Khi Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn (Rama X) chào đón hàng nghìn người tại một cuộc biểu tình ủng hộ chế độ quân chủ ở Bangkok vào tháng trước, các tay máy đã chụp cận cảnh ông và Hoàng hậu Suthida rạng rỡ vẫy tay chào đám đông cầm cờ cùng chân dung của hai người. Sự xuất hiện của Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi giữa đám đông hôm đó đánh dấu sự trở lại của bà sau gần một năm bị phế truất vì không trung thành.

Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi xuất hiện trong một cuộc biểu tình ủng hộ chế độ quân chủ ở Bangkok hôm 1/11. Ảnh: Reuters.
Kể từ khi được phục vị vào tháng 9, Hoàng quý phi đã tới nhiều tỉnh của Thái Lan để động viên người dân trong bối cảnh phong trào ủng hộ dân chủ trên khắp đất nước. Theo nhà khoa học chính trị Puangchon Unchanam từ Đại học Naresuan, vai trò của Hoàng quý phi Sineenat là nỗ lực đối phó các cuộc biểu tình đang bùng nổ trên khắp đất nước với sự tham gia đông đảo của người trẻ đòi cải cách chế độ quân chủ. Bà Sineenat được đánh giá là người sẽ khiến giới trẻ Thái Lan quý mến vì "trẻ trung, năng động, xinh đẹp, thân thiện và thể thao".
Hậu cung phức tạp của vua Thái Lan
Ngày 1/11, Hoàng quý phi Sineenat chính thức công khai xuất hiện trước công chúng. Bà cười rạng rỡ, tạo dáng và bắt tay những người ủng hộ, cách thường không được hoàng gia áp dụng. Sự khiêm tốn, thân thiện của bà Sineenat có thể thu hút sự yêu mến của công chúng với hoàng gia nhưng với địa vị là Hoàng quý phi, người đầu tiên trong gần một thế kỷ được phong vị này, hành động của bà được đánh giá đang gây bất lợi cho chính mình.
"Địa vị của bà ấy không phù hợp với các giá trị xã hội của giới trẻ ngày nay, những người cổ vũ chế độ một vợ một chồng, bình đẳng giới và tư tưởng nữ quyền trong xã hội Thái Lan", nhà khoa học chính trị Puangchon Unchanam từ Đại học Naresuan, nhận định.

Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida xuất hiện trong một cuộc biểu tình ủng hộ chế độ quân chủ ở Bangkok hôm 25/11. Ảnh: AFP.
Khi bà Sineenat bị tước danh hiệu vào tháng 10 năm ngoái, nhiều người nghi ngờ đó là việc làm nhằm phá hoại danh tiếng của bà. Thông báo cho biết bà đã hành động một cách kiêu ngạo và "cố gắng hết sức để so sánh bản thân như Hoàng hậu". Lúc đó, Hoàng quý phi Sineenat được cho sẽ có cùng số phận với ba người vợ cũ của nhà vua, những người bị công khai thất sủng và bị lưu đày.
Công chúng không lạ gì thái độ coi thường hôn nhân của Quốc vương Vajiralongkorn. Ông từng công khai có tình nhân kể từ cuộc hôn nhân đầu tiên vào năm 1977 với Công chúa Soamsawali, em họ của ông, và mẹ của công chúa Bajrakitiyabha (sinh năm 1978). Nhiều tháng sau khi con gái chào đời, nhà vua chào đón một cậu con trai với cựu diễn viên Sujarinee Vivacharawongse. Bà Sujarinee Vivacharawongse có 5 người con với quốc vương trong thời gian ông còn hôn nhân với Công chúa Soamsawali.
Năm 1994, bà Sujarinee kết hôn với nhà vua, sau đó định cư ở Mỹ cùng các con trai. Nhưng sau đó, mẹ con bà bị ghẻ lạnh, đuổi khỏi hoàng cung và tước bỏ mọi danh hiệu. Tờ Daily Mail đưa tin khi Chakriwat, một trong những người con trai của Quốc vương Vajiralongkorn, bệnh nặng, phải nhập viện hồi tháng trước ở New York, anh đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ cha mình. Tuy nhiên, con út của bà Sujarinee là Công chúa Sirivannavari lại được quốc vương yêu quý và giữ danh hiệu hoàng gia. Hiện công chúa 33 tuổi này là nhà thiết kế. Buổi biểu diễn của cô ở Bangkok bị những người ủng hộ dân chủ biểu tình phản đối.

Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi tạo dáng chụp hình cùng người ủng hộ chế độ quân chủ hôm 1/11. Ảnh: Reuters.
Năm 2014, Quốc vương Vajiralongkorn ly hôn với người vợ thứ ba, Srirasmi Suwadee, sau khi nhiều thành viên trong gia đình bà bị kết án vì tội lừa đảo và không tôn trọng chế độ quân chủ. Đây là một trong những cuộc thanh trừng hoàng gia lớn nhất. Hai người có một con trai, Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti, hiện học ở Đức.
Không rõ Quốc vương Vajiralongkorn bắt đầu mối quan hệ với Hoàng hậu Suthida, cựu tiếp viên hàng không, 42 tuổi, và Hoàng quý phi Sineenat, y tá 35 tuổi, khi nào nhưng bà Suthida đã làm việc như một cận vệ hoàng gia vào đầu năm 2010, trong khi bà Sineenat là một sĩ quan cung điện từ năm 2012.
Việc phế truất Hoàng quý phi Sineenat và sau đó phục vị cho bà của Quốc vương Vajiralongkorn được các nhà phê bình đánh giá là bằng chứng về sự lạm dụng quyền lực của chế độ quân chủ.
"Nhà vua có thể bổ nhiệm Hoàng quý phi, công khai phế truất, sau đó búng tay và trực tiếp đưa thẳng tới dinh thự của mình ở Đức", Tamara Loos, giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, nói. "Quốc vương có thể đưa bà ấy đi khắp đất nước trong khi một làn sóng phản đối chế độ quân chủ đang dâng cao. Điều đó có nghĩa là không có hậu quả nào dành cho hành vi của nhà vua, nhưng hậu quả nghiêm trọng cho những người thân cận và những người dám đối đầu với ông ta".
Luật pháp Thái Lan hiện không công nhận chế độ đa thê. Trong khi vai trò lịch sử của các thê thiếp là sinh người thừa kế, tạo nên mối liên hệ chính trị hoặc của cải cho nhà vua thì ở hiện tại, vai trò của Hoàng quý phi Sineenat chính là sự ủng hộ cho chế độ quân chủ.
Wan, 36 tuổi, một người biểu tình và tự xưng là một nhà nữ quyền nói rằng mặc dù cô không có vấn đề gì với chế độ đa thê, nhưng "việc đẩy Hoàng quý phi vào tù mà không tiến hành quy trình nào cho thấy sự bất công trong đối xử với phụ nữ của nhà vua".
"Hầu hết những người Thái tiến bộ đều đặt câu hỏi tại sao quốc vương của họ có thể công khai phô trương việc có dàn hậu cung thê thiếp trong khi nhiều người khác cố gắng giữ bí mật", Andrew McGregor Marshall, một nhà báo người Scotland, người đã đưa tin về hoàng gia Thái Lan trong nhiều thập kỷ, nói. Andrew từng bị chính phủ nước này buộc tội vi phạm luật nghiêm ngặt về tội phỉ báng hoàng gia.

Con gái của vua Thái Lan là Công chúa Bajrakitiyabha (trái); Công chúa Sirivannavari Nariratana; Hoàng hậu Suthida (giữa) và Hoàng tử Dipangkorn Rasmijoti tại lễ đăng quang của quốc vương vào ngày 4/5/2019. Ảnh: EPA.
Hoàng quý phi và Hoàng hậu 'cung đấu'
Giữa cuộc khủng hoảng chính trị, bên trong hoàng cung được cho là cũng đang trải qua cuộc tranh đấu nội bộ. Sự trở lại của Hoàng quý phi Sineenat làm dấy lên nhiều suy đoán về âm mưu của những người ủng hộ Hoàng hậu Suthida. Phe của hoàng hậu được cho là một lần nữa muốn lật đổ Hoàng quý phi sau khi các bức ảnh riêng tư của bà bị phát tán ngay trước thời điểm được phục vị.
Pavin Chachavalpongpun, một học giả tại Đại học Kyoto và là người tị nạn chính trị Thái Lan, cho biết ông đã nhận được bộ sưu tập các bức ảnh cá nhân của Hoàng quý phi Sineenat. Một số bức ảnh còn được ông chia sẻ trên Facebook.
Nhà báo McGregor Marshall cho hay anh nhận được một thẻ nhớ chứa 1.443 hình ảnh của Hoàng quý phi Sineenat "ngay trước khi bà được thả khỏi nhà tù dành cho phụ nữ Lat Yao tại Bangkok và đến Đức vào ngày 29/8 để tái gia nhập vào dàn hậu cung của Vajiralongkorn".
"Rõ ràng những bức ảnh đã được trích xuất từ ba chiếc iPhone mà Hoàng quý phi từng dùng. Hầu hết các hình ảnh là cô ấy tự chụp và hàng chục trong số chúng là nhạy cảm. Có vẻ như cô ấy đã chụp những bức ảnh này để gửi cho Quốc vương Vajiralongkorn".
Trên Facebook vào tháng 11, McGregor Marshall cho rằng sự trở lại của Sineenat đã bị "phản đối gay gắt" bởi những người trung thành với Hoàng hậu Suthida và Công chúa Bajrakitiyabha, con cả của nhà vua. "Rất có thể hình ảnh của Sineenat đã bị rò rỉ trong nỗ lực phá hoại sự trở lại của cô ấy với tư cách là Hoàng quý phi của Vua Vajiralongkorn", McGregor viết.
McGregor Marshall nhận định "cuộc tranh giành quyền lực đáng sợ" trong cung điện do "đời sống tình dục phức tạp" của nhà vua có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Hoàng quý phi Sineenat và Hoàng hậu Suthida tiếp tục giành địa vị và sự chú ý. Việc bà Sineenat bị bỏ tù đã làm tổn hại danh tiếng cho nền quân chủ Thái Lan, đồng thời Hoàng hậu Suthida có thể sẽ phải lo lắng số phận mình như "ba người vợ trước của Quốc vương Vajiralongkorn".
"Tất nhiên sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai người phụ nữ, và điều này sẽ gây ra tình trạng bè phái và bất ổn trong cung điện. Thật khó để thấy được một kết thúc tốt đẹp", McGregor Marshall nói.
Sơn Nam (Theo SCMP)