Mỗi buổi sáng, Jung Hye-in, một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul, bắt đầu ngày mới bằng việc uống viên thực phẩm chức năng, tập vài tư thế yoga và đọc ít nhất một báo cáo kinh tế. Vào giờ ăn trưa, cô ấy tham gia một lớp học TOEFL hoặc đi bộ 30 phút. Trước khi đi ngủ, cô viết blog về cuộc sống hàng ngày, sở thích của mình đối với thời trang, trang trí nhà cửa, âm nhạc và sách.
"Về bản chất, tôi là người thích lập kế hoạch. Nhưng tôi bắt đầu theo dõi các thói quen của mình kỹ lưỡng hơn sau khi chuyển ra khỏi nhà bố mẹ năm 2020. Với tôi, đặt ra mục tiêu và siêng năng làm việc để đạt được nó khiến cuộc sống có ý nghĩa, tròn vẹn", cô nói.
Giống như Jung, ngày càng nhiều người trẻ ở Hàn Quốc thuộc thế hệ MZ (thuật ngữ chỉ cả nhóm Millennials sinh trong khoảng 1981-1995 và Gen Z sinh từ năm 1996 đến năm 2005) áp dụng những thói quen đơn giản và lành mạnh. Đó là giữ không gian sống ngăn nắp và có tổ chức, uống hai lít nước mỗi ngày và cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Họ làm như vậy để "có một cuộc sống cần cù và năng động" vào những lúc rảnh rỗi. Lối sống này được gọi là "Godsaeng" trong tiếng Hàn - một từ ghép của "God" và "saeng" (có nghĩa là "cuộc sống" trong tiếng Hàn). Họ không tuân theo các kế hoạch hoành tráng mà tìm ý nghĩa cuộc sống từ việc hoàn thành các công việc hàng ngày.
Kwak Geum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, lý giải xu hướng sống này "lên ngôi" bởi sự thất vọng, chán chường của giới trẻ và đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy lối sống này. "Sự căng thẳng của việc liên tục bị từ chối trong thị trường việc làm và những phép so sánh trong xã hội đã khiến những người trẻ tuổi tìm kiếm những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi. Thay vì đặt ra những mục tiêu lớn và dài hạn, họ tự đặt một loạt mục tiêu nhỏ có thể đạt được và đo lường được", cô nói.
Kwak cho biết thêm: "Thời gian dài bị hạn chế tiếp xúc giữa người với người khi giãn cách cũng thúc đẩy mọi người tạo ra các thói quen mới tập trung hoàn toàn vào bản thân. Bằng cách này, họ có thể ứng phó tốt hơn với căng thẳng, sợ hãi và lo lắng trong đại dịch".
Khi được hỏi Godsaeng khác với xu hướng "YOLO" (từ viết tắt của You Only Live Once, tiếng Việt là Bạn chỉ sống một lần), đề cập đến lối sống khuyến khích mọi người trân trọng khoảnh khắc hiện tại mà không lo lắng quá nhiều về tương lai, giáo sư giải thích Godsaeng mang tính thực dụng hơn.
"Vì một số lý do, cụm từ YOLO mang ý tiêu cực ở Hàn Quốc. Thuật ngữ này nói về lối sống của những người trẻ từ bỏ công việc ổn định của họ để khám phá những gì họ thực sự muốn và tích lũy kinh nghiệm. Ngược lại, 'Godsaeng-ers' tin rằng những nỗ lực nhỏ của họ sẽ xây dựng và giúp họ tạo ra những thành tựu lớn hơn trong tương lai. Thế hệ này đã trở nên khôn ngoan hơn", giáo sư Kwak nói.
Lee Kyung-min, một bác sĩ tâm lý và Giám đốc điều hành của Mindroute Leadership Lab, cho biết theo đuổi lối sống Godsaeng có thể giúp nâng cao lòng tự trọng của một người. "Millennials và GenZers nắm ít quyền kiểm soát cuộc sống của họ, chẳng hạn như lộ trình thăng tiến trong công việc hoặc mua bất động sản, vì vậy họ có mong muốn sâu sắc trong việc kiểm soát thói quen hàng ngày hiệu quả. Tất nhiên, họ muốn cải thiện cuộc sống hàng ngày của mình nhưng mục tiêu lớn của họ là nâng cao lòng tự trọng", Lee nói.
Các công ty đã nhanh chóng phổ biến khái niệm này và bắt đầu sử dụng cụm từ này để quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của họ, tổ chức nhiều sự kiện khác nhau với chủ đề "Godsaeng". Ví dụ như ứng dụng về năng suất như Challengers, Cashwalk, Flo giúp mọi người sắp xếp công việc hàng ngày, cải thiện sức khỏe thể chất, tiếp thu kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ lối sống năng động.
Một sự thật không thể phủ nhận là những ứng dụng này được nhiều người ủng hộ. Giáo sư Kwak tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Xu hướng sống này đã được các công ty khai thác để tạo ra lợi ích kinh tế nhưng thực tế là nó đã được nhiều người Hàn Quốc chấp nhận như một quy tắc văn hóa sống ở hiện tại".
Tuy nhiên, bác sĩ Lee Kyung-min cảnh báo rằng việc theo đuổi cuộc sống năng suất quá mức có thể gây ra tác động tiêu cực. "Những người chọn lối sống Godsaeng thường là những người có thành tích cao. Tôi đã quan sát thấy rằng những người này tự đẩy bản thân đi quá xa và trải qua tình trạng kiệt sức", cô nói. Bác sĩ tâm lý nhấn mạnh chúng ta nên tự nhủ rằng không thể nhanh chóng hoàn thiện bản thân trong "một sớm một chiều" hoặc đôi khi bạn sẽ không đạt được mục tiêu. "Hãy rộng lượng hơn với bản thân," cô nói.
Hằng Trần (Theo Koreatimes)