Trước thái độ khăng khăng của cô con gái tuổi teen, mẹ cô bé mất hết kiên nhẫn và đã nặng lời với cô. Xung đột giữa cha mẹ và con cái thường xảy ra chỉ vì những chuyện tưởng chừng vụn vặt như thế!
Bất kì một người bình thường nào cũng sẽ "được" trải qua một giai đoạn cực kì thú vị trong đời người. Trong giai đoạn đó, những thay đổi tâm sinh lí lần đầu tiên được ghi nhận. Người trong cuộc hoang mang, trở thành một chú ốc sên ngơ ngác giữa cuộc đời rộng lớn. Người xung quanh băn khoăn, khó hiểu dẫn đến ngờ vực, ngộ nhận... Người cần được giúp đỡ thì thu mình, xấu hổ không dám thắc mắc, người nên giúp đỡ, cảm thông thì lại cảm thấy khó chịu, cấm đoán... Khi con cái bạn bắt đầu vào tuổi dậy thì con bạn cư xử như thế nào? Và bạn sẽ đối xử với chúng ra sao? Chúng ta hãy tìm câu trả lời trong cuốn sách của S. Yamuna - "Sao chẳng ai chịu hiểu con".
Những xung đột chưa được giải quyết trong suy nghĩ của một trẻ vị thành niên luôn biểu hiện ở việc học hành sa sút hoặc thay đổi lối cư xử. Các bậc cha mẹ cần nhận ra sự thay đổi này ở con cái và nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý nếu nghiêm trọng. Nếu cha mẹ biết xử lý tình huống đó đúng phương pháp, có sự hướng dẫn thì sẽ ngăn được sự thay đổi trong hành xử của con cái. Việc giúp đỡ con vượt qua giai đoạn nhạy cảm của tuổi vị thành niên phụ thuộc rất lớn vào phương pháp giáo dưỡng của cha mẹ, trừ trường hợp đứa trẻ đã gặp những khó khăn bất thường từ nhỏ.
Cuốn sách đưa ra một số vấn đề quan trọng thường gặp ở trẻ vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi như:
- Tuổi vị thành niên thời kỳ chuyển giao.
- Giáo dưỡng trẻ vị thành niên.
- Chuyện học hành.
- Trẻ vị thành niên với vấn đề giới tính và tình dục.
- Chăm sóc sức khỏe vị thành niên.
- Kĩ năng sống.
- Khoảng cách giao tiếp.
Vị thành niên là giai đoạn hình thành nhân cách, vì vậy, bố mẹ phải tạo sự thoải mái để con cái cũng cảm thấy có thể dễ dàng bày tỏ về những nỗi buồn, niềm vui trong những mối quan hệ rất mới mà chúng đang nuôi dưỡng, chăm chút cũng như những băn khoăn mà chúng không thể nói cùng ai.
Đừng nhắc đến những cụm từ đầy cứng nhắc như: giáo dục cho trẻ vị thành niên, chăm sóc sức khỏe cho trẻ vị thành niên, những điều trẻ vị thành niên nên biết... Dĩ nhiên bọn trẻ cần những điều đó nhưng không phải là mang tính chất sư phạm, như một bài thuyết giảng khiến chúng từ ngượng ngùng đến chán nản. Hãy nói chuyện với chúng như một người bạn, một người bạn lớn luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu chúng.
Tác giả cuốn sách - tiến sĩ S.Yamuna là một bác sĩ chuyên khoa trẻ em và thanh thiếu niên. Bà có thể cố vấn về những vấn đề liên quan đến tuổi vị thành niên như phát triển tâm, sinh lý, các vấn đề xã hội hay tình dục cho trẻ vị thành niên. Bà từng làm cố vấn cho rất nhiều tổ chức về tăng cường nhận thức về sức khoẻ và phát triển của tuổi vị thành niên cho cha mẹ, thày cô giáo, các bác sĩ nhi khoa, chuyên khoa cũng như các nhà hoạch định chính sách. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể hoàn toàn tin tưởng vào những ví dụ chân thực và sống động trong cuốn sách. Những ví dụ này mang đến cho bạn những giải pháp cho bạn và những đứa con thân yêu.
Sao chẳng ai chịu hiểu con là cuốn sách thực sự cần thiết cho những ai đang làm phụ huynh của những cô bé, cậu bé tuổi từ 10 đến 19 đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ sự phụ thuộc vào bố mẹ để trở thành một người trưởng thành thực thụ.
Hạnh Lê
***
5 độc giả có comment chia sẻ suy nghĩ về bài viết trên hoặc các tình huống "đau đầu" mà các bậc làm cha làm mẹ hay các cô cậu bé tuổi teen gặp phải nhanh nhất sẽ được tặng một cuốn Sao chẳng ai chịu hiểu con của S.Yamuna do Nhà sách Trí Tuệ tài trợ.