Bố mẹ Tuấn càng cảm thấy ngượng hơn khi cô con dâu tương lai sang trọng khi ra tiệm tạp hóa gần nhà mua đồ cứ dùng những chữ tiếng Anh, đại loại như “Bán cho một chai shampoo” (dầu gội), khiến những người láng giềng thắc mắc “Con dâu của bác là Việt kiều à?”.
Xuân Thu, một bạn trẻ tâm sự: “Trong một chương trình triển lãm hội họa gần đây, hầu hết khán giả tham dự chương trình khai mạc đều thấy ngượng cho chuyện sử dụng ngôn ngữ “tây – ta” kiểu này khi một bạn gái trẻ Việt Nam chính cống đứng lên phát biểu cứ ba chữ “tây” lại chêm một chữ “ta”. Trong khi anh họa sĩ Việt kiều, sống ở Mỹ mấy chục năm cứ cố gắng tìm từ tiếng Việt để diễn đạt ý của mình. Thậm chí, khi không tìm được từ tiếng Việt thay thế, anh họa sĩ đều có lời xin lỗi khán giả khi phải chêm vài chữ tiếng Anh”.
Thực tế, rất nhiều các bạn trẻ đồng ý với quan niệm tùy hoàn cảnh mà sử dụng ngôn ngữ, “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Thế nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng sử dụng tiếng Anh thường xuyên sẽ làm tăng vốn từ và thói quen giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tập làm “công dân toàn cầu”
Phóng viên trẻ H.L viết trên blog của mình: “Mới đây, tui nhận được một lời phê phán là dạo này tui đã quá... lai căng. Nói thường chen vài từ tiếng Anh và viết blog cũng pha tiếng Anh tá lả. Nhưng tui xin phép tạm thời sẽ không sửa thói quen đó vì tui đã thực sự học được rất nhiều từ thứ văn hóa giao tiếp lai căng này. Có dịp lặp lại từ vựng, biết từ đó có thể được đặt trong ngữ cảnh nào và nhờ nói thường xuyên nên nó đã trở thành vốn liếng hết sức quen thuộc, để khi đụng chuyện là có thể bật ra một cách tự nhiên.
Ví dụ nè, những bạn lâu lâu mới có dịp phải nói tiếng Anh, khi bạn cần dùng từ trợ lý giám đốc, bạn sẽ đánh vật với mớ từ ngữ hết sức lộn xộn trong đầu mình để tìm ra từ cần thiết, sắp xếp nó trong đầu rồi mới rụt rè thưa gửi. Nhưng nhờ tối ngày tui được nói chuyện với các “assistant” mà tui có thể lục ra từ này một cách hết sức dễ dàng”.
H.L cũng cho rằng vì sao khi thấy người nước ngoài nói được vài từ tiếng Việt, chúng ta thích thú, hoan hỉ ngợi ca, rồi đi đâu cũng nghe bị “chửi” thanh niên Việt Nam nói tiếng Anh kém, nhưng chúng ta lại chống cách diễn đạt này? Chính cách nói chuyện sử dụng ngôn ngữ toàn cầu này sẽ giúp nhiều bạn trẻ tự tin hơn khi có cơ hội tiếp xúc với thế giới và tập làm “công dân toàn cầu”.
Tất nhiên, dù ủng hộ cách nói chuyện này, H.L vẫn lên tiếng khuyên các fan hâm mộ trên blog của mình rằng “nếu không có cách nói chuyện thích hợp với đối tượng tiếp xúc, bạn sẽ rất dễ chạm ngưỡng lai căng và lố bịch thật sự”. H.L đã từng diễm phúc được một bạn trẻ trả lời rất dễ thương như vậy: “Em sẽ ở đây three months. Em muốn kiếm một job để có thêm experience. Free lance, part time or full time đều OK. The best là free lance. And then em trở lại Úc thi”... (Em sẽ ở đây 3 tháng. Em muốn kiếm một công việc để có thêm kinh nghiệm. Việc tự do, bán thời gian, toàn thời gian đều tốt. Hay nhất là làm tự do. Và sau đó em trở lại Úc thi).
Thực tế ý kiến của H.L và nhiều bạn trẻ không hề mâu thuẫn nhau, cái chính là mỗi người trẻ, khi sử dụng tiếng Anh pha tiếng Việt cần nên xác định rõ mình đang ở đâu, nói với ai và quan trọng là có cần thiết hay không.
(Theo Thanh Niên)