Ở TP HCM, tại tuyến đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), vào giờ cao điểm gần như không có lối thoát. Các loại xe từ xe buýt, ôtô, xe gắn máy, xe đạp nhích từng bước. Nhiều đoạn gần như cả khối người và xe “đông” lại, không thể nhúc nhích. Các tuyến đường liền kề, đường cắt ngang, các con hẻm... cũng tắc.
Anh Nam, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh, chở con đi học qua khu vực cầu Thị Nghè bức xúc: “Nhiều năm nay, tôi chở con đi học rất ít khi bị ùn tắc giao thông. Nhưng từ khi Sở Giao thông công chính TP HCM đặt dải phân cách, tình trạng ùn ứ xảy ra mỗi ngày. Cứ sáng thì hướng từ ngoài vào nội ô, chiều thì hướng trở ra”.
Tương tự, theo người dân, dải phân cách vừa được lắp đặt ở tuyến đường mới mở Cộng Hòa cũng làm tăng ùn tắc giao thông hai chiều ở hai hướng từ Củ Chi, Hóc Môn vào thành phố buổi sáng và buổi chiều là hướng trở ra. Trong một tuần gần đây, khi học sinh tan trường, tình trạng ùn tắc trở nên kinh hoàng tại các đoạn Hoàng Hoa Thám kéo dài đến Lăng Cha Cả.
Đường Trần Hưng Đạo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur lâu nay ít khi bị ùn tắc; nay ngày nào vào giờ cao điểm, lượng xe cũng dồn ứ đến nghẹt thở. Những giờ khác xe cũng phải nhích từng tí một tại những điểm “thắt cổ chai” có hàng rào công trình giao thông.
Điểm ùn nặng nhất trong những ngày gần đây có lẽ là giao lộ từ vòng xoay Hàng Xanh đến đầu đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh. Kể cả tuyến giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo xưa nay ít tắc đường, bỗng dưng nay “nghẽn mạch”.
Tình trạng tê liệt giao thông cũng đang là vấn đề “nóng” tại Hà Nội. Các tuyến đường chính như Cát Linh, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Trãi, Thái Hà, Láng Hạ, Giảng Võ, Chùa Bộc... ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài vào giờ cao điểm sáng và chiều. Tình trạng ùn tắc đường bắt đầu bùng phát từ những ngày đầu tháng 9, khi học sinh bắt đầu bước vào năm học mới.
Các tuyến đường lớn “đặc quánh”, người đi đường rẽ lung tung vào các ngõ ngách khiến tình trạng giao thông hỗn loạn. Do ách tắc thường xảy ra vào giờ cao điểm nên người đi đường ai cũng mang tâm trạng vội vã, mạnh ai nấy đi khiến lực lượng CSGT rất vất vả trong việc giải tỏa ách tắc.
Nếu năm 2000, tổng số phương tiện giao thông tại TP HCM khoảng 1,7 triệu chiếc thì đến nay con số này đã tăng gấp đôi. Thượng tá Võ Văn Vân, Phó phòng CSGT đường bộ, Công an TP HCM cho biết, bình quân mỗi ngày thành phố có khoảng 1.300 xe 2 bánh, 100 ôtô đăng ký mới.
Ngoài lượng xe đăng ký tại TP HCM, mỗi ngày còn có 500.000 xe 2 bánh và 60.000 ôtô của khách vãng lai từ các tỉnh lân cận đổ dồn về. Số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng đột biến, nhưng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng lại rất chậm.
Theo thống kê của Sở GTCC, từ 2001 đến 2006, TP HCM chỉ cải tạo, nâng cấp được khoảng 20 tuyến đường, nút giao thông quan trọng; riêng những tuyến đường, cây cầu xây mới thì đếm được chưa hết đầu ngón tay. Ngoài ra, do hệ thống bến bãi đậu xe không kịp phát triển, thiếu chỗ đậu xe dẫn đến tình trạng dừng đậu xe tràn lan khiến đường sá đã hẹp càng trở nên chật chội.
Phía “đầu cầu” Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên do khá nhiều nguyên nhân: Các công trình trọng điểm của TP đang trong quá trình thi công, tiến độ quá chậm; dân số tăng nhanh, trong đó, dân cư di dịch tự do tăng mạnh đến hơn 90.000 người (so với cùng kỳ hơn 8 tháng năm 2006; các phương tiện giao thông tăng đột biến...
Theo Phòng CSGT, hiện toàn TP đã đăng ký và đưa vào sử dụng gần 100.900 phương tiện cơ giới, chưa kể phương tiện quân đội và các cơ quan TƯ.
Trong khi TP HCM vẫn chưa đủ lực để đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, thì giải pháp cần thực hiện trước mắt là hạn chế sự gia tăng của phương tiện xe cá nhân.
Từ năm 2001-2002, thành phố tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo bàn về vấn đề này và nhận được các phương án như: Hạn chế xe 2 bánh lưu thông ở một số tuyến đường vào một thời gian nhất định trong ngày; đánh thuế trước bạ thật cao khi đăng ký mua xe mới; cấm xe 2 bánh từ các tỉnh đổ về TP HCM... kết hợp với phát triển mạnh vận tải công cộng.
Các phương án đề xuất mang tính khả thi, song dư luận cho rằng, không thể áp dụng ngay vào thời điểm đó, mà cần có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Lúc đó, thành phố giao Sở GTCC làm “chủ xị” nghiên cứu đề án, trong đó vạch ra một lộ trình hẳn hoi thực hiện cho từng năm, nhưng đến nay vẫn không thấy đề án hạn chế xe cá nhân đâu cả.
Trước thực trạng bùng nổ của lượng xe cá nhân, cuối tháng 6 vừa qua, thành phố đã ra tối hậu thư, yêu cầu ngành GTCC phải xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2010, trình thành phố ban hành trong quý IV/2007.
Trước mắt, Sở GTCC phải khẩn trương nghiên cứu các phương án hạn chế xe cá nhân lưu thông trên các tuyến đường trung tâm thành phố, để có thể triển khai thực hiện cuối năm nay.
Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ban hành ngày 29/6/2007, đã giao:
- Bộ Tài chính nghiên cứu việc tăng lệ phí trước bạ, tăng lệ phí đăng ký môtô và xe gắn máy ở các thành phố lớn. - UBND TP HCM và TP Hà Nội quy định việc cấm môtô và xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến đường trong khoảng thời gian phù hợp, nhằm giảm ùn tắc giao thông. |
(Theo Lao Động, Tuổi Trẻ)