Khoa, quê ở Hoà Bình là sinh viên Đại học Bách Khoa. Học giỏi nhưng vì "lỡ" có bố "làm to" nên việc cậu được tuyển thẳng vào trường đại học "đầu bảng" Bách Khoa đã gây ra nhiều lời ì xèo.
Tức mình, Khoa đã không thèm vào thẳng mà nộp hồ sơ thi "cho chúng nó biết tay". Kết quả, không những đậu mà Khoa còn đạt số điểm khá cao. Tuy nhiên từ đó, Khoa bắt đầu đam mê cờ bạc và bê trễ chuyện học hành.
Cứ sáng sáng, nhảy ra khỏi giường là trên tay Khoa đã cầm sẵn bộ bài. Lịch lên giảng đường của Khoa cứ thưa dần cho đến khi hầu như cậu không có thời gian để lên lớp nữa. Nợ môn quá nhiều, từ hệ Đại học, Khoa bị chuyển xuống học Cao đẳng và rốt cuộc đã bị đuổi khỏi trường.
Đánh bạc bị đuổi học như Khoa là vẫn còn may, bởi chỉ "ảnh hưởng đến tiền đồ" chứ chưa xâm hại kinh tế gia đình.
Tuấn, quê ở Cao Bằng vì quá đam mê cờ bạc đã "nướng" sạch 10 triệu đồng bố mẹ cho để mua máy tính. Bố mẹ từ quê xuống kiểm tra, dễ ợt, mượn tạm một bộ máy tính của bạn về đặt ở phòng trọ thế là xong. Đối với dân cờ bạc, nói dối chỉ là chuyện… nhỏ.
Tú, quê ở Lào Cai, vì hết tiền đánh bạc đã phải cắm con "rim" bố mẹ thưởng cho khi thi đỗ đại học, lấy 12 triệu chơi "tá lả". Khi đã thua sạch, gan cùng mình, cậu đã gọi điện về nhà thú tội với bố mẹ sau khi đã hứa chày hứa cối là sẽ "cạch" nếu như bố mẹ mang 17 triệu xuống chuộc xe ra. Ban đầu, "ông bà già" cũng "rắn", cương quyết chỉ chuộc xe trong vòng 10 triệu, còn với giá 17 triệu thì thà mua xe mới.
Nắm được điểm yếu của "các cụ", Tú hùng hổ tuyên bố: hoặc là đưa Tú 17 triệu, hoặc là cứ về quê với số tiền còn nguyên vẹn, hẹn 1 tuần sau xuống Hà Nội mà đưa… xác con về. Đến nước này, "ông bà già" đành chịu nhún và đưa toàn bộ tiền cho Tú. Vậy là ngoài 12 triệu tiền xe, Tú còn có thêm 5 triệu để tiếp tục cùng bạn bè… sát phạt.
Nhưng "tanh" nhất trong giới cờ bạc sinh viên phải kể đến Việt, quê ở Nghệ An. Thời gian một ngày của Việt kín mít bởi lịch cho lô đề, cá độ và cờ bạc sát phạt. Biết gia đình Việt thuộc dạng "có máu mặt", những kẻ cho vay nặng lãi đua nhau "chăn" Việt. 3 tỷ đồng là số nợ được kê khai trong bảng thành tích bất hủ của Việt. Đến nước này, dù có là tỷ phú, gia đình Việt cũng đành bó tay. Bị tróc nợ, Việt đã bỏ trốn biệt tích cho đến nay, đã hai năm mà vẫn chưa có thông tin gì.
Sinh viên đánh bạc và thành từng "làng" thì phải kể đến xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, nơi có Đại học Công nghiệp (trước đây là trường Cao đẳng Công nghiệp). Tại đây hình thành rất nhiều làng trọ cho sinh viên: làng Tô Hoàng, làng Nguyên Xá, làng Kiều Mai… Mỗi làng trọ như thế lại được giới sinh viên ở đây "chiếu" cho một cái tên mới: làng "phỏm", làng Tôm, Cua, Cá…, nghĩa là mỗi làng như thế, cờ bạc lại chuyên về một loại.
Mà không phải chỉ sinh viên, những người dân ở đây mới chính là "nhà cái". Đánh trong làng chưa "đã", họ còn kéo ra trước cổng trường hình thành các ổ xóc đĩa. Những ổ này thu hút được rất nhiều sinh viên tham gia. Có khi 5- 6 ổ cùng hoạt động một lúc, thế nhưng không hiểu tại sao những ổ cờ bạc như thế vẫn cứ tồn tại?
Thua cờ bạc, bọn "cò con" thì "mượn" đồ người khác để "quy ra tiền", "quân tử" hơn thì mang đồ của chính mình ra "cắm", trong đó thẻ sinh viên được "chuộng" vì có giá hơn cả. Thường thì những nơi dám "cầm" thẻ sinh viên là những hiệu cầm đồ lớn, có "quan hệ rộng" đủ để nắm được lý lịch khách hàng.
Hải, sinh viên năm nhất Đại học Công nghiệp đã mang thẻ sinh viên, bằng Tú tài, chứng minh thư của mình ra hiệu cầm đồ để đổi lấy 15 triệu đồng hòng "gỡ gạc". Nhưng càng gỡ lại càng thua đậm, Hải đã phải bỏ của chạy lấy người. Chủ hiệu cầm đồ đã cùng với một "đội" đầu gấu về tận quê Hải ở Thanh Liêm, Hà Nam truy nợ.
Trước giấy tờ biên nhận và chữ ký rõ ràng của cậu… quái tử, bố mẹ Hải đã phải bán nhà lấy tiền trả nợ cho con vì theo thoả thuận, ngoài lãi 10% mỗi ngày, Hải còn phải chịu một khoản tiền phạt gấp 3 số tiền đã vay nợ (45 triệu). Dĩ nhiên, ở trường Hải cũng bị đuổi học nốt.
Thế nhưng đánh bạc như dạng Hải vẫn còn là "tầm tầm". Loại cao thủ phải kể đến Quang, sinh viên Học viện H. nổi tiếng là tay chơi bạt mạng. Trước đây, Quang vốn là học viên của Học viện B. Cũng vì đam mê cờ bạc, Quang đã dùng thẻ học viên của mình đổi lấy 100 triệu đồng phục vụ cơn nghiền. Thua trắng tay, bố mẹ Quang phải cắn răng "xoay" 100 triệu với hy vọng cứu vớt tiền đồ cho con. Thế nhưng có tiền rồi, Quang không đi chuộc thẻ mà mang lên Hải Dương tìm sới bạc mới kiếm vận may. Lần thứ hai, 100 triệu lại đội nón ra đi, Quang bị đuổi học.
Sau đó, Quang ôn thi vào Học viện C. Mặc dù đã thấm thía "bài học xương máu" nhưng Quang vẫn không từ bỏ được thói đam mê chết người của mình, dù bây giờ cậu chơi ít hơn và lắng tiếng hơn.
(Theo Công An Nhân Dân)