My, SV năm thứ hai tại ĐH Kinh tế Hà Nội. My xinh đẹp, những bộ quần áo quê mùa cũng không che lấp được vẻ đẹp đó. Gia đình cô vốn làm nông nghiệp, vì sợ cảnh "chân lấm tay bùn" nên My quyết chí học để thoát ly.
Vào được ĐH, My nuôi những ước mơ đẹp. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn nơi thị thành khiến cô phải bươn chải đủ nghề để có tiền sống và học tập. Có thời, mọi người thấy My lang thang giữa trưa nắng chang chang đi phát tờ rơi, rồi có lúc, My suốt ngày đạp xe hàng chục cây số xuống tận Thanh Trì để làm gia công bút bi cho một cơ sở tư nhân...
Bẵng đi một thời gian, My thay đổi hoàn toàn, không còn cái vẻ "chân quê" như hồi mới ra Hà Nội nữa. Bây giờ khoác trên người My là chiếc quần bò đúng mốt, cộng với cái thắt lưng to bằng nửa gang tay, chiếc áo khoét ngực lóng lánh, sợi dây chuyền vàng trên cổ trông thật khêu gợi và hấp dẫn.
Tưởng My đã kiếm được một công việc tốt, ai dè nghe bạn bè nói, My "đổi đời" như vậy là bởi đang cặp bồ với một doanh nhân tận Bắc Ninh. Người đàn ông đó đã có vợ 3 con và thường lên Hà Nội công tác. Tình cờ ông ta gặp My và ngỏ ý muốn cô làm "bạn gái" với giá: Một chiếc xe máy và một căn nhà thuê đầy đủ tiện nghi, My đồng ý. Mỗi tuần ông ta tới sống cùng cô một lần và chu cấp tiền bạc cho cô.
Cuộc sống tầm gửi ấy tưởng sẽ cứ thế diễn ra êm xuôi nhưng được một thời gian thì vợ người đàn ông kia phát hiện. Bà ta đã lên tận nơi và xắn tay áo lên đánh ghen My một trận quyết liệt, rồi tịch thu xe máy, đồ đạc trong nhà, chỉ để lại cho cô một số tư trang rẻ tiền vì đã có công "phục vụ chồng bà". Bây giờ My trở thành người vô cảm, học hành thì lẹt đẹt, suốt ngày lang thang các quán intemet để giải khuây.
Hầu hết những lý do được đưa ra để lý giải nguyên nhân của hiện tượng "làm bồ nhí" của một số nữ sinh viên đều khó chấp nhận. Hà đã có thâm niên cặp bồ với hai người đàn ông có gia đình thì nói thẳng "vì cần tiền". Thực ra chỉ cần nhìn cái xe máy, cách ăn mặc và cách tiêu tiền của Hà thì cũng có thể nhận ra mục đích việc đi cặp bồ của cô.
Còn Giang lại trở thành bồ nhí của một ông giám đốc đáng tuổi bố mình vì hy vọng vào lời hứa của ông ta là sẽ giúp cô xin việc làm khi ra trường. Lúc đầu Giang cũng nghi ngại vì mới chỉ quen biết sơ sơ mà ông ta đã tỏ ra rất sốt sắng với cô. Nhưng cái mác "giám đốc" đã khiến cô mờ mắt và tự nguyện "hiến mình" cho ông ta.
Đã hơn một năm Giang ra trường, nhưng cái công việc béo bở mà ông giám đốc nọ hứa vẫn bặt vô âm tín. Giờ đây Giang mới "lờ mờ" nhận ra mình bị lừa.
Còn Nguyệt thì đến với nghề "bồ nhí" một cách rất tự nhiên. Cô bảo mình thích những cuộc phiêu lưu tình ái. Và đối tượng cô chọn là những người đàn ông lớn tuổi, từng trải và thành đạt, có thể "bao" cô cả chuyện ăn chơi lẫn chuyện học hành, còn mấy cậu thanh niên cùng thế hệ thì bị cô nhìn bằng nửa con mắt!
Những cuộc phiêu lưu tình ái đầy màu sắc thực dụng mà Nguyệt đang theo đuổi chẳng biết khi nào mới kết thúc, chỉ có điều nhìn cô ngày càng thân tàn ma dại.
Còn có muôn vàn lý do khác nữa khiến các sinh viên nữ chấp nhận một cuộc sống "già nhân ngãi, non vợ chồng" với những người đàn ông hơn mình hàng chục tuổi. Nhưng dù đó là lý do gì, thì điều đáng trách cũng thuộc về chính những sinh viên ấy. Họ đã vì cái lợi trước mắt hoặc không đủ bản lĩnh vượt qua những khó khăn ban đầu của cuộc đời mà "nhắm mắt đưa chân".
Theo Phụ Nữ Việt Nam, không ít người trong số họ khi bị "bồ" bỏ rơi đã không thể tự đứng dậy làm lại cuộc đời. Họ chán nản và lại lao vào những cuộc tình khác một cách vô vọng, giống như con thiêu thân biết rằng lao vào vầng hào quang là lao vào chỗ chết, nhưng vẫn không dừng lại được. Có cô sau một thời gian làm bồ nhí bị "đá", đã quyết tâm thay đổi số phận bằng cách quay lại con đường học tập.
Nhưng như ông bà ta đã nói: "Làm đi thì dễ, làm lại thì khó". Con đường phấn đấu trước mặt họ giờ đã mọc thêm những chông gai mới. Chỉ những ánh mắt xa lạ, dè chừng của bạn bè cũng khiến các cô tủi hổ, mặc cảm; rồi tự trong lòng, các cô cũng không dám chắc: Còn có người con trai nào đủ rộng lượng để đến và yêu người con gái đã từng sa ngã như mình nữa hay không?