Nhóm nghiên cứu Viện Hóa học đang trao đổi về quy trình tổng hợp oseltamivir phốt phát từ axít sikimic |
Ngày 9/3 vừa qua, lần đầu tiên nhóm nghiên cứu gồm 20 nhà khoa học thuộc Viện Hóa học đã tổng hợp thành công 2,5 g oseltamivir phốt phát. Chưa đầy 3 tuần sau đó, viện tiếp tục có trong tay thêm 10 g hoạt chất này (75 mg oseltamivir phốt phát = 1 viên Tamiflu).
Nguồn axít sikimic dồi dào
Qua kiểm tra trên máy phổ quang cộng hưởng từ cho thấy, độ tinh khiết của sản phẩm đạt 95%, có chất lượng tương đương với mẫu chuẩn của thế giới. Theo tiến sĩ Nguyễn Quyết Chiến, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu hoạt chất chống virus oseltamivir phốt phát để làm thuốc Tamiflu chữa bệnh cúm ở người do virus H5N1”, trước những lo ngại về một đại dịch cúm trên toàn cầu, nhu cầu dự trữ thuốc quốc gia tăng đột biến, hãng Roche (công ty giữ độc quyền sản xuất Tamiflu đến năm 2016) khuyến cáo, họ không có khả năng cung ứng kịp thời trong trường hợp khẩn cấp nên các quốc gia cần có kế hoạch dự trữ thuốc. Do đó, không chỉ có VN mà nhiều nước đã bắt tay vào nghiên cứu để tự sản xuất ra thuốc chống cúm gia cầm.
Trong khi nguồn axít sikimic trên thế giới rất khan hiếm thì VN lại có hàng chục nghìn hecta cây hồi trồng ở các tỉnh vùng Đông Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh... Với điều kiện thuận lợi đó, các nhà khoa học VN có thể chiết xuất ra hàng tấn axít sikimic, đáp ứng được nhu cầu trong nước nếu VN xảy ra đại dịch cúm gia cầm.
Sau thành công bước đầu là chiết xuất và tinh chế axít sikimic từ chính cây hồi VN, nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm cách xây dựng quy trình tổng hợp oseltamivir phốt phát từ axít sikimic. Hơn 20 phản ứng khác nhau đã được tiến sĩ Chiến và các cộng sự thực hiện trong vòng 3 tháng để tổng hợp ra 2,5 g oseltamivir phốt phát đầu tiên. Một khó khăn khác trong quá trình thí nghiệm, theo chuyên gia thuộc Viện Hóa học, là ngoài axít sikimic, mỗi bước trung gian đòi hỏi rất nhiều chất xúc tác mua từ nước ngoài. Một số chất do tính độc hại, gây cháy nổ... không được phép vận chuyển bằng máy bay mà phải bằng đường biển nên mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất là sản phẩm này được bào chế từ nguyên liệu trong nước và bởi chính người VN.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, cho biết mặc dù đây mới là kết quả trong phòng thí nghiệm nhưng có thể khẳng định một bước đột phá quan trọng trong việc tìm ra một con đường riêng để tổng hợp oseltamivir phốt phát từ nguyên liệu trong nước. Điều đáng nói hơn cả là bản thân Công ty Roche đã từng tuyên bố, nếu họ bàn giao quy trình làm Tamiflu cho các nước phát triển cũng mất tới 1 năm và ở các nước đang phát triển như VN phải mất tới 3 năm. Trong khi đó các nhà khoa học VN đã tự mày mò, nghiên cứu để chứng minh rằng, chỉ trong vòng 3 tháng họ đã có được những thành công đáng kể.
Với kết qủa nghiên cứu này, VN đã trở thành một trong số rất ít quốc gia có khả năng sản xuất được nguyên liệu chính để tổng hợp oseltamivir phốt phát, tạo thuận lợi cho VN đàm phán với Roche để có thể được nhượng quyền sản xuất thuốc Tamiflu hoặc cung cấp hay đổi nguyên liệu lấy thành phẩm. Dự kiến, trong quý III, 100 g oseltamivir phốt phát sẽ được chuyển cho Đại học Dược Hà Nội.
(Theo Người Lao Động)