![]() |
Quốc Anh. Ảnh: Lan Anh |
Từng là một thủ môn tài hoa của đội CAHN, Đỗ Thành Tôn đã sớm rời xa sân cỏ. Cầu thủ này kết thúc cuộc đời khi treo cổ tự tử ngay tại nhà của bố mẹ vào đầu năm nay.
Một sự ra đi mãi mãi khác để lại bao nuối tiếc cũng đã diễn ra ở phố núi. Mỗi khi nhắc tới sự tàn lụi của những thần đồng sân cỏ, cái tên cậu nhóc Trần Thế Vọng luôn được nhắc tới. Từng toả sáng rực rỡ trên sân cỏ cho các cầu thủ nhí toàn quốc, Vọng không chỉ là niềm hy vọng một thời của phố núi Gia Lai. Tuy nhiên, em đã không tới với trái bóng tròn, giày đinh, áo số mà làm lơ xe trên những chuyến xe khách để lại bao tiếc nuối, hy vọng em có thể trở lại sân cỏ.
Nhưng rồi ảo vọng ấy đã tan biến hoàn toàn, vào đúng dịp SEA Games 2005, cậu bé phố núi sau khi tạm biệt bóng tròn đã mất vì tai nạn giao thông.
Cũng một thời lừng lẫy trên các sân bóng tuổi teen như Vọng, Đậu Sỹ Điệp từng là Vua phá lưới, Cầu thủ hay nhất ở các giải nhi đồng toàn quốc. Nhưng rồi, cái tên ấy đã tự nhiên biến mất khỏi làng bóng Nghệ An giải U13 năm ấy bởi nhi đồng "cụ" khi ấy đã 17 tuổi chứ chẳng phải mới 11 như đã đăng ký.
Nạn gian lận tuổi còn đẩy nhiều cầu thủ khác rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Là thủ môn hay nhất giải U15 toàn quốc Huỳnh Xuân Phát núp dưới cái tên Huỳnh Kim Đại khi đã 18 tuổi. Nhưng cũng bởi nỗi lo sợ của những người đã khai man tuổi cho Phát, cầu thủ này đã bị đội bóng quê nhà ép phải bịa lý do để xin khỏi đội U17 toàn quốc. Không thực hiện được khát khao của mình, khi ấy, Phát đành đi hành nghề cắt tóc.
Những ngày SEA Games 2005 "định mệnh" cũng chứng kiến nhiều sự tàn lụi khác trên sân cỏ. Văn Quyến, cầu thủ "con cưng", Quốc Vượng "tiền vệ tài hoa", Quốc Anh - ngôi sao mới nổi... dù mới ở tuổi đôi mươi, cũng buộc phải giã từ sân cỏ bởi dính tiêu cực. Sự ra đi của những cầu thủ tuổi 20 ấy đã khiến niềm tin vào bóng đá sạch sút giảm nghiêm trọng. Quốc Anh vụt tắt dù chơi hay, nhiệt tình vì không thoát khỏi cám dỗ của đồng tiền. Nhiều người hâm mộ thất vọng tới mức than thở: "Quốc Anh mà còn bán độ, thì biết tin ai bây giờ".
Ngoài những sự chia tay đau lòng ấy, năm 2005 cũng chứng kiến nhiều lời giã biệt sân cỏ đáng tiếc bởi chấn thương. Xinh đẹp nhưng hoa khôi sân cỏ Ngọc Châm không chỉ là bình hoa di động trên sân. Tài năng của tiền vệ này đã giúp cô luôn có suất trong đội tuyển quốc gia. Chỉ mới 20 tuổi, nhưng chấn thương dây chằng dai dẳng suốt 2 năm qua đã khiến Châm không còn đủ lòng kiên nhẫn.
Với bất cứ VĐV nào, nỗi sợ lớn nhất chính là chấn thương. Cũng chính bởi thế, dù có sức chịu đựng bền bỉ hơn, nhưng 4 năm dài uống thuốc, lên bàn mổ, sang Đức, gặp các bác sĩ hàng đầu đã cướp đi tất cả lòng ham muốn ra sân của Đặng Thanh Phương.
Ban Mai