Các vụ thanh toán đẫm máu của những băng nhóm giang hồ luôn có sự hiện hữu của "hàng lạnh", thứ "đồ chơi" bây giờ đã không còn là của hiếm. Dân đao búa "hạng ruồi", giang hồ vặt thì tự trang bị hung khí cho mình bằng dao chọc tiết lợn, tuýp nước vót nhọn, còn dân "hạng nặng" thì là những kiếm, mã tấu, đao được làm với kỹ thuật vô cùng tinh xảo. Mới nhìn qua những thứ hung khí ấy, kẻ yếu bóng vía đã phách lạc hồn bay. Chỉ chưa đầy 20 phút làm thủ tục, đã có trong tay cuốn sổ thông hành để sang Hà Khẩu. Nơi ấy, nhiều người Việt bảo, là cõi thiên đường của những người có máu ăn chơi. Khắp các ngả đường, hàng hoá bày bán la liệt với vô vàn chủng loại, màu sắc quyến rũ mê hồn. Nhưng, mỏi chân dạo quanh ở khắp các ngõ ngách, phố xá tấp nập người xe thì điểm đến cuối cùng của khách thập phương là khu chợ Việt Nam. "Đến đó, một người trần mắt thịt sẽ được "hưởng thụ" tất cả những hoan lạc của thiên đường. Tất cả những gì mà không ở nơi đâu có thì ở nơi đây có thừa. "Hàng lạnh" có, "hàng nóng" cũng có, và "hàng… người" thì đã nổi tiếng từ lâu". Đó là lời tiếp thị của một tay ma cô, theo như lời giới thiệu, thì gã tên Trung, ở Hà Khẩu mọi người gọi gã là Trung "Đồng Cô" bởi gã điệu như con gái và có nước da như người chẳng mấy khi thấy ánh nắng mặt trời. Trung đang là "ma ma tổng quản" của một "ki-ốt gái" ở tầng 3 của khu chợ. Trung vồ vập khách ngay ở đầu chợ bởi nghĩ sẽ "chăn" được mấy ông khách sộp. Theo anh chàng "hướng dẫn viên ma mãnh" này vào chợ. Nhìn bề ngoài, khu chợ ấy chẳng khác gì mấy so với những chợ của Việt Nam. Vẫn là những sạp tạp hoá, rau quả xập xệ, thế nhưng, theo Trung "Đồng Cô" thì sự hấp dẫn của khu chợ này nằm ngay sau những sạp hàng “tạp pí lù” ấy. Quả thế, bước qua những sạp hàng rẻ rúm ấy là một thế giới hoàn toàn khác. Thế giới ấy khiến khách ngỡ mình vừa rơi vào những câu chuyện kiếm hiệp của nhà văn Trung Quốc Kim Dung. Trước mắt, không biết cơ man nào là những hung khí lạ lùng. Sạp hàng đầu tiên, tiếp khách là một "nữ ma đầu" trông đầy vẻ phong trần. "Các anh muốn mua gì, em xin phục vụ hết mình". Vừa nói, "nữ ma đầu" ấy vừa rút đánh xoạt một thanh gươm sáng loáng ở trên tường huơ huơ trước mặt khách. Đó là thanh kiếm mỏng dính như lá lúa, mỗi lần cô vung lên thì đều phát ra những âm thanh ngọt lịm. "Các anh mà dùng thanh kiếm này thì khỏi phải nghĩ ngợi gì. Nó rất nhẹ, cứ cuốn vào thắt lưng là ổn". Có ý chê sự ẻo lả của thanh kiếm ấy, nhưng lời vừa mới thốt thì nhanh như cắt, bằng "nội công thâm hậu", "nữ ma đầu" đâm thẳng mũi kiếm vào một miếng gỗ dày ở ngay gần đó. Một cú đâm ngoạn mục! Mũi kiếm xuyên thủng miếng gỗ ngọt sớt như đâm vào thân chuối. "Nếu thích thì chỉ 200 tệ (tương đương khoảng 400 nghìn đồng) em xin nhượng lại", cô bán hàng nói. "Ô, rất thích, nhưng sở hữu thanh kiếm quý này chẳng có ích gì! Có nó trong tay, biết đâu lại rước vạ vào thân!", khách hàng hỏi. "Các anh không phải là người… người của xã hội...? Không sao, em có món khác để phục vụ các anh. Đó chỉ là hàng lưu niệm, các anh có thể sử dụng chúng là vật trang trí ở trong phòng", vừa nói, "nữ ma đầu" vừa chỉ tay về vô số những hung khí được xếp la liệt phía trong của sạp hàng. Thấy khách mân mê một thanh kiếm có ghi trên bao từ niên đại của Tần Thuỷ Hoàng, chuôi và đế kiếm được làm từ đồng thau, xám ngắt, "nữ ma đầu" lại vội vàng chỉ giáo: "Đó chỉ là thanh kiếm giả cổ, giá đúng 400 tệ. Anh mà treo nó ở trong phòng thì đúng là thiên hạ đệ nhất!". Thấy khách còn phân vân, lưỡng lự một hồi, "nữ ma đầu" quả quyết: "Nếu anh thực sự có thiện ý mua thì để lại số điện thoại, sáng mai quay lại, em sẽ có những thứ mà anh muốn! Nhưng tiền là 20 triệu đấy". Đương toan cất bước thì mấy "tiểu ma đầu" khác ở sạp hàng bên cạnh lại bổ ra, bủa vây khách như ruồi ham mật ngọt. "Dao, kiếm, côn, dùi cui điện không các đại ca ơi. Vào đây, vào đây. Hàng độc nhất vô nhị ở khu chợ này đấy", vừa tiếp thị, mấy "tiểu ma đầu" kéo khách tấp lại gian hàng của mình. Một người lôi trong gầm sạp ra một hộp cát tông, trong đó cũng vẫn là những thanh đao, kiếm sáng loáng. Đầu tiên là thanh đoản đao dài chừng 50 phân, phía sống đao có những răng cưa trông vô cùng dữ tợn. Người này bảo, thanh đao ấy được làm từ thép đã được tôi luyện rất công phu và có thể chém đứt phăng bất cứ thứ gì. Và, để khách hàng được thực mục sở thị, người này đưa thanh đao ấy cho khách nói là chém thử vào thanh sắt to cỡ ngón tay đã được kê sẵn ở đó. Đúng như lời anh chàng"tiểu ma đầu" quảng bá, chưa cần vận hết "12 thành công lực", chỉ cần một đường đao nhẹ bẫng, thanh sắt đã bị chém đứt đôi. Trong chuyến công tác mới đây ở thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), Thiếu tá Nguyễn Thái Bình, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an thị xã đã tỏ ý lo ngại về sự xuất hiện của những băng nhóm tội phạm tuổi mới lớn ở mảnh đất cực Đông ấy. Đầu tiên phải kể đến băng nhóm do Đoàn Văn Quý cầm đầu. Quý sinh năm 1984, trú ở phường Hoà Lạc. Với nhiều người dân ở thị xã sầm uất ấy thì Quý chẳng khác nào là một hung thần. Tụ tập hơn chục "ong chíp" tuổi từ 17 đến 22, để "lấy số" cho mình, hung khí trên tay, Quý chỉ đạo đàn em rú xe máy inh ỏi qua các con phố của thị xã khiến nhiều người dân khiếp sợ. Khi băng nhóm của Quý bị bắt, dân Móng Cái chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì Đặng Quốc Công, một "sát thủ mang bộ mặt trẻ thơ", sinh năm 1987, lại đứng ra để "thống lĩnh giang hồ". Đám đàn em của Công có những "đứa bé" chỉ sinh năm 1995. Trẻ người nhưng sự hung hãn thì chúng có thừa. Mỗi lẫn "chiến", chỉ vài phút, chẳng biết lấy từ đâu chúng khuân đến cả bao hung khí. Toàn đao, kiếm, mã tấu với đủ những hình hài kỳ dị. Dân thị xã Móng Cái vẫn chưa thể nào quên vụ "tập kích" của Công và đồng bọn vào vũ trường Kinh Đô đêm 31/1/2006. Với cả lô hung khí rợn người, Công và đàn em đã khiến nhân viên của vũ trường cùng những người dân lân cận được một phen bạt vía kinh hồn. Với dân giang hồ đất Cảng thì thời dùng "hàng nóng" đã xưa như trái đất. "Hàng lạnh" mới là thứ "thời trang" thịnh hành. Và, đến giờ, nhiều người dân đất Cảng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cuộc thanh toán đẫm máu diễn ra tại cây xăng Đông Á hồi đầu năm 2005 giữa hai băng nhóm giang hồ do Lê Văn Phong (Phong “hồng") và Trần Anh Tuấn (Tuấn “Lùn") cầm đầu. Chỉ từ một xích mích nhỏ, sẵn tính ngang ngược, Phong và Tuấn đã kéo đàn em gồm trên 40 tên dùng "hàng lạnh" tỉ thí. Gươm đao không có mắt, sau trận chiến tơi bời ấy, hai đàn em của Tuấn “lùn" đã thiệt mạng. Ngay sau đó, cả Phong và Tuấn đều bị bắt và phải nhận những bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật. Còn rất nhiều vụ thanh toán giang hồ khác nữa, tất cả đều bắt nguồn từ thói côn đồ và "hàng lạnh" sẵn có trong người. Và, chính từ những siêu thị hung khí bày bán công khai như ở các chợ biên giới như Hà Khẩu, mầm hoạ đã có đất sinh sôi. (Theo Công An Nhân Dân) |