![]() |
NSND Đặng Thái Sơn. |
- Cảm giác của anh như thế nào khi được dàn nhạc của nhà hát nhạc kịch Budapest đệm cho mình?
- Khi nhận lời với ban tổ chức của Toyota trình diễn trong tour của họ năm nay, tôi đã vui mừng nhưng cũng hết sức thận trọng. Vì dàn nhạc của Nhà hát nhạc kịch Budapest là một dàn nhạc chuyên chơi cho các vở nhạc kịch chứ không phải đệm cho nghệ sĩ solo. Hơn nữa, tác phẩm của Grieg mà tôi sẽ chơi trong dịp này có thể gọi là biểu tượng của nhạc trữ tình, hàm chứa cả sự trầm lắng và sôi nổi của dòng nhạc lãng mạn thế kỷ 19.
Vì thế lần đầu tiên trong cuộc đời lưu diễn của mình, tôi đã phải bay trước sang Budapest và ở đó bốn ngày để tập phối hợp cùng dàn nhạc. Tôi đã gặp và làm việc riêng với chỉ huy dàn nhạc, nghe họ tập và sau đó cùng biểu diễn. Tôi hy vọng cách dàn dựng ở Budapest sẽ được lặp lại 100% ở VN.
- Đã 25 năm từ khi anh đoạt giải nhất cuộc thi Chopin, tháng sáu vừa rồi anh lại vừa được ngồi ghế giám khảo chính cuộc thi ấy, cảm xúc của anh thế nào?
- Không những được mời làm giám khảo, tôi còn được mời chơi solo trong đêm concert gala, được tổ chức ngay trong những ngày thi. Chơi cùng tôi là Dàn nhạc giao hưởng Warsaw. Trước tôi chỉ có hai người có vinh dự ấy, đều là những bậc thầy của tôi, và từ những năm 1970.
Vì vậy tôi khá là run. Tôi đã quyết định chọn biểu diễn bản nhạc mà tôi rất quen thuộc, đó là một bản nhạc của Mendelssohn mà tôi từng chơi ở VN ba năm trước. May mà kết quả rất tốt. Ai thật sự yêu Mendelssohn có thể tìm trên mạng, vẫn còn hình ảnh và âm thanh của buổi trình diễn ấy.
Thí sinh giờ đây khác nhiều lắm so với chúng tôi ngày xưa. Nếu chỉ hoàn hảo về kỹ thuật thôi thì... không có gì đáng nói. Giữa hàng trăm người tài giỏi, điều quyết định ai hơn ai là cá tính, sự sáng tạo và sự hiểu biết về Chopin một cách sâu sắc và tinh tế. Có một thực tế mà tôi không biết nên buồn hay vui là sự bùng nổ của châu Á tại các cuộc thi nhạc cổ điển.
Trong cuộc thi Chopin vừa qua, ở vòng loại có 300 thí sinh thì có đến một nửa là châu Á, vào vòng sau có 80 người cũng có đến hơn 30 thí sinh châu Á. Vào chung kết có đến 9/12 là châu Á, đoạt giải thì có 5/6 là châu Á, tất nhiên giải nhất vẫn thuộc về thí sinh Ba Lan, nhưng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có hai thí sinh đoạt giải, sau đó là Trung Quốc, Đài Loan. Châu Á đã đi rất nhanh trong công cuộc chinh phục đỉnh cao của nghệ thuật bác học.
- Vậy theo anh, tại sao đã 25 năm rồi mà chúng ta vẫn chưa có một Đặng Thái Sơn thứ hai. Khoảng thời gian ấy đã được gọi là quá lâu chưa và chúng ta cần phải làm gì?
- 25 năm đúng là hơi dài. Và theo tôi, có lẽ là lỗi tại “phần mềm”. Đất nước đã mở cửa, chúng ta đã có cơ hội tiếp xúc với các nền văn minh, nhưng chúng ta chưa tận dụng cơ hội và cũng chưa thật sự có chính sách thu hút nhân tài.
Hãy nhìn láng giềng Trung Quốc, họ đã đầu tư cho giáo dục thật đúng hướng, họ lựa chọn đúng nhân tài, gửi đi đào tạo nước ngoài, tạo điều kiện cho họ học tập, biểu diễn, nghiên cứu ở nước ngoài, đồng thời luôn có chính sách ưu đãi khi những người ấy trở về. Các nước Đông Nam Á cũng vậy.
Cách đây 25 năm, khi tôi đoạt giải, trình độ nhạc cổ điển của họ không là gì so với chúng ta, nhưng bây giờ có thể họ đã hơn khá nhiều rồi.
Riêng Đài Loan và Hong Kong luôn mời tôi về đó sống, đưa ra những sự đãi ngộ rất cao, tất nhiên tôi không nhận lời vì nhiều lý do, nhưng có thể thấy những gì sau đề nghị ấy: họ thật sự mong muốn du nhập được những tinh hoa của văn hóa nhân loại, và họ đã và đang xây dựng một thị trường văn hóa có đẳng cấp. Chúng ta còn nhiều việc phải làm lắm.
(Theo Tuổi Trẻ)