Hôm qua, trên trang cá nhân của siêu mẫu Hà Anh xuất hiện bài đăng với chủ để "Bún chửi với các nhà đạo đức học" thu hút sự quan tâm của nhiều người.
"Chúng ta là những 'nhà đạo đức học'? Đúng vậy.
Người ngoài đường trót đâm vào nhau, họ cãi nhau còn chưa đủ, người đời chúng ta cũng nhảy vào phân xử như thể chúng ta là cảnh sát giao thông, thẩm phán, các nhà đạo đức học, thậm chí, những nhà tiên tri thực thụ.
Chúng ta phán như đúng rồi.
Vợ chồng nhà hàng xóm lục đục, chúng ta cũng bấm bụng phán xét, thương cảm nhà người ta như những người có lương tri nhất thế giới, rành mạch đến mức nếu không chừng người ta tưởng chúng ta nằm cùng giường vợ chồng nhà kia, thậm chí, ngồi cùng toa lét cùng nhà kia vậy.
Thật! Cái lẽ đời, chúng ta giỏi làm to chuyện.
Một bà bán bún cả chục năm chẳng sao, chẳng can dự gì đến cuộc sống gia đình chúng ta, quyền lợi chúng ta. Thế nào người ta quay bà ấy lên đài truyền hình Quốc tế, ấy thế là muôn vạn dân vào tự hào thay, rồi hết tự hào quay ra xấu hổ. Người kêu bún ngon nghe chửi cũng đã, kẻ bảo thề nguyền cả đời này và chín đời sau cũng nhất quyết không thèm bao giờ đến ăn ở hàng bún chửi bới xúc phạm này.
Thật! Chúng ta cũng chưa bao giờ tới ăn, và nếu không có vụ lên truyền hình Quốc tế này, chúng ta cũng chưa bao giờ có ý định tới đó ăn. Nhưng thôi, cứ rống lên thề thốt với thiên hạ để nghe cho nó oai.
Có kẻ học sĩ ngồi nhà nghiên cứu, thấy sự trừng phạt cho việc xấu hổ dân tộc chưa đủ, còn đòi sở văn hóa thông tin, sở quy hoạch đô thị, sở gì gì đó phạt thật nặng hành vi làm hổ nhục quốc gia này. Phạt dựa trên cơ sở gì chưa biết nhưng cứ giơ cái búa phạt đe đe trên đầu cho sợ. Kệ xác chúng ta hàng ngày cứ vứt rác bừa bãi ra đường, đi các loại xe cũ kỹ kém chất lượng xả khói nghịt kín làm thủ đô trở thành thành phố ô nhiễm đứng thứ 2 trên thế giới. Nhưng không, chúng ta không xấu hổ, chúng ta phải xấu hổ thay cho bà bán bún, vì lý do riêng chung gì đó hay chửi bậy, mà lại có nhiều 'bọn ngu' vẫn đến ăn đông nghìn nghịt, để cho chuyên gia ẩm thực nổi tiếng phải đến đó ăn và quay truyền ra thế giới.
Chúng ta xấu hổ nhiều đến mức quên cả tự hào là Hà Nội là một trong những thành phố ẩm thực tuyệt nhất trên thế giới, cũng được xếp hạng quốc tế hẳn hoi.
Giờ nói chuyện nghiêm túc.
Chửi, là quyết định, quyền lợi, lựa chọn cá nhân của mỗi người, không phải là văn hóa lại càng không phải văn hóa của một thành phố, và dân tộc. Nên đừng có hâm đơ mà vơ vào người để xấu hổ với xấu hiếc.
Bà bán bún, như một bạn trên Facebook đã nói, là người dân lao động, buôn thúng bán mẹt ngoài đường phố. Họ không có may mắn như chúng ta được giáo dục tử tế, một bước lên xe, ngồi làm văn phòng, gõ máy tính.
Họ ngồi ngoài đường, ngoài trời, bất chấp rét mướt, hay nóng như nung 40 độ, ngồi cạnh nồi nước chan và bếp than hừng hực bán bún, ngày qua ngày. Ngày bán vài trăm bát bún, nâng lên rồi hạ xuống, chan rồi múc, nhiều tháng, nhiều năm. Chúng ta không thể hiểu cảm xúc bà bán bún.
Một lần kia tôi đi cùng mẹ đi ăn bánh đa cua, cô bán bánh đa cua ở phố Lý Thường Kiệt rất ngon, nhưng cô ấy, thì lúc nào nhìn cũng khó đăm đăm. Tôi từng suy nghĩ tại sao cô ấy phải tỏ ra khó chịu như vậy. Rồi tôi nghĩ, nếu tôi là cô ấy, cũng ngồi cạnh nồi bún, bất chấp nắng mưa, ngày qua ngày, tiếp xúc với đủ loại người, tử tế có, mất dạy có, chan múc, chan rồi lại múc… liệu tôi có thể lúc nào cũng đon đả mời chào được không. Và tôi đã tự trả lời rằng 'Chắc tôi nổi điên quá'.
Vậy là từ giờ trở đi tôi đến đấy ăn mỗi khi về Hà Nội, lúc nào tôi cũng chào hỏi cô ấy lịch sự, tôi mỉm cười với cô ấy, nói cám ơn cô ấy, mặc cô ấy có trả lời tôi hay không. Một ngày kia tôi nói với cô:
- Chắc ngồi cạnh nồi nước nóng lắm chị nhỉ. Mệt không chị?
Cô ấy bỗng trả lời:
- Ôi mệt lắm em, nóng kinh khủng. Nhưng nghề mà, phải chịu thôi.
Tôi nói với cô ấy:
- Vâng, thôi chịu vậy, nhưng có gánh bánh đa cua đông khách ơi là đông.
Thế là từ ấy trở đi mỗi lần tôi đến, cô ấy lại nhận ra tôi, nở một nụ cười rất tươi trên gương mặt hằn khắc khổ, thậm chí còn gãy mấy cái răng. Có lần, cô ấy kể rằng bị bệnh nặng, mà không có ai thay thế vẫn phải ngồi bán, như thể tôi là một người bạn. Đối với những người khác, cô ấy vẫn cau có, vâng, ít có thế lực gì có thể bắt cô ấy đon đả mỉm cười. Nhưng người ta vẫn ăn của cô, đa số vào, rồi lại ra, bưng bát húp, rồi trả tiền đi về. Chẳng mấy ai quan tâm đến cuộc đời cô ấy ra sao, cô ấy bị bệnh thế nào, gia cảnh gì.
Vậy nên, xin lỗi, không thích thì đừng đến ăn. Đừng có đến hoặc không bao giờ có ý định đến rồi lên mặt dạy đời người ta về phép phải lẽ sống. Cứ ngồi cạnh gánh bún nóng hầm hập rồi chan chan múc cả trăm bát một ngày đã, rồi hãy mở miệng đánh giá người khác. Xin nhắc lại, hành vi chửi bới không phải là hành vi đáng hoan nghênh, nhưng là sự lựa chọn, quyền lợi cá nhân. Còn lựa chọn và quyền lợi cá nhân của chúng ta là khách hàng là gì, chắc chúng ta cũng hiểu.
Không thích, chẳng ai bắt giam chúng ta ở hàng bún, bắt ăn bún và bắt nghe chửi".
Bài viết chỉ sau vài giờ đăng tải đã thu hút nhiều lượt thích và chia sẻ. Đại đa số đều ủng hộ quan điểm của Hà Anh và bày tỏ sự cảm thông đến những người dân lao động: "Hoàn toàn đồng ý, không thích thì đừng đến, vậy thôi, nhiều người nơi khác chưa đến 'quán chửi' nhưng đã đi rêu rao Hà Nội này nọ như thể mình là nạn nhân. Trước hết là cái tâm không sáng của những người đánh giá đạo đức và kẻ chuyên bới móc, rêu rao", Facebooker Tran Hoang Ha chia sẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện một vài ý kiến tỏ ra không đồng tình với quan điểm của siêu mẫu: "Vớ vẩn. Ai mà chả phải kiếm sống, mấy người làm chăm sóc khách hàng còn stress gấp vạn, ngồi cả ngày chỉ để nghe khách hàng gọi đến chửi rủa bức xúc mà vẫn phải dạ dạ vâng vâng, bác sĩ stress gấp vạn mà vẫn phải ôn tồn niềm nở với bệnh nhân, ngồi bán bún thì đã cực khổ bằng ai mà kêu la. Bà kêu không ai hiểu cảm xúc của bà, thế khách hàng vào ăn họ có tội tình quái gì mà tự nhiên phải nghe bà trút giận, họ không có cảm xúc chắc. Còn nữa, Hà Anh nói bà ấy thích chửi là quyền của bà ấy, thế người ngoài họ chỉ phát ngôn một câu là thích hay không thích, sẽ đến ăn hay không đến ăn đấy cũng là quyền của họ, Hà Anh lấy tư cách gì mà bỉ bai họ thế này thế kia", Đặng Nga bình luận.
Maruko Chan