Cách đây hai năm, khi chuyện mua hàng qua mạng còn vô cùng mới mẻ tại Việt Nam, Nghĩa "Lủi" đã là một tín đồ trung thành của hình thức mua hàng VIP này. Ngồi một chỗ, Nghĩa tha hồ chạy lang thang khắp nơi, và đặt những món hàng mình thích chỉ bằng động tác nhấp chuột. Một bộ loa Pioneer chính hiệu Nhật Bản, giá 2.000 USD là niềm mơ ước của Nghĩa, và ngay khi có tiền, anh không ngần ngại chuyển số tài khoản của mình để lập tức sở hữu món đồ yêu quý, chính hãng mà không cần phải sang tận đất nước công nghệ cao.
Một trang web điện tử thương mại được coi là thành công phải đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết về chất lượng hàng hóa đảm bảo; phương thức thanh toán nhanh gọn, dễ dàng; mặt hàng phong phú, nhiều chủng loại. Hai mạng mua bán nổi tiếng thế giới là Ebay và Amazon, với lượng người truy cập mỗi ngày lên tới hàng triệu người đã thực sự tạo được thương hiệu uy tín trên toàn cầu. Tại đây, khách hàng có thể tìm được hàng nghìn mặt hàng, từ nhỏ tới lớn, thượng vàng hạ cám của những thương hiệu nổi tiếng với giá cả sát với nhà sản xuất. Chỉ cần một động tác click chuột và nhập số thẻ tín dụng, sau hai ngày, bạn đã sở hữu ngay món đồ độc.
Tại Việt Nam, một số trang mua bán trên mạng đang hoạt động tương đối tốt phải kể đến là Golmart, Vdcsieuthi... Tuy nhiên, ngay cả với Golmart, được coi là một trong số chợ online ra đời sớm tại Việt Nam, cũng chưa thực sự đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của một trang web cần có. Khách hàng có cảm giác mình chưa thực sự thỏa mãn khi vào đây. Hình ảnh của Vdcsieuthi không đủ lớn và rõ ràng, thông số sản phẩm chưa cụ thể để có thể giúp cho người truy cập chọn lựa. Golmart với hơn 7.000 mặt hàng đã thu hút được khá nhiều khách hàng. Tuy vậy, ngôn ngữ giao dịch của Golmart chưa thực sự hữu ích, khi khách hàng muốn đưa các thông số chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Anh, thường phải trở lại từ trang đầu tiên và tra lại. Điều này đã cản trở sự giao lưu của trang web này đến với khách hàng quốc tế.
Megabuy.com.vn là một siêu thị mới ra đời nhưng được nhiều dân sành điệu chú ý. Thiết kế rõ ràng, cấu trúc dạng cây, dễ dàng tiếp cận với thông tin sản phẩm, megabuy có đầy đủ thông số kỹ thuật cần thiết cho sự phát triển của một chợ mạng toàn diện. Thay vì phải có hàng trăm nhân viên cực kỳ am hiểu đứng xếp hàng giải thích cặn kẽ các sản phẩm cho khách, giờ đây đi chợ trên mạng thật dễ dàng nắm bắt nhanh chóng, cụ thể mọi thông tin sản phẩm; thậm chí trang Megabuy.com.vn còn có hẳn mục định hướng cho khách những sản phẩm đang thu hút, cùng những đánh giá, bình luận của chính khách mua hàng. "Chúng tôi thiết kế Megabuy bằng sự hiểu biết cặn kẽ về hình thức mua hàng online", anh Đỗ Duy Đức, Phó giám đốc công ty TNHH Xây dựng và Thương mại H&B, người xây dựng trang này nói.
![]() |
Mua hàng trên mạng đã trở nên quen thuộc. |
Để chơi được hàng hiệu qua mạng, điều kiện đầu tiên cho người tham gia phải có thẻ tín dụng. Ở Việt Nam, phương thức thanh toán khi mua hàng qua mạng còn thô sơ, chuyển hàng - thu tiền, nhưng tại nước ngoài, phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng được coi là hình thức phổ biến. Tại Việt Nam, việc thanh toán khi mua hàng qua mạng vẫn chỉ dừng ở hình thức trao hàng - đưa tiền. Lý do khiến thẻ tín dụng trở nên vô ích đối với hình thức mua bán online, đó là vì sự nghi ngờ của khách hàng khi đứng trước dịch vụ còn khá mới mẻ này.
Ngay cả Nghĩa "Lụi" - một dân sành chơi hàng hiệu cũng phải tỏ ra nghi ngại: "Dùng thẻ tín dụng để thanh toán, tôi thường xuyên phải kiểm tra. Lỡ một ngày nào đó bỗng thấy tài khoản của mình hao hụt quá nhiều mà không hiểu nguyên nhân vì sao, lúc đó chắc là chỉ dám nghi ngờ cho mạng bán hàng". Chính vì lẽ đó, tâm lý nhận hàng mới trả tiền cho "chắc ăn" đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường chợ online Việt Nam.
Đó là chưa kể đến chuyện cổng thanh toán quốc tế một số nơi kiên quyết từ chối tiếp nhận các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng xuất phát từ Việt Nam. Các site bán hàng như amazon.com, bn.com, các site thanh toán quốc tế như paypal.com, 2checkout.com, authorizenet.com. kiên quyết tẩy chay việc thanh toán bằng thẻ tín dụng đối với các giao dịch qua IP Việt Nam. Nhẹ nhàng hơn một chút, nhưng một số site thương mại nước ngoài vẫn bắt khách hàng Việt Nam phải fax bản photo của các holder (chủ thẻ) trước khi làm thủ tục tiếp nhận nhằm kiểm tra thông tin chính trước khi đồng ý thanh toán, như trang register.com.
Tại Việt Nam, thẻ tín dụng không có sức mạnh đối với các trang thương mại điện tử cũng vì do khách hàng muốn giành cho mình phần "thắng". "Tôi muốn được tận tay xem chất lượng món đồ mình đặt mua. Vì thế tốt nhất là nên thanh toán theo kiểu thô sơ: đưa tiền trao hàng. Bây giờ thanh toán bằng thẻ, hàng đến không đúng chất lượng như mong muốn, tôi biết trả lại bằng cách nào?", Thắng "Béo", một tín đồ trung thành của các trang thương mại điện tử thẳng thắn nói. Đương nhiên, việc mua hàng thanh toán bằng thẻ có những quy định riêng, cụ thể cho các ngân hàng để dễ dàng kiểm soát từng món hàng khách đã mua, nhưng những thủ tục buộc người mua phải thực hiện khi gặp sự cố đã khiến "thượng đế" Việt Nam ngại ngần, không muốn đọc số thẻ của mình cho người khác biết.
Trao hàng và nhận tiền trực tiếp mang lại cho người mua những thuận lợi đáng kể. Sau khi đăng ký các thủ tục mua hàng, khách chỉ việc ngồi chờ hàng mang đến tận nơi. Tận mắt được xem, tay được sờ, chỉ đến khi hoàn toàn thỏa mãn với những yêu cầu, khách hàng mới phải thanh toán. Khoản thanh toán cũng cộng thêm cước phí vận chuyển, đương nhiên, số tiền vận chuyển này cũng đã được điều chỉnh phù hợp tùy theo quãng đường và lượng hàng. Dù vậy, hầu hết khách hàng đều cảm thấy thỏa mãn với món đồ mình mua được, và số tiền vận chuyển thực sự không thành vấn đề quá quan tâm.
Tuy nhiên, vì thanh toán theo hình thức tiền - hàng trực tiếp, nên đôi khi, chính nhà phân phối đã gặp những trận dở khóc dở cười. Anh Tuấn Anh - nhân viên giao hàng từng mếu máo khi phải vượt quãng đường 40 km giao chiếc camera hiệu Sony trị giá 20 triệu đồng, và nhận được lời từ chối không lấy hàng vì "thấy không thích nữa". Ra về mà không ngừng ấm ức, Tuấn Anh khấn trời đừng để anh phải gặp lần thứ hai vị khách hàng như vậy nữa. Và đó cũng chính là điểm yếu của thị trường chợ mạng Việt Nam chưa thể khắc phục.
Vì còn khá mới mẻ, siêu thị online tại xứ sở nhiệt đới đang dần chấp nhận và làm quen với những trục trặc nho nhỏ. Để hút khách hàng, các siêu thị điện tử thường xuyên phải đưa ra những hình thức khuyến mãi như giảm giá, quà tặng, hay đơn giản là giá cả phải luôn giữ ở mức thấp hơn giá bên ngoài. Ngoài ra, nhà phân phối cũng phải có trách nhiệm bảo hành các sản phẩm không chỉ đến được tới tận tay khách hàng, mà còn cả chế độ hậu mãi tiếp đó.
"Chúng tôi chấp nhận làm công không lãi phục vụ khách hàng trong những năm đầu, với mong muốn tạo thương hiệu cho riêng megabuy. Có thể hình thức mua hàng qua mạng hiện mới chỉ giành cho một số bộ phận người dân, nhưng chúng tôi hy vọng trong một vài năm tới, siêu thị online sẽ trở nên quên thuộc với phần lớn người dân Việt Nam có nhu cầu", anh Đức bày tỏ.
Ly Ly