Theo thỏa thuận giữa Citimart với các DN cung ứng hàng, việc điều chỉnh tăng giá phải được thông báo trước một tháng để siêu thị lên kế hoạch nhập hàng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc hệ thống siêu thị Hà Nội, cũng xác nhận chưa tăng giá vì đang rơi vào mùa thấp điểm. “Nhưng chúng tôi đã nhận được bảng báo tăng giá 5-15% ở các mặt hàng nhựa gia dụng, nhôm và thực phẩm chế biến các loại. Mức giá mới có thể áp dụng từ ngày 15-5 tới”, bà Hải thông báo. Riêng tại hệ thống siêu thị Maximark, bà Nguyễn Thùy Trang, giám đốc tiếp thị, cho biết số DN thông báo giá mới từ 3 DN/ngày, nay đã tăng lên khoảng 15 DN/ngày với mức tăng tối đa là 10% so với trước.
Trong khi đó, tại các chợ đầu mối tình hình vẫn hoạt động bình thường, giá cả một số mặt hàng nhích nhẹ do gần đến ngày rằm cúng lễ. Theo ghi nhận của BQL chợ, sức mua tại chợ khá thấp do bị mưa liên tiếp ba bốn đêm liền.
Còn ở chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, dù các tiểu thương cho biết chi phí vận chuyển đã tăng 4-5% so với trước, nhưng tiểu thương không tăng giá bán vì muốn đẩy mạnh mãi lực. Theo một cán bộ kiểm tra giá tại chợ, mỗi ký hàng hóa chỉ tăng 50 đồng nên không thể tăng giá tùy tiện, nếu muốn giữ khách.
Tại chợ Bến Thành, chị Bích Nguyệt, nhân viên theo dõi giá tại chợ, cho biết sức mua đang giảm mạnh vì là mùa thấp điểm. “Nói giá tăng do ảnh hưởng xăng dầu cũng không chính xác vì tại chợ vẫn có hàng đang giảm giá”, chị Nguyệt nói.
Tôm giảm giá mạnh, chỉ còn khoảng 80.000 đồng/kg sau ba tuần giữ mức 100.000-120.000 đồng/kg do lượng hàng về chợ nhiều. Một số loại hải sản tươi sống khác như cá lóc loại từ 500g đến 1kg vẫn giữ ổn định ở mức 32.000-35.000 đồng/kg.
(Theo Tuổi Trẻ)