Mỗi năm, người nhập cư vào Hà Nội tăng khoảng 4%. |
Đến nay, Hà Nội vẫn là địa phương duy nhất trong cả nước chỉ cấp giấy chứng nhận đất cho các trường hợp có hộ khẩu thành phố. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, nếu cấp "sổ đỏ" cho đối tượng KT3 sẽ làm tăng số dân nhập cư vào thành phố. Thời gian qua, quy định cấm đã phần nào hạn chế người ngoại tỉnh mua nhà và sinh sống tại thành phố. Mỗi năm, người nhập cư vào thành phố tăng khoảng 4%.
Tuy nhiên, ông Trịnh Kiên Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, cho rằng, người dân ngoại tỉnh vẫn mua đất hợp thức theo hai cách, nhờ bạn bè, họ hàng ở nội đô đứng tên để xin cấp "sổ đỏ" hoặc mua bất động sản đã được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, còn một số đông khác đã có bất động sản ở thành phố và muốn được cấp "sổ đỏ". Các trường hợp này đã được quận, huyện cho phép lập hồ sơ, tổng hợp trên từng địa bàn để báo cáo thành phố.
Đến tháng 6, Hà Nội cấp được 165.000 giấy chứng nhận trong số 190.000 hộ đăng ký, đạt 86%; cấp 134.000 giấy chứng nhận đất ở, đất ao và vườn liền kề khu vực nông thôn, đạt 52%. Thực hiện Nghị định 61 về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, từ năm 1995 đến nay, đã bán hơn 2 triệu m2 nhà ở cho 64.193 hộ, thu được 1.700 tỷ đồng và cấp 62.460 giấy chứng nhận cho các hộ mua nhà |
Ông Mai Ái Trực, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho VnExpress biết: Luật Đất đai không quy định người dân phải có hộ khẩu mới được cấp giấy chứng nhận đất ở. Do đó, Hà Nội cần làm đúng theo luật định. Vả lại, quy định cũ của thành phố không ngăn được người dân nhập cư, mà phải chấp nhận một bộ phận dân cư ngoài vòng pháp luật. Để quản lý tốt và chống thất thu thuế thì cần cấp giấy chứng nhận đất ở cho các trường hợp này.
"Tôi chia sẻ với thủ đô Hà Nội về vấn đề người nhập cư. Tuy nhiên, chỉ một thành phố không thể giải quyết được vấn đề này. Nhà nước phải có kế hoạch tổng thể giải quyết công ăn việc làm ở nông thôn, chính sách phát triển đô thị vệ tinh... mới có thể giảm lực hút về Hà Nội", ông Mai Ái Trực nói.