đầu tư bỏ ra 300 triệu đồng mua 100 cổ phần của OCB sau 1 tháng đem bán tiền lãi thu được 150 triệu đồng.
Trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tất cả các loại CP đều tăng giá mạnh trong 2 tuần qua. Mặc dù nhiều đơn vị chưa chính thức công bố thông tin về việc phát hành thêm vốn điều lệ (bởi còn phải chờ đại hội cổ đông thường niên thông qua), nhưng vì đoán trước được kế hoạch tăng vốn bổ sung nên giới đầu tư tung tiền ra mua, làm cho giá CP bị đẩy lên hằng ngày.
Trước Tết Nguyên đán, CP của Eximbank trên thị trường tự do bán giá 4 triệu đồng (mệnh giá 1 triệu đồng) nay đã lên đến hơn 6 triệu đồng. Sở dĩ có tình trạng giá tăng cao như vậy là do ngân hàng này đăng thông tin trên website về việc dự kiến năm 2006 sẽ tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng nên giá CP tăng vùn vụt. Tại các ngân hàng khác như: Sacombank, Đông Á, Việt Á... giá CP cũng tăng tương tự, do những đơn vị này đã nêu kế hoạch phát hành thêm nhiều CP mới để tăng vốn.
Trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, giá của nhiều loại CP cũng tăng mạnh. Thông tin về Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh sẽ tăng vốn điều lệ trong năm nay vừa tung ra đã làm cho giá CP của đơn vị này tăng lên gần gấp 2 lần, hiện đã tới 400.000 đồng (mệnh giá 100.000 đồng). Trên sàn giao dịch chứng khoán CP của nhiều doanh nghiệp (DN) cũng tăng mạnh. Qua 4 phiên giao dịch trong tuần chỉ số VN Index đã tăng 29,1 điểm. Mức tăng này cao nhất từ trước tới nay. Trong phiên giao dịch ngày 23/2 giá CP của Công ty Cổ phần Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (GMD) lên đến 87.500 đồng (mệnh giá 10.000 đồng).
Theo ý kiến một số nhà đầu tư, ngoài việc đơn vị này đạt lợi nhuận cao, còn có thêm nguyên nhân GMD mới nhận giấy chứng nhận đăng ký phát hành thêm 138 tỷ đồng vốn điều lệ theo phương thức mỗi cổ đông sở hữu 3 cổ phần cũ sẽ được nhận 2 cổ phần mới, tính ở thời điểm chốt danh sách cổ đông.
Việc tăng vốn điều lệ quá nhanh đang đẩy một số DN vào tình trạng “tiêu hóa” khó. Vì năng lực phát triển trung bình của một DN thường 15- 20%/năm, nên khi tăng vốn lên quá tốc độ phát triển sẽ làm cho tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm. Điều đó dẫn đến nguy cơ giá CP cũng giảm theo.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (CP giao dịch trên sàn chứng khoán) dùng tiền quỹ tích lũy để tăng vốn lên gấp đôi, tức thì sau đó giá CP này đã giảm xuống một nửa. Vì dẫn tới hệ quả như vậy nên nhiều DN rất ngại tăng vốn điều lệ một cách nhanh chóng.
Ông Nguyễn Công Tụ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Á, nói: “Các DN đều nhận thấy điều đó nhưng vì áp lực tăng vốn để chuẩn bị cho sự cạnh tranh khi hội nhập với quốc tế nên hầu hết các ngân hàng đều tăng vốn rất mạnh”.
Ngoài ra một số nhà đầu tư còn cho biết thêm, nhiều DN vì muốn “buôn” vốn điều lệ nên họ chớp thời cơ phát hành thêm CP để kiếm lời, mà chưa tính đến hệ quả sẽ giảm tỷ suất lợi nhuận sau này và dẫn đến nguy cơ kéo giá CP xuống theo.
(Theo Người Lao Động)