![]() |
Dụng cụ thể thao - hàng xịn, hàng hiếm ngày càng có sức hút với người mua sành điệu. |
Thầy Lan dạy tennis có tiếng tại TP HCM kể: "Mua sắm đồ thể thao đối với các đại gia chỉ là chuyện nhỏ. Một hôm, một cự phú gọi điện bảo tôi dạy quần vợt cho cô "em họ" và nhờ tôi đưa giùm cô em đi sắm bộ đồ nghề. Chưa đầy 10 phút sau, chiếc xe hơi BMW mới cứng đỗ xịch bên sân bóng đưa về T.Sports mua sắm. Vào cửa hàng, chỉ nhìn thoáng qua, cô chọn những thứ đắt tiền nhất gồm 2 cây Wilson model mới nhất, 2 đôi giày Reebok của Anh, 5 bộ đồ hiệu Nike gợi cảm nhất, rồi nào vớ, nào chặn mồ hôi, nào miếng dán cơ, nào phấn nước thoa tay hiệu Prince, nào dầu nóng... Tính bill sơ sơ "chỉ" có hơn 1.000 USD một chút. Thật tình tôi hơi bị choáng...".
Tháng 4 năm nay, sau khi "xuống núi", Tùng, đang là trưởng phòng của một công ty nước ngoài, được ông thầy dẫn đi mua vợt. Cây Prince Attack 1050 màu xanh cực đẹp được hét giá 155 USD. Thực ra, lúc đầu Tùng chỉ nhắm vào cây Wilson L5 khoảng 100 USD thôi nhưng thấy cô nhân viên bán hàng vừa xinh xắn lại vừa "tán" dẻo quá nên... chơi luôn. Nay muốn đổi vợt, mang cây Attack ra, họ thu vào... 600 nghìn đồng và gợi ý lấy chiếc Wilson Radical sản xuất tại Áo với giá 2,7 triệu. Chỉ vài tháng mà mất đứt trên 4 triệu đồng cho khoản tiền vợt kể cũng xót xa nhưng đành bấm bụng cười... trừ vì đó là tiền "thời trang" đấy.
Không đổi thì cũng chẳng chết ai, nhưng cứ vợt cũ chơi hoài, nhiều khi cũng hơi... ngượng. Còn Thành, một ông chủ mới phất nhưng ăn chơi theo kiểu quý tộc và xài tiền như giấy thì có ý thích sưu tập vợt Babolat, vốn nổi tiếng thế giới bằng chất liệu lưới làm từ ruột dê. Hễ ra cây nào mới nhất là có người mang ngay đến sân để giao hàng. Mục đích của Thành là muốn khoe cho mọi người biết mình đã sở hữu một món hàng hiệu cao cấp và đắt tiền. Nhưng sâu xa hơn, theo những đại gia máu me tennis, là để dùng làm quà tặng khi đấu với các "sếp lớn". Chỉ cần bỏ nhỏ: "Anh chơi thử cây này của em xem sao, có trợ lực một chút nhưng đánh rờ-ve thì đối thủ chịu không xiết đâu. Anh thích không, anh lấy xài đi, em còn dư vợt mà".
Pháp, một cầu thủ mới tập bóng đá nghiệp dư tới đại lý Adidas trên đường Hai Bà Trưng (TP HCM) hỏi mua đôi giày đinh xịn (gần 3 triệu đồng) mà anh ta xem qua ti vi thấy các danh thủ trên thế giới vẫn thường mang thi đấu. Nhân đấy, bà chủ shop xởi lởi: "Độ vài năm trước đây, rất ít người dám bỏ ra vài triệu bạc để mua một cây vợt tennis hay một đôi giày xịn nhưng nay thì mỗi ngày tôi tiếp khá nhiều khách, sang trọng có, bình dân có, già có, sồn sồn có, trẻ có... Hôm nọ có một bác lớn tuổi ở Củ Chi cho biết bên cạnh nhà mới mở mấy sân quần. Thấy nhiều người tuổi đang hồi xuân chơi rất khí thế, con cháu khuyên đi tập cho khỏe nên đã bán ít công đất để sắm sửa đồ nghề và kiếm thầy để "tầm sư học đạo"...".
Theo Thanh Niên, đối với quý nàng thì hơi khác, họ thường dùng hàng hiệu để tôn lên đôi chân dài và thân hình gợi cảm. Để đi bơi, đồ tắm Xuân Thu cũng đã là khá chuẩn, nhưng các tiểu thư luôn chọn hiệu Speedo nổi tiếng của xứ sở chuột túi mà giá một bộ cũng trên nửa triệu; hoặc đơn giản như môn chạy bộ hay thể dục thẩm mỹ, họ cũng chỉ chọn quần short Nike hay Adidas ngắn cũn để dễ bề... đập vào mắt mọi người.
Hiện nay, nhiều người chơi thể thao cao cấp đã có thêm thói quen mới là mua đồ theo cả sê-ri. Vợt thì 2-3 cây, giày thì 4-5 đôi, quần áo thì 9-10 bộ, còn các phụ tùng khác thì vô số kể. Thành nói: "Thực ra dụng cụ chơi thể thao xịn phải đi liền với những "phụ kiện" cao cấp khác như điện thoại di động đời mới, xe hơi, hoặc tệ lắm cũng phải "phấn đấu" một chiếc xe "xuồng". Nếu không thì quê lắm".
Vào mùa hè oi bức hay giáp Tết, khi các khu giải trí thể thao đa năng, các sân tennis, hồ bơi, phòng tập thể dục thẩm mỹ, sân bóng đá, sân cầu lông... thu hút đông đảo khách chơi thì các cửa hàng bán dụng cụ thể thao cũng bước vào vụ mùa "ăn nên làm ra" và cuộc cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn. Yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng là cửa hàng đó phải có điều gì thật độc đáo.
Chẳng hạn như hàng hiệu độc nhất, mới nhất và đắt nhất để đáp ứng cho giới thượng lưu đam mê thể thao. Anh Hoàn, chủ tiệm trên đường Huyền Trân Công Chúa cho biết: "Mới đầu khi chưa có mối thì bán hơi khó nhưng khi đã có được khách hàng sộp thì khỏi phải lo. Các đại gia thường đặt cọc tiền trước để tôi yên tâm nhập hàng về. Hàng hiệu hiện nay sản xuất ở khắp nơi trên thế giới nhưng thường thì từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore... nhưng khách chỉ thích xuất xứ châu Âu hay Mỹ.
Chuyện bán hàng độc thì chỉ dựa vào cách truyền miệng là chính, các đại gia mách nước nhau, thế là có khách ra vô mua hàng thường xuyên. Đối với họ, giá cả không thành vấn đề, miễn là hàng tốt, hàng xịn. Thậm chí giá càng cao, hàng càng hiếm càng dễ bán. Có cây vợt tennis trị giá trên 1.000 USD bán vèo một cái là hết".
Tuy nhiên, trên thị trường hàng thể thao hiện nay, hàng hóa tràn ngập, đủ loại, đủ nhãn hiệu dễ khiến người mua bị hoa mắt. Không những thế, hiện tượng hàng giả, hàng nhái đang tràn lan. Các sản phẩm đặc biệt là quần áo hiệu và giày bị ăn cắp mẫu mã rất nhanh, khách hàng rất dễ bị "bé cái lầm". Có thời gian, quản lý thị trường đã bắt hàng tấn hàng giả mang nhãn hiệu Adidas, Nike... Nam, đại lý độc quyền của hãng giày nổi tiếng than thở: "Từ giày, quần áo... đều có loại mang mác hãng nhưng rẻ nửa giá hoặc một phần ba. Thoạt nhìn, hàng giả trông giống hệt hàng thật, chỉ có những người thường dùng mới phát hiện ra. Bọn làm giả đánh trúng tâm lý người mua thích hàng xịn mà giá bèo"...
Trong thời buổi cạnh tranh, các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh hàng thể thao thường đưa ra các chiêu tiếp thị rất độc đáo như giảm giá, đưa nhân viên giới thiệu đến tận nơi, tài trợ cho các ngôi sao nổi tiếng... Tuy nhiên, cách làm hiệu quả là bỏ tiền đầu tư hợp tác mở cửa hàng cho các danh thủ để kinh doanh thương hiệu. Chính sự tỏa sáng của Lê Huỳnh Đức trên sân cỏ đã đem đến cho trung phong này cơ hội thành công ở lĩnh vực kinh doanh.
Một xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể thao đã kết hợp với Đức mở cửa hàng mang tên anh và doanh số tăng vọt. Nhờ được du đấu nhiều ở nước ngoài, quen biết nhiều danh thủ nên Đức tìm được nhiều món hàng ngoại xịn với giá cả rất cạnh tranh. Một đại gia từng đánh tiếng sẽ mở cửa hàng cho Văn Quyến tại TP HCM và Hà Nội nhưng kế hoạch bất thành vì Quyến quá bận rộn do tập trung thi đấu cho CLB và các giải đấu quốc tế.
Một số danh thủ khác như Huỳnh Hồng Sơn (CSG) mở shop trên đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Văn Sỹ tại Nam Định.... Các cửa hàng này thu hút khá đông bạn trẻ đến mua. Một phần muốn được gặp mặt thần tượng của mình, mặt khác được chính danh thủ hướng dẫn cách sử dụng dụng cụ, giày vớ thế nào cho phù hợp với trình độ và điều kiện sân bãi... điều mà ở những cửa hàng khác không dễ có được...