Đăng trên trang cá nhân dòng thông điệp "Tôi ủng hộ bông Tân Cương", Lại Quán Lâm còn thể hiện thái độ bảo vệ quê nhà bằng cách chuyển sang đi dép lê nội địa Trung Quốc. Trước đó vài ngày, khi ghi hình show Happy Camp, Lại Quán Lâm vẫn đi giày Nike. Khi di chuyển ở sân bay những ngày trước đó, anh cũng đi giày Adidas.
Lại Quán Lâm không phải nghệ sĩ duy nhất tẩy chay các thương hiệu quốc tế. Làn sóng bài trừ H&M, Nike, Adidas... lên cao mạnh mẽ tại Trung Quốc, nghệ sĩ nào đại diện cho các thương hiệu trên mà chưa hủy hợp đồng đều bị "réo tên". Hôm 25/3, Âu Dương Na Na lên tiếng chấm dứt hợp tác với hãng Converse, dù trước đây từng tuyên bố rất yêu thích giày của thương hiệu này.
Diễn viên Tăng Lê tối 25/3 khi dự một sự kiện tại Trung Quốc đã cắm cả một cành bông trên tay, kèm theo lời phát biểu: "Không gì đẹp bằng bông trắng".
Dương Mịch, Địch Lệ Nhiệt Ba, Đặng Luân, Dịch Dương Thiên Tỷ, Tống Đan Phi, Angelababy... hiện đều đăng bài thông báo chấm dứt hợp tác với Adidas. Thậm chí hai diễn viên gốc Đài Loan Bành Vu Yến và Trương Quân Ninh cũng cho biết kiên quyết chống lại mọi hành động bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc. Trước đó, hai người là đại diện hình ảnh cho Adidas tại Đài Loan.
Tài tử Hứa Quang Hán cắt hợp đồng với hai công ty mà anh ký hợp đồng từ 2020 là Puma và Calvin Klein. Sự mạnh tay của anh ngay sau đó được nhiều người dùng mạng Đại lục khen ngợi "làm tốt lắm", "lập trường vững vàng", "phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết"...
Hôm 25/3, một nguồn tin cho hay show truyền hình Thanh xuân có bạn mùa 3 tạm ngừng phát sóng, lý do là tất cả các thí sinh trong chương trình đều mặc đồ Adidas, do thương hiệu này tài trợ trang phục.
Theo thông báo của QQ, tính đến tối ngày 25/3, đã có 48 nghệ sĩ Trung Quốc ngưng hợp tác với các thương hiệu quốc tế.
Trước phản ứng dữ dội của cư dân Đại lục, H&M Trung Quốc hôm 24/3 đưa ra một tuyên bố trên Weibo rằng họ không có bất cứ lập trường chính trị nào chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Trong khi đó CCTV nhấn mạnh cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương là hoàn toàn dối trá: "Hãy đến Tân Cương mà xem, bạn sẽ thấy một sự thật khác. Kêu gọi của H&M và các hãng trên, tưởng là để bảo vệ nhân quyền, nhưng thực chất à vi phạm nghiêm trọng công lý và lương tâm, mục đích là hủy hoại không gian phát triển của các doanh nghiệp và người lao động Trung Quốc...".
Nguyễn Hương (Theo QQ)