Sisu là tác phẩm lịch sử - hành động đến từ Bắc Âu vừa chiếu tại Việt Nam. Nhan đề phim lấy cảm hứng từ một khái niệm trong văn hóa Phần Lan. "Sisu" là một từ không thể dịch ra ngôn ngữ khác, được mô tả là sự quyết tâm khắc kỷ, kiên trì có mục đích, gan dạ, dũng cảm, kiên cường và được chính người Phần Lan dùng để thể hiện tính cách dân tộc của họ. "Sisu" có nghĩa là người có quyết tâm quá đỗi phi thường khi đối mặt nghịch cảnh khắc nghiệt và những tình huống khó có thể thành công.
Phim lấy bối cảnh cuối năm 1944 tại mặt trận Phần Lan. Lúc này, Đức quốc xã thực hiện chiến dịch tiêu thổ đốt phá trên đường rút lui. Ở một vùng hẻo lánh của Lapland, một ông già đơn độc làm nghề đào vàng đã đào trúng mỏ vàng lớn. Trên đường trở về, ông cụ đụng độ toán lính Đức quốc xã. Nhận ra số vàng có thể đổi đời, Chỉ huy Bruno Helldorf ra lệnh đội Phát xít nhất quyết cướp bằng được. Chỉ đến khi chúng nhận ra mình đang cướp của ai thì mọi chuyện đã quá muộn...
"Đội tử thần một người"
Khái niệm "One Man Death Squad" (Đội tử thần một người) trong phim thường đề cập đến nhân vật chính hành động một mình để tiêu diệt kẻ thù một cách bạo lực. Loại nhân vật này thường được miêu tả là một chiến binh hoặc sát thủ lành nghề, tìm cách trả thù hoặc đi tìm công lý sau khi bị đối xử bất công theo cách nào đó. Việc sử dụng thuật ngữ "đội tử thần" thường ám chỉ số lượng lớn kẻ thù bị tiêu diệt hoặc mức độ sẵn sàng sử dụng bạo lực cực đoan để đạt mục tiêu. Một số phim có nhân vật chính thuộc dạng này phải kể tới John Wick, Atomic Blonde, The Equalizer, Taken, Rambo...
Sisu sở hữu phong cách tương tự các "đồng nghiệp" John Wick, Mad Max hay Nobody, nói ít làm nhiều, đưa nắm đấm thành ngôn ngữ, hành động thành công cụ kể chuyện.
Kịch bản của Jalmari Helander khá đơn giản, không có plot-twist, không cần nhiều logic. Bộ phim Bắc Âu thiết lập động cơ rõ ràng cho nhân vật chính: ông ta là kẻ nguy hiểm, bị mất mọi thứ và sẵn sàng làm tất cả để lấy lại nó. Ông ta có đủ lý do để không nương tay. Về phe kia, không có gì bào chữa - nhóm Phát xít hèn nhát, ác độc và tham lam trên đường trốn chạy.
Bộ phim thỏa mãn tín đồ hành động
Fan của thể loại đánh đấm có lẽ không có gì phải phàn nàn về một bộ phim có những pha chiến đấu trực quan, máu me đến từ diễn viên, đạo diễn hành động Oula Kitti. Cùng kỹ thuật quay của Kjell Lagerroos, Sisu thành công trên phương diện hành động giải trí.
Đó có thể là những pha cận chiến quyết liệt từ đấu vũ khí, tay không đến các pha cháy nổ điên rồ. Không dựa dẫm vào cảnh quay chậm (slow-motion) hay kiểu giật lắc (shaky camera), các pha hành động của Sisu được quay rất thoáng và mạch lạc. Kết hợp bối cảnh hoang vu của vùng Lapland, thiên nhiên và con người của Aatami hòa làm một, trong thứ ngôn ngữ khắc nghiệt, hư ảo như truyền thuyết.
Ở đó, ngôi sao người Phần Lan Jorma Tommila tỏa sáng như một kiểu anh hùng lịch sử, anh hùng hành động. Bất chấp việc ông ta bầm dập tới đây, hành trình hung hiểm cỡ nào, Aatami Korpi "từ chối cái chết" để định nghĩa cho khái niệm "Sisu".
Tác phẩm như một tuyên bố tinh thần của đạo diễn Jalmari Helander, do đó gần như không thể đánh giá dưới góc độ logic. Giống như Inglourious Basterds của Quentin Tarantino, Korpi và sự tồn tại của ông ta gần như trở thành một khái niệm vì khán giả chỉ cần một lý do để xem kẻ phản diện phải trả giá.
Có thể thấy Helander tôn vinh thể loại phim viễn Tây Spaghetti Western với các đại diện như Giulio Petroni, Sergio Leone, Sergio Corbucci... từ cách chia chương hồi tới dàn cảnh pha đấu súng trên bãi mìn. Thế nhưng Sisu vẫn chỉ là một bộ phim hành động kinh phí thấp, với một kịch bản "thẳng đuột". Khán giả không khó nhận ra các nhân vật Đức nói tiếng Anh với nhau, vũ khí không đúng với lịch sử và nhiều điều phi lý khác. Xét tới quy mô và mục đích của Sisu, khó có thể đòi hỏi nhiều tinh tế hơn ở một bộ phim thuần hành động giải trí.
Ngọc King