- Người ta chỉ nói đàn ông ngoài 30 là đang ở giai đoạn chín chắn nhất để gây dựng sự nghiệp hay lập gia đình. Anh thì cho mình đã già, vì sao vậy?
- Bạn bè rủ đi vũ trường, bar... tôi từ chối hoài và bị phàn nàn, đang trong lúc không biết lấy lý do gì để giải thích thì có đứa bạn nói: "Mày già quá rồi!", thấy cũng đúng, thôi thì lấy đó làm câu trả lời luôn. Có thể hết hứng thú đi chơi như giới trẻ thì tự cho mình là già. Già được nhanh cũng nên già vì cũng có hướng tốt. Ít ra thì tôi không phải vật vã thức dậy làm việc sau một đêm vui chơi đình đám nào đó.
- Nếu không phải là việc đi vũ trường, bar... vẫn có những cách khác để giữ tuổi trẻ. Anh nghĩ sao?
- Tuổi trẻ từ năm thứ nhất đại học đến khi ra trường, 5-6 năm đã là quá đủ. Hồi đó tôi đi chơi rất nhiều, thời gian đi chơi thậm chí nhiều hơn thời gian học. Có khi 6h30 phải vào lớp, tôi đi chơi đến 5h sáng. Bạn bè và thày cô đều biết chuyện đó.
Có thể trước khi vào đại học, tôi đã sống chăm chỉ và mẫu mực quá nên khi không có "điểm danh" thì đi chơi cho sướng. Còn bây giờ chính là thời gian phải gây dựng. Ở tuổi này, cùng hoàn cảnh "không ai điểm danh mình nữa", nhưng tôi có những ràng buộc khác. Cảm thấy mình cần đằm hơn.
Nhà thiết kế Công Trí. |
- Xuất hiện ở những nơi sang trọng, giao tiếp với những con người thành đạt, danh tiếng... có người nghĩ anh rất sành trong những khoản ăn chơi. Thực sự anh sành tới mức nào?
- Nếu nói tôi biết hưởng thụ thì đúng hơn là "sành ăn chơi". Tôi biết kiếm tiền, biết xài tiền và biết giúp người khác. Biết cho và biết nhận. Có thể những cái mình nhận sẽ khác những cái mình cho đi, nhưng ý thức được hai việc đó đi song song thì tôi cho rằng mình đang biết hưởng thụ cuộc sống.
Còn khoản ăn chơi mà mọi người nghĩ là gì? Nhậu li bì, hay đi nhảy thâu đêm suốt sáng? Không phải tôi chối, nhưng thật tình là không đủ sức khỏe để làm những chuyện đó. Đã nói là mình "già" rồi nên cũng không thể ngồi nghe nhạc xập xình, uống rượu quá say. Tôi ít tham gia những cuộc vui như vậy vì đơn giản tôi không hứng thú chứ không phải vẽ ra cho mình hình tượng là một tấm gương đẹp đẽ.
Mỗi người sinh ra một cách suy nghĩ. Có những người nghĩ sinh ra làm ít thôi, rảnh rỗi nhiều cảm thấy thích hơn. Tôi thì thích làm việc, thấy mình đỡ trống trải, quên đi muộn phiền. Có lúc túm lấy công việc, nó lôi mình đi một cách nặng nề, nhưng suy cho cùng thì tôi thích công việc nhiều hơn thấy mệt vì nó.
- Không là một tấm gương, nhưng khi soi gương anh thấy mình là người thế nào?
- Sắc sảo và thân thiện. Có những người thông minh thì người ta đón nhận sự sắc sảo bằng sự thích thú. Còn với những người không thông minh lắm thì có thể người ta nghĩ người này dữ quá. Thân thiện với những người thông minh và không thông minh người ta đều thích, vì đó là cảm giác gần gũi dễ nhất.
- Anh nhìn mọi việc theo nguyên tắc rất đơn giản, vậy mà xung quanh không ít người cho rằng Công Trí lạnh lùng bí hiểm. Anh tự giải thích việc này ra sao?
- Nói gì ngoài đời, ngay khi tôi vào chùa, thày cũng nói thấy tôi là thấy sự lạnh lùng, u uất, một người vô thần, không có gì hứng khởi. Thày khuyên tôi phải nên trút bớt muộn phiền. (Cười) Biết làm sao bây giờ, mỗi người sinh ra có một cấu trúc khuôn mặt khác nhau, trong lòng tôi có gì nặng nề đâu. Khổ và thiệt hại cụ thể nhất từ gương mặt là nhiều khách hàng mới gặp, không dám tiếp xúc với tôi vì họ cho rằng tôi lạnh như băng.
- Có một thương hiệu nổi tiếng như hiện nay, thực tế, anh đối xử mềm yếu hay thép với khách hàng?
- Tôi không kinh doanh ngoài nguyên tắc khách hàng là thượng đế. Khách hàng lúc đúng, lúc sai, nhưng cung cấp dịch vụ thì phải chấp nhận họ đúng. Có những trường hợp khách muốn cái này, muốn cái kia, tôi biết không hay, không đẹp thậm chí không đúng, nhưng thuyết phục không được thì cũng phải làm theo ý họ. Làm đúng yêu cầu xong, nhiều khi bị quay lại đổ ngược: "Lỗi tại anh, sao lại làm như vậy?". Tôi hoàn toàn có cơ sở để nói lại, nhưng thường không làm như vậy.
Tôi dùng cách nhận lỗi về mình để gỡ rối cho một xung đột nào đó. Thực tế, khi ai đó bị đổ lỗi thì họ luôn tìm cách bảo vệ mình và có khuynh hướng quên sự thật. Khi lỗi về người khác thì người ta sẽ bình tâm hơn, người thông minh thì sẽ hiểu ra lỗi là của ai, những người háo thắng, hiếu chiến một chút thì... cũng không sao.
- Đó là quan điểm, còn thực tế, anh có thể cũng là một người "bị đổ lỗi thì họ luôn tìm cách bảo vệ mình". Anh nói sao?
- Tôi nghĩ không khó để làm những gì mình vừa nói. Tôi luôn sống và suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày bằng một cách đơn giản và bình thản nhất. Không có chủ trương "chặt chém" để đối xử với nhau. Trên nguyên tắc của một người làm kinh doanh, dù lỗi của ai, có thể tôi sẽ nhận về mình.
- Còn đứng trên cương vị của một người bình thường thì sao?
- Tôi không đủ can đảm để làm điều đó, như vậy thì sẽ tạo nhiều bức xúc lắm. Trong quan hệ tình cảm với bạn bè, người yêu, đâu phải nhận hết lỗi về mình là đúng. Dù vậy, trong cảnh giận nhau, lỗi của tôi hay của ai, tôi sẽ là người mở lời trước.
Thời đi học, tôi rất cứng đầu. Chắc có chút máu kiêu hãnh trong người nên không bao giờ gọi điện trước hay xin lỗi trước. Trải qua nhiều biến đổi trong cuộc sống, tôi thấy thực sự hơn thua những chuyện đó cũng chẳng được gì.
Có những cuộc giận hờn kinh khủng, nếu không lựa lúc nào đó để làm hòa thì khó mà giữ lại được mối quan hệ. Bạn bè xung quanh tôi bây giờ ai cũng kiêu hãnh hết, tôi ít bạn nên chọn phương án hai trong 3 phương án: đợi điện thoại, chủ động gọi và đạp đổ.
- Đã bao nhiêu lần anh đạp đổ?
- Cũng có vài lần đạp đổ nhưng không tiếc lắm. Giận và không nói chuyện với ai đó cũng khó chịu chứ, nhưng khi mình vượt qua được cảm giác đó thì thôi, không có gì phải nghĩ nữa.
- Anh đang nhận hết mọi sự không hay về mình để giải quyết cho cuộc sống xung quanh diễn ra trơn tru hơn. Anh nghĩ gì về những áp lực mà mình phải gánh chịu?
- Tôi không lý tưởng như bạn nói, nhưng tôi đối đầu với những trở ngại trong cuộc sống của mình bình thường giống như con người ta hắt xì, xổ mũi vậy thôi. Lúc trước, có nhiều lúc tức giận cũng đập đồ, đập điện thoại. Sau đó biết quý điện thoại hơn nên chuyển qua tự dày vò bản thân mình.
- Anh cảm thấy thế nào sau những điều đó?
- Mệt mỏi thì đương nhiên rồi, nhưng đôi lúc mình cảm thấy cũng có khiếu trong việc giải quyết những ưu phiền của người khác. Đứng trước một tình huống khó khăn, tôi tự tin có thể giải quyết được bằng cách này hay cách khác. Thậm chí, có những cái người ta sai chứ không phải tôi sai mà tôi cũng có thể nhịn.
- Bị một áp lực trong tình cảm và công việc, với anh điều nào dễ chịu hơn?
- Công việc. Nếu áp lực chuyện vì tình cảm mà không khéo léo thì khó gỡ lắm. Công việc thì có nhiều đường, do tài năng, sự tháo vát của mình hoặc cũng có thể có người khác giúp đỡ.
- Người ngoại hình trẻ, tâm hồn (tự nhận) là già như anh thì nghĩ thế nào về chuyện tình yêu?
- Người ta đưa ra những trạng thái khi yêu như: yêu hết mình, yêu say đắm... Tôi nhớ và thích câu nói của một ai đó, "tình yêu như con bướm, khi nó đậu vào người nào thì người đó bỗng hóa thành điên khùng". Với tôi, người yêu như một phần cơ thể, không thể tách ra được. Có thể tôi là do tôi tự mình ràng buộc mình.
- Khi "điên khùng", anh làm gì với "tay chân" của mình?
- Khá "độc tài", để được cảm giác là mình có thể che chở cho người khác. Tình yêu không có gu chuẩn, và cách của tôi là lo cho người yêu. Tôi thấy thoải mái vì điều này hơn là nhận được sự quan tâm.
- Quan điểm khá rõ rành, mạch lạc về cuộc sống, công việc, trong tình yêu anh lãng mạn hay thực tế?
- Thí dụ như đi ăn quán cóc hoặc hay đi chơi ở một xa thì có được coi lãng mạn không? Lãng mạn kiểu tặng 1.000 đóa hoa hồng không phải kiểu của tôi.
- Xung quanh là những con người thành đạt, danh tiếng, bản thân anh cũng như vậy. Trong hoàn cảnh đó, tình yêu đến thuận lợi hay khó khăn hơn những người bình thường?
- Vì sao những người làm công việc có chút gì đó của công chúng thì phải có cuộc sống khác biệt? Hay công chúng nghĩ rằng họ phải có sự khác biệt? Tôi cũng là một con người bình thường, từng cô đơn, từng chia tay... Có lúc mở lòng để tạo những mối quan hệ bình thường hoặc hơn mức bình thường với một ai đó, nhưng cuối cùng vì nhiều lý do (trong đó có cả áp lực công việc), cuối cùng đành khép lại.
- Nếu được cho thêm sự thành công, hơn cả hiện nay, anh muốn đó sẽ là tình yêu hay sự nghiệp?
- Thành công có người nhìn ở khía cạnh vật chất, có người nhìn ở khía cạnh tinh thần. Nhưng hai điều này đâu thể nào giải quyết tuyệt đối. Thành công nữa? Tốt quá, tôi hy vọng đến ngày đó - một ngày tôi gặp bạn không cần phải nói những chuyện tương tự như "áp lực".
(Theo Cẩm Nang Mua Sắm)