![]() |
Trung tâm báo chí đã có một số máy nối mạng, nhưng phần lớn bị "đề nghị không sử dụng". |
Chỉ còn 2 ngày nữa, môn đầu tiên tại SEA Games 23 là bóng đá nam sẽ khởi tranh, nhưng Philippines chưa thực sự được làm nóng với những hoạt động chuẩn bị của nước đăng cai - điều mà các đây 2 năm ở Việt Nam diễn ra sôi nổi và rất có tiếng vang trước ngày khai mạc cả nửa năm trời. Trên những con phố, panô, áp phích vô cùng thưa thớt, thậm chí trên nhiều con đường dài, người ta không tìm nổi một biểu tượng (logo) hay biểu tượng vui (linh vật- mascot) của SEA Games 23. Thậm chí, bài hát chính thức của SEA Games 23 chiều nay mới được dạy cho các tình nguyện viên. Khi phóng viên của VnExpress hỏi một tài xế taxi của sân bay quốc tế ở Manila thì còn nhận được câu trả lời: “Tôi không biết gì về SEA Games 23 cả. Chẳng lẽ, Philippines lại đăng cai SEA Games à?”. Trong khi đó, trên tờ báo Star (một kênh thông tin quan trọng để cung cấp thông tin cho người dân và có lượng phát hành hàng đầu Philippines) trong 2 ngày qua gần không hề đả động gì đến cụm từ SEA Games 23 cả. Theo chị Flores, tình nguyện viên đồng thời là sinh viên đại học năm thứ 2, thì đó là tình trạng chung bởi chính bản thân chị trước khi xin làm tình nguyện viên, chị chẳng biết gì về SEA Games cả.
Trung tâm báo chí (Press Center ở Manila), nơi được cung cấp 60 chiếc máy vi tính phục vụ cho các nhà báo đưa tin nhưng tính đến ngày cuối giờ chiều ngày 18/11, vẫn còn rất ngổn ngang và lộn xộn. Mới có 3 chiếc máy tính kết nối internet được trang bị. Nhưng 2 trong số 3 chiếc máy tính đó, lại cấm sử dụng. Phần lớn các máy tính ở đây mới cài xong windows, thậm chí, nhiều máy tính còn chưa cài phần mềm soạn thảo văn bản word, khiến các nhà báo kêu trời đất. Tất cả những trang thiết bị phục vụ khác như TV, điện thoại, máy photo, máy fax… đều đang được lắp đặt nên chưa sử dụng được. Các điều phối viên ở trung tâm báo chí vẫn ngồi tán gẫu với nhau bởi chưa có việc gì làm. Dự tính đón khoảng 130 nhà báo tác nghiệp ở trung tâm này, nhưng hiện tại mới chỉ có khoảng chục nhà báo, phần lớn là người Việt Nam. Đáng chú ý là có cả những nhà báo Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đến tác nghiệp.
Ở Việt Nam đang cấm vận chuyển và hạn chế tiêu thụ gia cầm, đặc biệt là thịt gà, bởi nỗi lo phát dịch virus cúm H5N1. Trong khi đó, với Philippines, thịt gà vẫn là món ăn khoái khẩu của người dân nơi đây và được bầy bán khắp nơi nơi. Các phóng viên Việt Nam mới đầu tỏ ra cẩn trọng và thường từ chối khéo nhưng rồi, họ còn ăn mạnh hơn cả người bản địa. Điều mà người Philippines lo lắng và cảnh giác nhất là khủng bố. Ở đất nước mà pháp luật cho phép các công dân được sử dụng súng (miễn là có giấy phép) thì vấn đề an ninh được coi trọng cũng là điều dễ hiểu. Ở tất cả các chốt đường quan trọng ra sân bay, những trung tâm thương mại hay các nút giao thông quan trọng… cảnh sát triển khai khắp nơi và kiểm tra từng phương tiện tham gia giao thông để tìm… bom . Trong các siêu thị, trung tâm hay phi trường, các cảnh sát lục soát mọi người một cách rất tỉ mỉ và cần thận, thậm chí, nhiều nơi cảnh sát còn kiểm tra qua 2 cổng.
Lúc này, thời tiết ở Manila rất đẹp. Trời se lạnh vào buổi sáng và ấm dần lúc về trưa, gần giống như mùa thu ở Việt Nam. Điều nổi bật ở Manila là những con đường dài được thiết kế cho ôtô. Ngoài ra, ở đây, xe truyền thống Zippney và Tricycle (giống như xe ba bánh ở Việt Nam) cũng rất thông dụng. Nó chính là hơi thở và bản sắc của Manila. Người dân của thủ đô Manila rất hiếu khách và tốt bụng. Từ anh lái taxi đến chị điều hành, từ cô gái thanh niên tình nguyện đến người bảo vệ đều lịch thiệp và giúp đỡ người nước ngoài.
Minh Hải (từ Manila)