![]() |
Trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa |
Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP HCM là một "thế giới khác" của Sài Gòn.
Phường được giới hạn bởi 2 con lộ tráng nhựa là đường Bình Long và đường Tân Kỳ - Tân Quý. Đường Tân Kỳ - Tân Quý lâu rồi không được nâng cấp; đường hẹp, người lại đông. Vào các ngày "tốt", xe tang nhiều là lập tức tắc đường. Còn đường Bình Long thì mới sửa chữa năm rồi, nay trông chẳng khác nào đường Trường Sơn năm xưa, khói bụi mịt mù suốt ngày. Nhưng nói cho cùng, đó là hai con đường "bảnh" nhất ở khu vực này; còn lại đa số là đường cấp phối đá trộn đất, hầm hố lởm chởm.
Dọc đường Bình Long, đoạn từ cây xăng mũi tàu gần ngã tư Bốn xã đến Tân Kỳ - Tân Quý, chúng tôi đếm được không dưới một chục nghĩa trang họ tộc. Chen chúc giữa những nghĩa trang này là nhà dân hai khu phố 5 và 6; phần đông là nhà cấp 4. Bên phía đường Tân Kỳ - Tân Quý cũng vậy, qua khỏi lò thiêu Bình Hưng Hòa là san sát những nghĩa trang của các hội tương tế, và cũng sát vách với hàng nghìn hộ dân. Hỏi một chị nhà ở khu phố 5, ngay sau nghĩa trang Bình Hưng Hòa: "Chị sợ ma không?". "Ma cỏ gì. Ban đêm người ta vẫn chạy xe ngang qua con đường này, xuyên qua nghĩa địa. Quen rồi...".
Ở đây, có một loại "ma" hữu hình đáng sợ hơn, đó là... ma túy, nhưng vài năm trở lại đây công an, dân phòng truy quét rất dữ nên tệ nạn này đã giảm nhiều. Mặc dù vậy, chị Nguyệt, người trông coi nghĩa trang họ tộc Quần Cống ở khu phố 6, cho biết lâu lâu chị vẫn dành thời gian đi lượm ống kim tiêm do con nghiện vứt lại.
Ma túy ít đi, thì lại xuất hiện một loại... "ma" khác. "Ma" này hiền lành hơn, và thường đi từng cặp như loài sam biển. Một ông quản trang tu hành trong quần thể nghĩa trang nói với tôi rằng, khi gặp những con "ma" này ông không nỡ đuổi đi. Ở cái góc thành phố âm u này chỉ toàn mồ mả, đâu có khoảng xanh nào cho những người yêu nhau. Họ buộc phải thích nghi với điều kiện sống ở đây; nghĩa trang thành nơi hò hẹn. Cứ thế, mồ một bên và... em một bên.
Trước 1975, Bình Hưng Hòa - Bình Chánh (nay được chia ra làm 3 phường: Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B) là đồng trống, cách xa trung tâm thành phố. Chính quyền Sài Gòn cũ đã quy hoạch nơi đây thành một quần thể nghĩa trang, phục vụ chung cho toàn thành phố. Đến nay có trên dưới 20 nghĩa trang với hàng chục nghìn ngôi mộ, trong đó lớn nhất là Nghĩa trang nhân dân Bình Hưng Hòa, rộng 42 ha do Sở Giao thông - Công chánh quản lý, còn lại là các nghĩa trang của các hội tương tế, họ tộc.
30 năm qua, áp lực dân số ngày một lớn, người ta tận dụng mọi ngóc ngách để xây nhà ở. Nhiều khu dân cư giờ đã có "tổ dân phố", "khu phố" hẳn hoi, định hình ngay trong thế giới yên nghỉ của người khuất mày khuất mặt. Quần thể nghĩa trang đã được quy hoạch ngày nào giờ biến dạng, đứt khúc. Nói không ngoa, ở đây người sống đang sống bên cạnh người chết. Ngay như trụ sở hành chính của phường Bình Hưng Hòa A cũng tọa lạc sát bên nghĩa địa.
Ông Lê Văn Ngọc Vân, Phó chủ tịch HĐND phường còn cho biết, 30 năm qua người dân phường này (và nhiều phường lân cận khác) không có nước máy sử dụng. Cách nay vài tháng thấy "ông cấp nước" kéo đường ống chạy dọc theo đường Tân Kỳ - Tân Quý, đường Bình Long, ai cũng khấp khởi mừng. Nhưng là... mừng hụt. Đường ống nước chính đã có, nhưng kéo vào nhà dân thì chưa thấy ông GTCC rục rịch gì. Ngay như cơ quan hành chính, đoàn thể phường cũng phải sử dụng nước ngầm. Ông Vân nói: "Nước sinh hoạt trong ủy ban chưa được xét nghiệm nên cũng không biết có bị ô nhiễm hay không?".
Cơ quan nhà nước còn như vậy thì người dân sử dụng nước gì? Ông Vân và bác sĩ Nguyễn Văn Hiến, Trưởng trạm Y tế phường đưa PV Thanh Niên đến nhà chị Trương Thị Hưng, ở khu phố 5, cách UBND phường chừng 400 mét, nằm ngay trong lòng nghĩa địa. Rót mấy ly nước trà mời khách, thấy khách nhìn cái giếng khoan có vẻ ái ngại, chị Hưng vào trong mang ra một ca nước ngầm và khoe: "Nước này trong lắm. Tôi chỉ mới biết nấu sôi để nguội gần đây thôi, chứ từ trước đến giờ cứ để vậy mà uống, có thấy bị gì đâu". "Chị có bao giờ cho xét nghiệm thử chưa?". "Chưa xét! Mà tôi cũng nào có biết đi xét ở đâu".
Bác sĩ Hiến nói ở đây giếng khoan ở độ sâu tầng 2 (sâu 80-90 mét) như nhà chị Hưng không nhiều vì đa số là dân nghèo, sống bằng nghề buôn gánh bán bưng, lượm bịch nylon và một phần là nữ công nhân may ở các tỉnh đến thuê trọ. Một cái máy bơm loại "2 đầu" để hút nước từ độ sâu 80-90 mét cũng phải mất 2,5-3 triệu đồng; rồi phải mua gas hay bếp dầu về đun nấu. Những khoản tiền ấy cộng lại cũng không lớn mấy, nhưng với cư dân của "thành phố buồn" này lại là điều xa xỉ. Hơn nữa, ai cũng nghĩ đơn giản: uống nước dưới nghĩa trang chưa thấy ai bệnh tật, chết chóc gì nên chắc cũng chẳng sao.
Tình trạng “khát” nước sạch ở khu vực giáp ranh giữa khu phố 5 và khu phố 6 còn tồi tệ hơn. Có một con kênh nước đen như mực chảy ngang qua đây, từ lâu rồi. Chưa kể ảnh hưởng của hàng chục nghìn xác người dưới mộ phân hủy, thẩm thấu vào lòng đất, riêng trong phạm vi 30-40 mét dọc hai bên bờ con kênh nước đen này là nước thải của hàng trăm cơ sở dệt nhuộm ở Tân Bình đổ ra, cộng với nước dơ do người dân giặt rác nylon phế thải đổ xuống đã làm cho sự ô nhiễm nguồn nước ngầm ở đây trở nên hết sức trầm trọng. Không có nước máy, còn nước giếng khoan thì không uống được. Rồi mỗi sáng tinh mơ hàng chục chiếc xe lam 3 bánh lại nhả khói, nổ ầm ầm; ngày nào cũng chứng kiến cảnh khóc lóc, tiễn biệt người chết sang bên kia thế giới; rồi ma túy, ma cô... Một môi trường sống ô nhiễm “đa dạng” như vậy mà người ta vẫn sống được.
Như đã nói ở trên, "thành phố buồn" này chỉ có hai con đường Bình Long, Tân Kỳ - Tân Quý là coi được, còn lại là đường hẻm. Hẻm chi chít, chật chội, đi vài chục bước lại gặp. Nhà xây tứ hướng, đường đi đủ kiểu, không cái nào giống cái nào. 95% đường hẻm không có cống thoát nước; 5% còn lại có cống, nhưng chỉ là cống cục bộ, vì có cống lớn đâu mà thoát ra. Để thích nghi, người dân đã chủ động xây nhà rất cao so với mặt đường. Cho nên cứ đến mùa mưa là tất cả các con hẻm đều biến thành sông rồi chờ nắng lên để thoát... lên trời! Nước thải sinh hoạt trong nhà thì thoát... tại chỗ, xuống đất, nếu gặp mưa, tràn đi đâu thì tràn. Cách nay 4-5 năm, khi nghe Nhà nước dự định ký với Chính phủ Bỉ một dự án xử lý nước thải, nhà máy đóng tại khu ao sen Bình Hưng Hòa, dân rất mừng. Nhưng chờ mãi đến giờ cũng chẳng thấy nhà máy đâu.
Ở "thành phố buồn" lâu nay người ta vẫn sống như thế. Hỏi chuyện quy hoạch, người dân nói họ cũng nghe phong thanh Sở GTCC sẽ cho bốc mộ, di dời đến nghĩa trang Đa Phước - Bình Chánh. Khi người dân xây nhà cạnh nghĩa trang cũng không thấy chính quyền ngăn cản, điều đó khiến họ hy vọng việc di dời nghĩa trang sẽ thành hiện thực. Cho đến nay, người dân và một số cán bộ phường Bình Hưng Hòa A vẫn tin như vậy. Một cán bộ Ban quản lý Nghĩa trang nhân dân Bình Hưng Hòa cho biết: "Sở GTCC vẫn tiếp tục cho chôn cất, không đả động gì đến dự án di dời nghĩa trang".
Vậy là người dân "thành phố buồn" lại có thêm một lý do nữa để... buồn.