Khoảnh khắc núi đất đá sạt lở đổ xuống công nhân khai thác. Video: DM
Theo Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia, thảm họa xảy ra khoảng 10h sáng 30/5, gần Cirebon, cách thủ đô Jakarta hơn 200 km. Tất cả các nạn nhân đều là công nhân khai thác đá. Ngoài 10 người tử vong, 6 người bị thương đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Đoạn video về vụ việc cho thấy toàn bộ sườn núi đổ sập xuống, tạo thành dòng đất đá cuồn cuộn chảy về phía chân dốc. Công nhân ở khu vực xa hơn nhanh chóng lên xe bỏ chạy. Trong video do đài truyền hình Kompas TV của Indonesia công bố, lực lượng cứu hộ phải dùng máy xúc đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót.

Bụi đất khổng lồ trong vụ sạt lở hôm 30/5 ở Tây Java, Indonesia. Ảnh chụp màn hình
Theo Mukhammad Yusron, chỉ huy quân sự khu vực, hoạt động tìm kiếm bị dừng lại vào khoảng 17h do trời tối và lo ngại nguy cơ sạt lở tiếp theo. Công tác tìm kiếm tiếp tục trong ngày 31/5.
Theo Bambang Tirto Mulyono, người đứng đầu Sở Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Tây Java, phương pháp khai thác không đúng cách là nguyên nhân gây ra thảm họa. Ông Mulyono nói với trang tin Detik Jabar rằng công nhân khai thác từ dưới chân đồi lên thay vì từ trên xuống. "Chúng tôi từng nhiều lần cảnh báo nhà khai thác mỏ, thậm chí bằng những lời lẽ cứng rắn", ông nói, đồng thời cho biết thêm cảnh sát Cirebon đã phong tỏa khu vực này từ tháng 2 vì cách khai thác không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Ảnh: Xinhua
Ông Mulyono khuyến nghị Thống đốc Tây Java đóng cửa khu vực để tiến hành kiểm tra. Nếu phát hiện hoạt động bất hợp pháp, mỏ đá này có thể bị đóng cửa vĩnh viễn. Ông Mulyono cũng cho rằng hoạt động khai thác đá gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực, khiến nông dân gặp trở ngại khi tưới tiêu cho cây trồng.

Máy xúc đào bới tìm kiếm các nạn nhân bị chôn vùi. Ảnh: Xinhua
Indonesia, quốc gia gồm 17.500 hòn đảo, dễ xảy ra sạt lở trong mùa mưa - thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm. Tháng trước, 10 người thiệt mạng sau khi một trận lở bùn kinh hoàng chôn vùi các phương tiện trên một con đường đồi núi ở Java. Các hoạt động khai thác vàng trái phép cũng là nguyên nhân gây ra sạt lở đất ở Indonesia. Vào tháng 11/2024, 24 người chết trong một vụ sạt lở tại khu vực khai thác vàng trái phép trên đảo Sulawesi.
Tùng Anh (Theo Mail)