- Điều gì khiến chị hài lòng nhất khi ra mắt tập truyện ngắn “I am đàn bà”?
- So với các tập truyện đã xuất bản trước đây của tôi thì I am đàn bà là sự cách tân mạnh mẽ. Tôi không dám nói là mình cách tân hơn so với người khác, tôi chỉ muốn nói, mình mới hơn so với chính mình. Bởi người ta đã viết về sex rất bùng nổ, với những hình thức thể hiện mới và táo bạo. Còn tôi vẫn trung thành với lối văn giản dị, dễ hiểu truyền thống, trung thành với những đề tài quen thuộc. Nhưng ở tập truyện này, tôi buông thả hơn. Tôi để ngòi bút của mình tự do khi viết về chuyện đàn ông, đàn bà, về những khát vọng và đam mê của người phụ nữ. Trước đây, tôi viết ra rồi tự biên tập, cắt gọt rất nhiều, còn bây giờ, tôi không biên tập nữa. Truyện Tự trong tập truyện này là một ví dụ của sự buông thả, giải phóng ngòi bút của tôi.
- Nhưng chính sự “buông thả” đó đã khiến cho những trang viết về sex của chị có phần trở nên trần trụi. Chị nghĩ sao khi gần đây, trong một bài viết, đồng nghiệp của chị đã dẫn lời của một độc giả thể hiện sự phản ứng khá gay gắt với tập truyện “I am đàn bà”?
- Đã là nhà văn, chúng tôi phải chấp nhận mọi phán xét của độc giả đối với sản phẩm của mình. Phản ứng đó, nếu có, là xuất phát từ truyện Tự, còn những truyện khác trong tập thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Nhưng nếu thận trọng hơn, tôi cũng muốn khuyến cáo các em, các cháu còn quá trẻ thì không nên đọc truyện ngắn này. Bởi lớp trẻ ngày nay có thể không hiểu nổi bối cảnh xã hội mà câu chuyện diễn ra. Tự là một truyện mang nhiều màu sắc sex. Tác phẩm kể về một người đàn bà, sau khi chồng mình mất đi khả năng tình dục, đã quyết liệt tìm mọi cách để có được tình yêu nhằm đảm bảo những nhu cầu bản năng chính đáng. Nhưng thất vọng trước thế giới đàn ông, chị phải tự sắm cho mình một liệu pháp công nghiệp là cái “chim” giả. Nghe qua như vậy, người ta có thể coi đó là một truyện ngắn tục tĩu, khoét sâu vào khía cạnh bản năng của con người. Nhưng đằng sau khát vọng của nhân vật chính là rất nhiều những ẩn ức bị dồn nén bởi hoàn cảnh xã hội. Tôi chỉ hy vọng, khi đọc truyện ngắn này, những ai sống trong thời đại đó có thể hiểu và thông cảm được phần nào với con người ở những nhu cầu sinh lý bình dị nhất. Người ta nói cách miêu tả về sex của tôi quá tỉ mỉ và tự nhiên, nhưng tôi lại nghĩ, cái “tục” của truyện, nếu có, không phải ở sự miêu tả mà ở ý tưởng: phụ nữ có thể dùng một cái “chim” giả để thay thế cả thế giới đàn ông.
- Sex rõ ràng không phải là một địa hạt cấm của văn chương. Vậy theo chị, căn cứ vào đâu để có thể coi một trang viết về sex là sạch hay bẩn?
- Theo tôi, tình dục cổ xưa như loài người vậy, bởi nó trước hết là con đường duy trì nòi giống cho nhân loại. Nhưng sex không chỉ dừng lại ở đó. Để có một em bé, người ta cần đến "x lần", hai em bé - "2x lần"… nhưng trong một đời người, có đến hàng trăm, hàng nghìn cái "x lần" như vậy. Đâu phải tất cả đều nhằm để duy trì nòi giống. Vậy thì sex còn là phương tiện giải trí và văn hóa. Văn chương, theo tôi cần tôn trọng sex ở khía cạnh đó.
Còn viết về sex tục hay không tục là do câu chữ. Nếu mình viết trực tiếp, thắng tuột về nó như một thứ nhu cầu bản năng, kích động ở người đọc những ý nghĩ không lành mạnh, không trong sáng thì tác phẩm sẽ trở nên phản cảm. Nhưng nếu tác giả khéo léo, thay thế những khái niệm về các bộ phận, các hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết “tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân văn thì khi đó, người đọc sẽ không "lăn tăn" đến chuyện đề tài nữa.
- “I am đàn bà” - truyện ngắn được lấy tên đặt cho cả tập truyện - là tác phẩm giàu giá trị nhân văn nhưng quá đậm chất báo chí và ý tưởng hơi lộ. Chị nghĩ sao?
- Đúng là I am đàn bà được viết từ một mẩu tin tôi đọc được trên báo. Mẩu tin kể về một người phụ nữ Việt Nam đi lao động xuất khẩu và bị kiện ra tòa vì tội quấy rối tình dục ông chủ. Bằng chứng là một cuốn băng ghi được từ chiếc máy camera gắn trong phòng ông chủ - người đàn ông bị liệt mà chị vẫn phải chăm sóc hằng ngày. Tôi là người làm báo, tiếp xúc với không ít số phận đáng thương của những người đi lao động xuất khẩu nhưng tôi vẫn rất đau đớn khi đọc được tin này. Tại sao người phụ nữ Việt Nam lại có thể bị kiện vì tội “quấy rối tình dục”? Ngày xưa, tôi lớn lên ở quê. Tôi còn nhớ, các bà còn răn dạy con cháu trong nhà rằng, “đàn ông nhà mày đi xa, mày có thèm thì lấy gót chân mà dí vào, đừng có dại dột mà làng nước người ta chửi vào mặt”. Đấy, người phụ nữ Việt Nam nhẫn nhịn như thế cơ mà.
Nên khi triển khai tình huống này thành một truyện ngắn, tôi đã tìm mọi cách để cứu rỗi cho người phụ nữ. Tôi phác ra rất nhiều chi tiết để biện hộ cho hành động phạm tội của nhân vật. Có lẽ bởi tôi tham lam quá chăng, lo sợ truyện chưa đủ sức nặng để bào chữa cho nhân vật chăng mà tác phẩm có vẻ rườm rà, đậm màu sắc báo chí?
Nhà văn Y Ban. |
- Chị lý giải thế nào khi các nhà văn Việt Nam viết truyện thường quá lộ ý?
- Tôi cho là vấn đề không nằm ở trình độ nhà văn hay khả năng tiếp nhận của độc giả. Mà bởi vì, từ trước tới nay, chúng ta đã quen viết theo một đường thẳng băng, mọi liên tưởng, tạt ngang, tạt dọc đều rất khó được chấp nhận. Hễ viết khác đi với cuộc sống một tý là tác phẩm có thể bị suy diễn đến mức vượt khỏi cả khả năng kiểm soát của nhà văn. Viết theo đường thẳng tạo cho người ta một thói quen. Nhưng gần đây, tôi đã thấy rất nhiều đổi mới táo bạo của các nhà văn trẻ, ví như Nguyễn Bình Phương với Thoạt kỳ thủy.
- Truyện của chị thường được kể từ ngôi thứ nhất, với nhân vật người kể chuyện xưng tôi. Đây là sở trường, sở thích hay một dụng ý nghệ thuật?
- Đúng là tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện. Tôi cảm thấy, điều đó cho phép tôi khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, tôi thường kể ở ngôi thứ nhất. Còn với những tác phẩm cần cái nhìn tỉnh táo, bàng quan, tôi hay kể ở ngôi thứ ba.
- Nhưng sự xuất hiện của nhân vật xưng tôi cũng dễ khiến người đọc đồng nhất nhân vật với nhà văn. Mặt khác, dù khách quan đến mấy, nhân vật cũng ít nhiều sẽ có một chút “tôi - nhà văn” ở trong đó. "Phần tôi" của chị thể hiện trong nhân vật ở phương diện nào?
- Ở tâm trạng nhân vật, ở sự dẫn dắt đường đi nước bước của nhân vật. Tôi thích những cốt truyện hợp logic, những hành động có thể lý giải được một cách biện chứng. Chính vì vậy, tôi hay đặt mình vào nhân vật để dự đoán xem nhân vật sẽ suy nghĩ ra sao, sẽ làm điều gì trong từng hoàn cảnh nhất định. Cũng bởi vậy, các nhân vật của tôi được đánh giá là rất thực, có thể bắt gặp đâu đó trong cuộc sống.
- Chị ít miêu tả về đàn ông. Phái mạnh xuất hiện trong tác phẩm của chị cũng chỉ qua đôi ba chi tiết, ví như một quan chức luôn đến nhà nghỉ với một bịch sữa "nhặt" được từ hội nghị để bồi dưỡng cho người tình, một giáo sư văn hóa rất sạch sẽ nhưng luôn dùng khăn lau bàn để lau cho người tình… Tại sao chị cứ nhìn là thấy ở nam giới những điểm xấu như thế?
- Đây không phải là vấn đề ác cảm hay căm ghét gì với đàn ông cả. Tôi có gia đình hạnh phúc với chồng và những đứa con. Đấy chỉ là tôi có khả năng phát hiện rất nhanh điểm xấu của người khác, không chỉ với phái mạnh, mà với nữ giới cũng vậy. Thế mạnh truyện ngắn của tôi cũng là ở chi tiết. Nhân vật phụ nữ trong truyện là những con người bất hạnh, thất vọng với đàn ông nên tôi không thể miêu tả họ với những điều đẹp đẽ.
- Chồng chị phản ứng thế nào trước các truyện ngắn chị viết?
- Nói chung, chồng tôi cũng ít đọc các tác phẩm của vợ. Nhưng khi tôi viết Tự, anh ấy đọc được và có khuyên tôi là “đừng cho in truyện đó, không thì đeo mo vào mặt đấy”. Nhưng tôi nghĩ, nhà văn thì phải biết dấn thân. Nếu viết rồi để đó thì cũng chẳng để làm gì. Đến bây giờ, tôi mừng là truyện nhận được nhiều lời khen hơn là tiếng chê.
(Theo VnExpress)