- Từ khi Trung tâm bản quyền tác giả của Hội Nhạc sĩ ra đời cách đây 2 năm, anh thấy có kết quả của việc thu tiền tác quyền từ đó như thế nào?
Nhạc sĩ Phú Quang. |
- Việc ra đời một Trung tâm như thế là điều tất yếu, các nước khác họ đã làm từ lâu rồi. Tuy nhiên, tôi thấy Trung tâm hoạt động chưa được hiệu quả, vẫn còn phong thái làm ăn quan liêu bao cấp. Vừa rồi, tôi có giấy gọi lên lấy tiền bản quyền tại trung tâm nhưng khi lên chỉ lấy được 180.000 đồng tiền bản quyền.
Nếu cho tôi được phép kinh doanh Trung tâm này, tôi sẽ điều hành nó hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Tôi sẽ tuyển một đội ngũ nhân viên năng động, trả lương cao và yêu cầu làm việc, lương cũng sẽ được tính theo số giờ họ làm việc, theo kết quả họ thu về, chắc chắn nhân viên Trung tâm của tôi sẽ là người giàu có vì họ chỉ cần phát hiện một chiếc băng đĩa in có bài của tôi là họ có tiền, hay họ đi nghe một buổi ca nhạc có diễn bài của tôi là họ có 20% tiền thu được từ bản quyền.
- Với riêng anh, anh đã thực hiện Luật bản quyền như thế nào?
- Tôi từng trực tiếp cầm tiền đến nộp cho Trung tâm Bản quyền tác giả của Hội Nhạc sĩ để gửi nhuận bút cho 3 nhà thơ. Tuy nhiên, việc chuyển tiền đến các tác giả vẫn còn rất chậm trễ. Sau đó, tôi đã có cách riêng để làm việc này là điện thoại trực tiếp cho chính tác giả, sau đó chuyển tiền nhuận bút đến thẳng nhà thơ đó.
- Theo anh thì biện pháp nào sẽ là hiệu quả đối với bản quyền tác phẩm?
- Quan trọng nhất là ý thức nghiêm túc của mỗi người về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu Nhà nước cứ quy định mức phạt tiền thật cao thì khó có người dám sản xuất băng đĩa lậu. Nếu bắt được một người bán một chiếc đĩa lậu giá 10.000 đồng thì phạt thật nặng tới 10 triệu đồng thì chắc chắn họ sẽ không dám làm nữa. Hay một quán bar ca nhạc, nếu cho biểu diễn các tác phẩm của các nhạc sĩ mà không tự nguyện nộp tiền bản quyền, nếu nhân viên của Trung tâm bản quyền phát hiện sẽ có mức phạt nặng. Nói chung, luật bản quyền là vấn đề văn minh, nhưng để thực hiện được nghiêm chỉnh cũng còn phụ thuộc vào sự nghiêm minh của pháp luật.
- Đang từ Sài Gòn, lại thấy anh chuyển ra Bắc sống và làm việc. Anh có thể lý giải về vấn đề này như thế nào?
- Cuộc đời thì luôn thay đổi như nó vốn có, lúc trước tôi thấy Sài Gòn thích hợp cho công việc của mình, bây giờ tôi lấy Hà Nội làm chốn yên thân. Công ty của tôi, hoạt động để phục vụ mỗi sở thích của tôi. Tôi thuê căn nhà 88 đường Yên Phụ, Hà Nội, vừa để ở vừa làm trụ sở công ty. Tôi làm tất tật mọi việc liên quan và hỗ trợ phát triển nghệ thuật. Bây giờ tôi thấy thanh thản. Rất có thể tôi sẽ mở một siêu thị âm nhạc tại đây, nhưng đấy mới là ý tưởng.
- Nghe nói anh sắp trở thành “ông nhạc”?
- Vâng, con gái tôi - Trinh Hương - sắp hoàn thành luận án tiến sĩ tại Học viện Tchaikovski, hiện cháu đang về nước chuẩn bị cho đám cưới với nghệ sĩ violon Bùi Công Duy vào sau Tết Nguyên Đán năm 2004. Các cháu quen và tìm hiểu nhau đã từ lâu ở bên Nga, nay việc học tập đã xong nên quyết định chuyện riêng tư. Tôi đã vượt qua bao nhiêu biến động của cuộc sống, vượt qua cả bệnh tật, bây giờ tôi cảm thấy bình yên.