![]() |
Sâu róm bám đầy các vách tường. |
Ngay trong thị xã, bất cứ nhà nào có khuôn viên đều xuất hiện sâu. Những vách tường mát lạnh, nhất là nhà gỗ là "mục tiêu" để sâu đổ bộ, đeo bám. Hai bên lề của đường phố, những mảng cỏ xanh cũng trở thành chỗ trú của "giặc" sâu. Không chỉ nhà dân, khá nhiều trường học vùng ven, nhà xưởng của các nhà máy chế biến nông sản… đều có sâu róm.
Loài sâu này có nhiều lông, thân chỉ to bằng đầu que tăm, nhưng dài đến 1,5-2 cm, phần đuôi và đầu có màu vàng xám, giữa thân có đốm đen. Hằng ngày, cứ đến trưa, khi trời nắng nóng (11-16h), loài sâu trên từ ngoài vườn tràn vào trong nhà dân, trường học, trạm xá, chuồng trại để tránh nóng, rồi... "định cư" luôn cho đến khi hóa kén.
Theo quan sát của PV Tuổi Trẻ, sâu róm đã làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều người dân, nhất là những ai sinh sống trong khu nhà vườn. Suốt ngày họ rơi vào tình cảnh phải... gãi do vướng lông của sâu vương vãi. Học sinh ở một số trường nằm giữa vườn rẫy đi học phải mang theo lọ dầu để thoa lên khi ngứa. Nhiều gia đình đã dùng thuốc phun quanh vách ngoài của căn nhà để ngăn chặn sâu vào, nhưng phần lớn đều ra tay bắt, bởi nếu xịt thuốc sâu thì người cũng không chịu nổi. Tại nhiều khu nhà vườn ở Lộc An, Lộc Phát, Đại Lào, có gia đình mỗi ngày bắt gom được cả lon sâu.
Theo các kỹ sư ở Phòng Nông nghiệp thị xã Bảo Lộc, loài sâu trên không ăn lá trà hay cà phê, mà chỉ tàn sát một số loài cỏ. Hằng năm cứ vào thời điểm thời tiết chuyển sang mùa mưa (như hiện tại ở Bảo Lộc), độ ẩm trong đất và không khí cao là lập tức sâu sinh sôi, nhưng dày đặc như năm nay thì ít khi.
Nhiều lão nông ở Bảo Lộc bằng kinh nghiệm quan sát tự nhiên dự báo, theo quy luật, phải đến 3-5 tuần nữa dịch sâu trên mới lắng xuống, bởi đang là tâm điểm mùa sinh sản và phát triển của chúng. Tuy nhiên, cho đến bây giờ các cơ quan bảo vệ thực vật Lâm Đồng vẫn gần như đứng ngoài cuộc, chưa tìm cách chặn đứng dịch sâu trên.