New Window Cafe một chiều hè oi bức, 3 cô nàng trẻ măng, áo 2 dây trễ tràng, quần bò bạc Diesel để lộ nội y CK thủng thẳng bước vào. Mặc cho những ánh mắt soi mói của các anh chàng trong quán, 3 nàng nhẹ nhàng lôi từ chiếc túi Ipa Nima ra 3 con O2 mini màu bạc mới cóng rồi chẳng cần dùng đến bút, dí thẳng những móng tay sơn bóng, lướt nhoay nhoáy lên màn hình đăng nhập vào Yahoo Messenger. Tách cappucino còn chưa kịp tan hết bọt, các nàng đã kịp “bắt sóng” với 2 anh đầu đinh ngồi cạnh. Sau vài tin nhắn qua bluetooth, họ trao đổi nick Yahoo và số mobile với nhau rồi nhanh chóng sáp vào ngồi chung, nói cười hỉ hả.
Cafe wifi là nơi dân chơi thi thố các loại Laptop đời mới nhất (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ). |
Trung, anh chàng trong hội dân chơi “hitech” nói trên khẳng định, hiện nay nếu chỉ có xe đẹp, ví dày, gái xinh ngồi sau thì mới chỉ được liệt vào hạng ăn chơi trọc phú. Dân chơi thứ thiệt bây giờ, ngoài mấy món cơ bản đó, phải toát ra vẻ “có học”, hiện đại và cách nhanh nhất để có được “chất” đó, ít nhất ở vẻ bề ngoài, là những trang bị hitech bên người. Những món đồ công nghệ cao làm nên đẳng cấp của giới sành điệu gói gọn trong 3 thứ điện thoại, laptop và máy nghe nhạc MP3. Bĩu môi khi nhìn thấy một tên 8x vung vẩy chiếc Samsung D500 đen bóng trong tay, Trung lên giọng hiểu biết: “Chỉ trẻ con với đàn bà mới khoái ba món điện thoại màu mè, nhạc nhẽo của Hàn Quốc mà thôi. Sành chơi bây giờ xài tệ nhất là smart phone của Nokia còn đỉnh cao vẫn là Pocket PC (điện thoại-máy tính) và PDA. Có chơi mấy đồ này thì mới có thể lướt web, chat chit trong khi ngồi cafe được chứ”.
Quốc Khánh, dân du học Hà Lan, hiện làm cho ngân hàng City bank, thuộc diện tự làm tự chơi, thì cam đoan: “Trừ những em óc ngắn chân dài, còn muốn kiếm loại vừa xinh vừa có học thì không chỉ có tiền là đủ. Các em chỉ kết những thằng trông hiện đại và sành điệu một cách trí thức. Tất nhiên, mình sắm những đồ hitech như vậy mục đích chính vẫn là công việc chứ không phải để cưa gái song không thể phủ nhận ‘đẳng cấp’ kín đáo mà chúng mang lại cho chủ nhân”. Dù tự nhận là hơi “phô” nhưng thành thói quen, chiều nào tan sở, Khánh cũng khư khư chiếc laptop IBM ThinkPad, tay cầm Pocket PC O2 XDAII còn trên tai thì đeo dính chiếc headphone của máy nghe nhạc Ipod mini lòng vòng tới các quán cafe xịn ở Hà Nội. Tính sơ sơ, muốn đạt được “đẳng cấp” như Khánh và hội bạn, khoản tiền đầu tư ít nhất là gần 3.000 USD: khoảng 1.500 cho máy tính, 1.000 nữa cho điện thoại và 300 cho chiếc máy MP3.
Để phục vụ cho các món đồ chơi của dân sành điệu, không ai bảo ai, các quán cafe “đỉnh” nhất Hà thành đồng loạt nâng cấp hệ thống wifi (internet không dây). Nếu như trước đây 1 năm, café wifi còn đếm được trên đầu ngón tay và chỉ dành riêng cho dân IT thì giờ đây chúng đã xuất hiện nhan nhản. Từ điểm khởi đầu là wifi cafe 117 Mai Hắc Đế thì hiện nay dẫu có ngồi ăn bánh ngọt tại Paris Deli hay uống cafe ở Highland, dân chơi vẫn có thể vào mạng “ầm ầm” nếu có trong tay Laptop hoặc Pocket PC. Anh Lê, manager của một quán bar - café lớn trên đường Điện Biên Phủ, cho biết: “Không đầu tư là mất khách ngay. Bên cạnh đó giá thành cũng không quá tốn kém bởi chỉ cần lắp 1 đường ADSL cùng một router phát sóng tầm 100 USD là đã có một hotspot (điểm phát sóng wifi) rồi. Để download thì hơi chậm chứ chat chit hoặc chơi game như phần lớn khách hàng thì vô tư".
Tay chơi cũng có ba bảy đường
Dạo một vòng quanh các quán wifi Hà Nội thì thấy nhận xét của Lê quả không sai. Mang tiếng là xách laptop đi làm việc nhưng đa phần dân chơi chỉ ngồi chat, “chiến” game online hoặc kết nối bluetooth để đấu trò chơi với nhau qua điện thoại. Một số khác mới lên đời máy thì đơn giản chỉ ngồi uống nước và ngắm nghía món đồ sành điệu của mình một cách hả hê.
Hương là sinh viên ĐH Dân lập quản lý kinh doanh với mơ ước “giản dị”: “Muốn trở thành một doanh nhân thành đạt”. Chẳng hiểu bị bạn bè khích bác thế nào mà đang xài quá ổn chiếc Nokia 7260 “huyền thoại đương đại” cô nàng lại nằng nặc đòi đổi sang O2 mini cho “đúng chất nữ doanh nhân”. Bỏ ngoài tai lời khuyên ý nhị của anh bạn trai rằng “O2 khó dùng lắm em ơi”, cô quyết định chi ra ngót nghét 8 vé để sở hữu chiếc “dép tông” nho nhỏ. Đã 2 tuần dùng O2 nhưng Hương chỉ biết mỗi chức năng chụp ảnh cùng nghe nhạc. Đã thế, chiếc điện thoại quá khổ khiến cô chỉ còn cách để ở túi xách và liên tục phải thanh minh với người yêu vì lý do “sao anh gọi mà em không thèm nghe máy”. Chán chường với “quả công nghệ cao”, Hương quyết định bán lại O2 sau khi chấp nhận lỗ tới vài triệu đồng.
Dùng quen wifi ngoài quán, về nhà, Hùng nhất định đòi “ông bà già” lắp thêm internet không dây để có thể vác máy tính vào giường buôn chuyện với em yêu. Đến một hôm, mẹ cậu về nhà sớm và chợt hoảng hồn khi nghe thấy tiếng gõ bàn phìm rào rào phát ra từ… toilet. Tò mò ngó vào, bà suýt ngã bổ chửng khi thấy cậu quý tử kê laptop lên đùi chat say sưa trong khi đang “ngự” trên “American Standard”…
Là con một quan tỉnh về Hà Nội ăn học, chỉ trong 2 năm, Việt đã lên 3 đời xe từ @ tới Dylan rồi SH. Chán xe 2 bánh, Việt đang ỉ ôi đòi bố mua ôtô với lý do vô cùng chính đáng “Con đi đâu cũng phải xách laptop theo để học mà cốp xe máy lại chẳng để vừa…”.
Không ít người vẫn có thể "ngồi cafe' mà vẫn ra tiền". |
Khác với hội dân chơi theo phong trào trên, những tay sành sỏi về IT thường tụ tập ở những quán wifi ít “màu mè” hơn nhưng tốc độ mạng nhanh và có phong cách chuyên nghiệp do được điều hành bởi người trong nghề như “My PDA”, 20 Trần Quốc Toản hay cafe Align ở Hàng Cân... Tại đây, ngoài cơ hội cập nhật kiến thức về Công nghệ thông tin, đồ hoạ, khách hàng còn được chủ quán tư vấn về máy móc cũng như tiến hành trao đổi buôn bán "đồ nghề" với nhau.
Ngoài dân IT, giới làm ăn ở khu phố cổ vẫn tỏ ý nể phục cách “ngồi cafe ra tiền” của một cô chủ trẻ shop đồ hiệu trên phố Hàng Bông. Tối tối cô xuất hiện đều đặn ở các vũ trường, quán bar để xả stress và cũng là cách giao lưu với khách hàng. Sáng: quán xuyến các việc ở cửa hàng còn chiều muộn xách laptop Sony Vaio mỏng dính lên ngồi Paris Deli. Qua một forum trên mạng Internet, cô xem xét các mẫu quần áo, đặt hàng và thiết lập được hẳn một đường dây chuyên xách đồ hiệu, mỹ phẩm về VN gồm toàn các sinh viên du học và Việt kiều. 3 tuần một lần, sau khi đặt hàng trước trên Internet, cô lại trực tiếp bay sang Sing ôm về đủ 30 kg hành lý miễn cước đầy chặt quần áo.
Khánh Linh