"Mỗi lần bạn bè đến nhà, họ đều hỏi tôi rằng nuôi hai con có áp lực không. Thực lòng mà nói, tôi không có nhiều tiền như mọi người nghĩ. Nhưng bằng cách sống tối giản, tôi đã tiết kiệm được thêm 200.000 nhân dân tệ (700 triệu đồng) trong hai năm", Jiao Jie, đến từ Trung Quốc, nói. Cô đã đúc kết một số bí quyết về lối sống tối giản khi có con trong bài viết này.
1. Tái sử dụng đồ chơi của người khác
![Trong nhà của Jiao Jie có nhiều đồ chơi tự chế hoặc tái sử dụng từ người khác.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/08/11/e6dd7371708d44429e66d8dc1d6e46-1869-2180-1723355976.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QYQJvQjR70vTe-7_psaNUw)
Trong nhà của Jiao Jie có nhiều đồ chơi tự chế hoặc tái sử dụng của người khác.
Jiao Jie cho các con dùng đồ chơi xin lại được từ nhà họ hàng, bạn bè hoặc đồ mọi người tặng cho các bé. Jiao Jie cũng không mua nhiều thú nhồi bông cho con bởi cô thấy chúng dễ sinh ra vi khuẩn và khó giặt. Nhiều đồ chơi khác do bố các bé tự làm hoặc tái chế từ những món đồ bỏ đi trong nhà.
2. Hiếm khi mua quần áo mới cho con
![Jiao Jie cho con mặc đồ cũ từ người khác để tiết kiệm.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/08/11/c4bbed1ac54141aa9a34777c3e2d68-3759-8778-1723355977.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zPof_qGH2YFsuSbwbnqTQA)
Jiao Jie cho con mặc đồ cũ để tiết kiệm.
Ban đầu, Jiao Jie mua rất nhiều quần áo nhưng bọn trẻ lớn quá nhanh, có những bộ chưa mặc đã chật. Cô nghĩ nếu phải vứt đồ đi thì thấy thật đáng tiếc, nhưng giữ lại cũng không có tác dụng gì và chiếm diện tích.
"Nếu bạn muốn tiết kiệm tiền khi nuôi con, hãy mua ít quần áo cho bé", cô nói. Hiện tại, con cô chủ yếu mặc quần áo cũ được bạn bè hoặc họ hàng cho. "Việc nhặt nhạnh quần áo cũ để mặc thực ra không hề xấu hổ như tôi tưởng tượng. Giờ đây, hai bé không còn cảm thấy tự ti khi mặc quần áo cũ, cũng không vòi vĩnh mua quần áo mới", cô nói.
3. Đừng từ bỏ mua sắm chỉ để tiết kiệm
"Tôi tin nhiều người sẽ nói rằng sống tối giản có nghĩa là không mua sắm bừa bãi và từ bỏ mọi thứ. Nhưng tôi nhận ra rằng việc từ bỏ một cách mù quáng không chỉ khiến chúng ta tiêu nhiều tiền hơn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống", cô cho biết.
Cuộc sống tối giản mà Jiao Jie thực hiện là sắp xếp hợp lý những món đồ đã mua. Cô gợi ý, nếu mua ít đồ, tự nhiên trong nhà sẽ gọn gàng hơn, không có các vật dụng dư thừa để bỏ đi.
4. Lập kế hoạch tiết kiệm
Kể từ khi bắt đầu sống tối giản, Jiao Jie đã lập kế hoạch tiết kiệm hàng tháng. Đầu tháng, cô lên danh sách những thứ cần mua cũng như dự trù một số khoản chi tiêu phát sinh. Với số tiền còn dư, cô tiết kiệm 80% và giữ lại 20% tiền dành cho trường hợp khẩn cấp. "Thực tế, khi tiết kiệm tiền, mỗi tháng một người nên đặt ra những mục tiêu khác nhau. Nếu tháng này chi tiêu ít thì tiết kiệm nhiều hơn. Nếu chi tiêu nhiều thì tiết kiệm ít hơn", cô gợi ý.
5. Không gọi đồ ăn ngoài
![Một bữa cơm do Jiao Jie nấu.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/08/11/6da7a9eceea64921915df3e9934622-5542-1668-1723355977.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_BOCLgDFZNvSjJpfgwpL7g)
Một bữa cơm do Jiao Jie nấu.
Jiao Jie nhận thấy hiện nay các bạn trẻ thích gọi đồ ăn ngoài nhưng cô rất hạn chế việc này. Lý do chính là vì cô thấy nó đắt, không tốt cho sức khỏe và ít bổ dưỡng. "Đặc biệt nếu trong nhà có trẻ em, tốt nhất nên cho trẻ ăn ít đồ ở ngoài và tự nấu càng nhiều càng tốt", bà mẹ hai con nói thêm.
Cô ước tính mỗi ngày tốn khoảng 20 tệ (khoảng 70 nghìn đồng) để mua nguyên liệu thực phẩm mỗi ngày cho một người và 600 tệ (khoảng 2,1 triệu đồng) để mua đồ một tháng.
6. Tận dụng đồ cũ
Nếu nhiều thứ ở nhà không còn hữu dụng nữa, mọi người sẽ vứt chúng đi. Nhưng Jiao Jie nhận thấy hầu hết đồ đạc đều có thể tái sử dụng. Ví dụ, cô không vứt bỏ những hộp giấy chuyển phát nhanh. Cô giữ lại và bán phế liệu.
>> Ba thói quen không đau đớn giúp 9X thoát cảnh nợ nần
Hằng Trần (Theo Sohu)