Thông tin trên rò rỉ ra ngoài từ trước Tết, khi đại diện Tập đoàn Tài chính ngân hàng Singapore OCBC (Oversea Chinese Banking Corporration) đến Việt Nam và ngỏ ý tìm hiểu Ngân hàng cổ phần Ngoài Quốc Doanh (VPBank). Trước đó vài tháng, VPBank cũng rậm rạp đánh tiếng muốn mời gọi cổ đông nước ngoài và OCBC chỉ là một trong số 5-6 đối tác tìm đến.
Thành lập năm 1912, OCBC là ngân hàng lớn thứ 3 ở Singapore và khá danh tiếng ở các thị trường tài chính khu vực châu Á, với 110 chi nhánh và văn phòng đại diện đặt tại 14 quốc gia và lãnh thổ. OCBC cũng đã có mặt ở Việt Nam từ hơn 10 năm nay và theo dư luận đây là ứng cử viên nặng ký nhất sẽ trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên VPBank.
Giá tăng theo cổ đông ngoại
Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc VPBank Lê Đắc Sơn cho biết kế hoạch bán 10% vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài vẫn đang trong quá trình thương thuyết và chưa thể hoàn tất trước tháng 2. Vụ trưởng Các Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Kiều Hữu Dũng cũng cho biết, ông chỉ nghe phong thanh về thương vụ hợp tác giữa VPBank và OCBC, chứ chưa nhận được hồ sơ xin phép chuyển nhượng cổ phần cho đối tác nước ngoài từ VPBank.
Thông tin chưa rõ ràng, song trong tuần qua, cổ phiếu VPBank đã trở thành hàng "nóng" trên thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Đã có giao dịch thành công với giá chuyển nhượng lên tới 37.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí sáng nay, có người còn chào bán 10.000 cổ phiếu ở mức 50.000 đồng, cao gấp 5 lần mệnh giá.
Cổ phiếu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đang được giới đầu tư lùng mua rốt ráo, đặc biệt là khi thông tin nhà băng này sẽ bán vốn điều lệ cho đối tác nước ngoài với giá 5.0 lan rộng ra ngoài. Cổ phiếu Eximbank đang giao dịch trên thị trường tự do với giá 4-4,2 triệu, thậm chí có người còn trả giá tới 4.8.
Các nhà băng nhỏ hơn cũng đang nung nấu kế hoạch bán vốn cho đối tác nước ngoài. Ngân hàng Quân đội (MB) từ đầu năm nay đã tăng cường nhân sự cao cấp, đẩy mạnh chiến lược thương hiệu và mảng ngân hàng bán lẻ, để vươn ra khỏi chiếc áo "nhà binh" lâu nay. Dự kiến trong tài khoá 2006, vốn điều lệ của MB sẽ tăng gấp đôi lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng cho kế hoạch mời gọi cổ đông ngoại nay mai. Citigroup là đối tác chiến lược từ lâu và nhiều khả năng sẽ được MB cân nhắc trước tiên khi lên danh sách. Cổ phiếu MB đang giao dịch trên thị trường với giá gấp 3,5-4 lần mệnh giá.
Đua tăng vốn điều lệ
Do đòi hỏi của thị trường và yêu cầu nâng cao năng lực tài chính từ phía Ngân hàng Trung ương, các nhà băng cổ phần đang chạy đua tăng vốn điều lệ. Theo giới quan sát đây vừa là mục tiêu, song cũng là động lực để các ngân hàng tự tin bắt tay với đối tác nước ngoài. Tăng vốn điều lệ, giá bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài sẽ cao hơn và ngược lại mời được sự tham gia của đối tác ngoại, vốn chủ sở hữu cũng sẽ tăng cao hơn.
VPBank dự định nâng số vốn lên 700 tỷ đồng trước khi có cổ đông nước ngoài. Trong tài khoá 2006, quy mô vốn sẽ được tăng tiếp lên 1.000 tỷ đồng. Eximbank vừa tuyên bố cuối năm nay sẽ có 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ, tăng trên 70% so với cuối 2005.
Nhóm các ngân hàng đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài cũng tỏ rõ tham vọng nâng cao năng lực tài chính. Vào 28/2 tới, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức tăng vốn điều lệ từ 1.250 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng. Sau đó, vào khoảng trung tuần tháng ba, sẽ nâng tiếp lên 2.000 tỷ đồng như dự kiến trước đây. Tuy nhiên, 2.000 tỷ đồng chưa phải là mức cuối cùng, nhà băng này đã có kế hoạch nâng vốn cổ đông lên 2.420 tỷ đồng sau khi cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán, dự kiến vào đầu tháng 6 tới.
Vốn điều lệ của Ngân hàng Kỹ thương VN (Techcombank) vừa chạm mốc gần 1.000 tỷ đồng. Đây là bước đi mới của Techcombank sau khi bán 10% cổ phần cho Ngân hàng HSBC tại VN. Như vậy, với mức vốn điều lệ mới, Techcombank tiếp tục duy trì vị trí thứ 3, sau Sacombank và Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tại VN (ACB đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 948,32 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng vào cuối năm nay).
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, thời gian gần đây thị trường vốn VN đang trở nên sôi động. Các ngân hàng đang trong thời kỳ trang bị cho mình về năng lực tài chính cũng như quy mô kinh doanh để sẵn sàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Do đó, tăng vốn điều lệ là điều cần thiết mà họ phải làm trước tiên.
Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN (VCB), Chi nhánh TP HCM - Nguyễn Phước Thanh cũng cho rằng, VN đang trong thời kỳ tiến tới việc hội nhập nền kinh tế quốc tế. Nếu các ngân hàng không trang bị năng lực sẽ khó khăn khi cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng. Vì thế, tăng vốn điều lệ là điều bắt buộc. Mặt khác, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến năm 2008, các ngân hàng VN phải đạt chỉ tiêu 8% vốn điều lệ trên tổng tài sản có rủi ro mới đủ khả năng tham gia hoạt động tín dụng. Nếu không, rủi ro đến với ngân hàng rất cao. Một ngân hàng trung bình của châu Á đều có mức vốn điều lệ 600-700 triệu USD.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP HCM Một cho biết, 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ đang là đích ngắm của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong lộ trình tăng vốn từ nay đến năm 2010. Như thế, họ mới có đủ tiền để mua sắm các thiết bị công nghệ hiện đại khi bước vào nền kinh tế hội nhập (mỗi ngân hàng thường dung tới 50% vốn điều lệ để trang bị tài sản cần thiết).
Hiện Ngân hàng Nhà nước không giới hạn mức vốn điều lệ tối đa của các ngân hàng cổ phần mà chỉ đưa mức tối thiểu. Cụ thể, đối với một ngân hàng thương mại cũ phải có vốn điều lệ từ 77 tỷ đồng trở lên. Riêng đối với các ngân hàng thương mại thành lập mới hiện nay phải đạt mức vốn điều lệ tối thiểu là 155 tỷ đồng. "Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các ngân hàng cổ phần tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, các ngân hàng nên xem xét kỹ đối tác trước khi quyết định bán cổ phần, nhất là với các đối tác là ngân hàng nước ngoài. Cần xác định năng lực và chiến lược của đối tác, vì tiền chưa phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại", ông Minh khuyến cáo.
(Theo VnExpress)