![]() |
Sinh viên Trung Quốc đổ xô đến tìm việc làm tại các hội chợ. |
Theo Tuổi Trẻ, Xiao Yi là sinh viên năm cuối khoa ngoại ngữ ĐH Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết, với vốn liếng tiếng Tây Ban Nha học ở trường, cô xin làm phiên dịch trong vòng tám ngày diễn ra hội chợ với tiền thù lao khoảng 60 USD/ngày, gần bằng tiền lương tối thiểu cùa một nhân viên làm việc suốt tháng. Cô còn tranh thủ làm thêm nhiều nghề khác như làm gia sư dạy kèm. Cộng với khoản tiền 97 USD mỗi tháng bố mẹ gửi cho giúp cô có cuộc sống khá phong lưu. Chuyện mua sắm hàng hiệu đắt tiền như Christian Dior đối với Xiao Yi là bình thường. Hàng tháng cô tiêu xài số tiền lên đến 120 USD.
Xiao Yi không phải là trường hợp hiếm hoi. Ở thành phố Quảng Châu có không ít sinh viên kiếm tiền dễ dàng và tiêu xài không chút đắn đo giống cô. Điện thoại di động đời mới, quần áo thời trang cao cấp, mỹ phẩm hàng hiệu, ăn chơi giải trí tại những chốn đắt tiền và sang trọng… khiến hầu bao mau chóng xì hơi. Tệ hơn nữa, có vẻ nó trở thành bệnh khó từ bỏ của một bộ phận sinh viên thích ăn xài và nghiện mua sắm. Vung tay quá trán cho những món hàng xa xỉ khiến không ít người lâm vào cảnh nợ nần.
Theo kết quả điều tra gần đây trên một tạp chí thương mại cho thấy hơn 85% sinh viên xài điện thoại di động và trung bình mỗi tháng phải chi tốn khoảng 14 USD tiền cước. Mức chi tiêu trung bình của mỗi sinh viên trong một tháng khoảng 85 USD, trong đó 6% sinh viên xài hơn 120 USD. Điều đáng nói là đa số vẫn nhận tiền chu cấp của gia đình nhưng một số khá đông tự tìm thêm việc làm để bù lỗ hầu bao.
Tâm lý hưởng thụ ngày càng được giới trẻ ưa chuộng và lây lan. Các nhà giáo dục vẫn kêu gào: “Hãy đầu tư vào việc học vì học vấn mới là quan trọng, đừng quá chú trọng chuyện ăn chơi” nhưng hầu như giới trẻ lại chuộng cả hai thứ.