Cả tháng nay anh Xuân, một tay đầu cơ đất đai có "số má" tại TP HCM đứng ngồi không yên bởi đã làm đủ mọi cách, hết đăng báo lại nhờ bạn bè, gia đình, các mối quan hệ để "đẩy" đi 2 căn hộ chung cư cao cấp Cảnh Viên 1 (khu đô thị Phú Mỹ Hưng) nhưng vẫn chưa tìm được mối nào. Cách đây không lâu, để sở hữu 2 căn hộ này, anh Xuân phải xếp hàng cả buổi sáng; chen lấn, xô đẩy với cả ngàn người mới bốc được số thăm chọn nhà. Cứ nhìn dòng người xếp hàng, anh Xuân lại tự phục mình có thần tài phù hộ. Không ít bạn bè trong "câu lạc bộ triệu đô" (những người có tài sản trên 1 triệu USD) của anh Xuân cũng thầm ghen tị bởi sự may mắn của anh vì không ít người trong nhóm cũng xếp hàng mỏi cẳng mà chẳng mua được căn hộ nào.
Nhưng ranh giới của sự may rủi trên thị trường bất động sản chưa lúc nào ngắn như tại thời điểm này. Cơn sốt địa ốc cực ngắn ngủi do những người trúng đậm chứng khoán mùa trước tạo ra đi qua còn nhanh hơn cả lúc đến. Căn hộ mua với giá 3,1 tỷ đồng của anh Xuân được rao bán 3,3 tỉ đồng "còn thương lượng" nhưng chẳng có ai hỏi tới. Chứng khoán cầm cố sắp đến ngày đáo hạn, lãi suất ngân hàng do thế chấp nhà để mua 2 căn hộ đè nặng trên vai, vốn làm ăn bị "cụt" mà nhà thì không bán được. Anh Xuân chỉ còn tự trách mình "tham thì thâm".
Một nhà đầu tư đang sở hữu căn hộ tại chung cư H2 (quận 4) còn bi đát hơn. Sát ngay quận 1, giá lại mềm nên bất chấp yêu cầu phải đóng 85% tổng giá trị căn hộ và lời can ngăn gia đình, anh thế chấp căn nhà đang ở lấy 700 triệu đồng để mua căn hộ gần 80m2 tại chung cư H2 với giá 9,5 triệu đồng/m2. Cơn sốt bất động sản ào đến đưa giá căn hộ H3, cách H2 khoảng 200m (cùng một chủ đầu tư là Công ty dịch vụ công ích (DVCI) quận 4) lên tới 18-20 triệu đồng/m2 khiến anh như đi trên mây vì "ra quân lần đầu" đã vô mánh. Quả thật, cách đây 2 tháng, nếu anh đồng ý bán với giá 14,5 triệu đồng/m2 thì đã trúng đậm với số tiền lãi tròm trèm 350 triệu đồng. Nhưng của đáng tội, trong khi anh đang chờ đợi giá lên 15-16 triệu đồng/m2 thì cơn sốt qua đi. Thức tỉnh rất nhanh, anh chấp nhận bán với giá 14 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không tìm được mối nào.
Công bằng mà nói, mức giá này không phải là cao so với mặt bằng chung hiện nay, nhất là đối với vị trí địa lợi như H2. Tuy nhiên, thông tin đến tháng 9/2009 mới giao nhà thay vì tháng 12/2008 như hợp đồng mua bán ký kết trước đây giữa khách hàng và Công ty DVCI quận 4 bị rò rỉ ra ngoài khiến các nhà đầu tư sở hữu căn hộ H2 như ngồi trên đống lửa. Cò C., người đã thực hiện thành công hàng chục vụ mua bán căn hộ chung cư cao cấp tại quận 4 cho biết, trước khi thông tin này lọt ra ngoài, nhu cầu căn hộ cao cấp tại H2 rất nhiều, nhưng bây giờ thì ngược lại. Đó là chưa kể đến phí chuyển nhượng của Công ty DVCI quận 4 cao ngất ngưởng, tới 5% tổng giá trị căn hộ (hầu hết các chung cư khác ở mức 2%) và có tiền sử chậm trễ trong việc cấp sổ hồng. Điển hình là chung cư H1 thuộc công ty này giao nhà đã hơn 3 năm nay nhưng các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Hàng loạt nhà đầu tư sở hữu căn hộ tại chung cư cao cấp New Sài Gòn (huyện Nhà Bè) cũng đang sống dở chết dở. Một nhà đầu tư "ôm" một căn hộ 100m2, trị giá trên 1,5 tỷ đồng (khoảng 15,5 triệu đồng/m2) cũng đang xoay như chong chóng để kiếm tiền đóng theo đúng hợp đồng mua bán. Với toan tính "đánh nhanh, thắng nhanh, lãi vài chục triệu là được" nên dù gom góp, huy động cả gia đình chỉ đủ đóng tiền đợt đầu, ông vẫn liều mua vào. Nhưng "lãi vài chục triệu dưỡng già" đâu chẳng thấy, chỉ thấy từ lúc cơn sốt qua đi, hơn 2 tháng nay ông rao bán căn hộ với giá bằng giá công ty bán ra mà vẫn chẳng ai quan tâm. Khá nhiều nhà đầu tư sở hữu căn hộ chung cư cao cấp tại quận 7, 8, 12, Tân Phú... hầu hết rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" chưa tìm được cách giải quyết.
Có thể nói, sau "1 phút huy hoàng", thị trường căn hộ cao cấp đang rơi vào tình trạng khá ảm đạm, nhưng nghịch lý là giá căn hộ vẫn rất cao. Tại các khu trung tâm, giá dao động ở mức từ 22-24 triệu đồng/m2 trở lên; khu vực gần trung tâm giá khoảng 14-16 triệu đồng; cách xa trung tâm cũng từ 8-10 triệu đồng/m2. Sở dĩ mức giá được đẩy lên cao như vậy, theo các chuyên gia kinh tế là bởi hầu hết các công ty đều xây dựng giá bán nhà giữa lúc cơn sốt đang lên đỉnh điểm. Cầu ảo được tạo ra bởi một số người phất lên nhờ chứng khoán, còn những người thực sự có nhu cầu ở thì không đủ năng lực tài chính để tham gia.
Vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân, các nhà đầu cơ căn hộ cao cấp trong thời gian qua đang rơi vào thế "kẹt": Không bán thì bị cụt vốn làm ăn, còn bán thì "không lẽ bán thấp hơn giá gốc". Hy vọng duy nhất đối với các nhà đầu cơ là chính sách cho người nước ngoài mua nhà dự kiến sẽ ban hành, có thể hâm nóng thị trường bất động sản, giúp họ thoát ra khỏi hậu quả của cơn sốt do chính họ tạo ra trong thời gian qua.
(Theo Thanh Niên)