Động cơ Blue Core là con bài chiến lược của Yamaha trong cuộc đua với động cơ eSP của Honda, được giới thiệu từ năm 2012. Hai công nghệ này đều tập trung vào tăng cường hiệu suất đốt cháy nhiên liệu bằng việc thiết kế lại buồng đốt, giảm tổn hao động năng cùng khả năng kiểm soát mức độ nhiên liệu vào thời điểm đánh lửa.
Động cơ Blue Core, kết quả của ba năm nghiên cứu từ tháng 12/2009, sẽ được sử dụng trong các xe tay ga của Yamaha bán ở thị trường Đông Nam Á thời gian tới đây. Tại Việt Nam, mẫu xe có động cơ Blue Core đầu tiên của Yamaha sẽ trình làng trong tháng 7 này.
Các kỹ sư của Yamaha thiết kế lại cổng nạp và buồng đốt trên động cơ Blue Core nhằm đảm bảo hiệu ứng xoáy lốc cho hỗn hợp không khí nhiên liệu ở dải tốc độ từ thấp đến cao. Tỷ số nén của động cơ 11:1 giúp đạt hiệu suất nhiên liệu tốt, nhờ đó, góp phần tạo ra một động cơ với vòng tua thấp và mô men xoắn cao. Ngoài ra, thiết kế buồng đốt nhỏ gọn, hình bán cầu với tiết diện bề mặt nhỏ cũng được sử dụng để tăng hiệu năng đốt cháy nhiên liệu. Thời điểm đánh lửa cũng được tính toán kỹ lưỡng theo từng địa hình di chuyển. Theo Yamaha, với những cải tiến mới, lượng tiêu hao nhiên liệu của động cơ Blue Core được giảm tới 50% so với thế hệ động cơ trước.
Với công nghệ eSP của Honda, điểm nhấn là hệ thống phun xăng điện tử PGM-FI kết hợp với buồng đốt cũng được thiết kế lại. Đối với PGM-FI, bộ điều khiển trung tâm ECU sẽ tính toán lượng khí và nhiên liệu cần thiết cho động cơ theo từng địa hình di chuyển. Theo thử nghiệm của Honda, lượng tiêu hao nhiêu liệu của động cơ eSP giảm từ 20-30% so với những động cơ trước đó của hãng, tùy vào từng loại xe khác nhau.
Với eSP, Honda nhấn mạnh tới hệ thống ngắt động cơ tạm thời Idling-stop với khả năng tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả và thân thiện với môi trường nhờ việc tự động cho động cơ không làm việc khi xe dừng lại quá 3 giây. Động cơ sẽ được khởi động lại ngay khi người lái tăng ga trở lại mà không cần ấn nút khởi động. Tuy vậy trên thực tế, tính năng này đôi lúc gây phiền phức cho người sử dụng khi họ không chủ động được thời điểm hoạt động của động cơ. Động tác vặn ga được tăng thêm một chức năng mới là nổ máy khiến nhiều người sử dụng không thể làm quen trong thời gian ngắn.
Với động cơ Blue Core có vòng tua máy cực thấp, Yamaha cho rằng khi dừng lại chạy không tải, xe sẽ êm ái tới mức không cần thiết phải tắt đi. Theo thông số kỹ thuật, tại trạng thái không tải, động cơ Blue Core có thể hoạt động ở mức vòng tua máy 1.200 vòng/phút, thấp hơn đến 400 vòng so với các dòng xe hiện hành. Động cơ xe sẽ hoạt động êm ái, giảm lượng khí thải và tất nhiên là tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Đi kèm với tính năng Idling-stop , ở động cơ eSP, Honda trang bị bộ đề tích hợp ACG với mục đích giúp xe khởi động êm ái. ACG tích hợp hệ thống khởi động và máy phát điện, giảm tối đa các liên kết dẫn động, giúp tiết kiệm nhiên liệu dựa trên cơ chế điện tử thông minh. Sau khi ngắt động cơ, việc tái khởi động cũng được dễ dàng hơn.
Trái ngược với Honda, Yamaha chú trọng tới tối ưu hóa thiết kế cho Blue Core theo hướng giảm trọng lượng động cơ. Nhờ công nghệ đúc piston và xy lanh độc quyền DiASil, với hai thông số là đường kính, hành trình piston lần lượt là 54,2 và 57,9 mm, động cơ Blue Core nặng 32,1 kg đã bao gồm cần động cơ, nhẹ hơn thế hệ cũ hai kg.
Động cơ eSP làm mát bằng dung dịch trong khi Blue Core tản nhiệt máy bằng không khí. Do đó, Yamaha tập trung giảm thiểu ma sát giữa các chi tiết động cơ, một mặt giảm tiêu hao nhiên liệu, một mặt giảm nhiệt lượng tỏa ra khi vận hành. Ở Blue Core, hệ thống tản nhiệt có sự thay đổi cách mạng. Nhờ công nghệ đúc chính xác cao, các tấm tản nhiệt động cơ được làm mỏng từ 3mm xuống còn 2mm, với 7 tấm tản nhiệt trên diện tích 20mm, tạo vùng tản nhiệt rộng hơn. Sự kết hợp giữa quạt tản nhiệt hiệu suất cao, tấm hướng gió làm mát, vị trí của các miếng tản nhiệt với công nghệ đúc chính xác tạo nên diện tích vùng dẫn nhiệt rộng hơn. Khi hút gió, tốc độ tối đa của luồng khí làm mát khi đi vào động cơ là 20m/giây, tức 70 km/h.
Trọng Nghĩa