Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy chiều 12/3 (giờ địa phương) cho biết tổng số ca nhiễm tại nước này là 15.113 ca, tăng 2.651 ca so với con số 12.462 của ngày trước đó, mức tăng 21,7%. Đây mức tăng cao nhất kể từ khi Italy phát hiện trường hợp nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 21/2.
Số người tử vong tại Italy là 1,016 ca, tăng 23% so với con số 827 của ngày trước đó.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cũng cho biết số bệnh nhân nhiễm nCoV phục hồi tăng lên 1.258, so với 1.045 ca của ngày trước đó. Tuy nhiên có 1.153 người đang trong tình trạng nguy kịch và được chăm sóc đặc biệt.
Hiện Italy là quốc gia có số ca tử vong và nhiễm bệnh cao nhì thế giới, sau Trung Quốc. Tiếp sau lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hôm 10/3 tiếp tục siết chặt quy định, yêu cầu tất cả các nhà hàng phải đóng cửa, trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và cửa hàng bán dung dịch tẩy rửa. Các công ty phải đóng cửa tất cả bộ phận không phục vụ việc sản xuất.
Tuy vậy Covid-19 đang khiến hệ thống y tế Italy quá tải, đặc biệt ở vùng Lombardy miền bắc nước này. Hơn 80% giường bệnh ở vùng này đang được dành cho các bệnh nhân nhiễm nCoV, bác sĩ làm việc kiệt sức trong điều kiện thiếu thiết bị bảo hộ. Nhiều người dân Italy cho rằng họ không khác gì "Vũ Hán thứ hai" khi đối mặt với đại dịch.
Nhiều nước châu Âu cũng đang đối mặt với khó khăn khi Covid-19 lan ra trên diện rộng. Anh, Pháp, Đức, Tây Ban liên tiếp ghi nhận ca nhiễm tăng vọt những ngày qua. Để tránh dịch bệnh lây lan, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đồng loạt yêu cầu đóng cửa trường học hôm 12/3.
Covid-19 đã xuất hiện tại 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 134.000 người nhiễm, gần 5.000 người chết, hơn 131.000 người phục hồi. Trong khi Trung Quốc ghi nhận các ca nhiễm mới và tử vong giảm mạnh thì nhiều quốc gia khác đang căng mình chống dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Italy, Pháp... Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 12/3 ra thông báo bang này sẽ cấm các sự kiện, địa điểm có từ 500 người trở lên.
Sơn Nam (Theo Reuters)