Bác Thanh ở Hà Nội bị bệnh tim mạch. Gia đình bác khá giả lại có người cháu làm đại diện một công ty lớn của Việt Nam ở Singapore. Vừa xuống máy bay, bác Thanh và bác gái đi cùng đã được người của bệnh viện ra đón. Mọi chuyện có cô gái người Việt làm ở bệnh viện giúp đỡ, người cháu khi nào xong việc thì chạy đến chỗ hai bác. Xuất viện, hai bác về nghỉ ngơi trong một căn hộ dịch vụ sang trọng ngay trung tâm thành phố.
![]() |
Wesite của Gentle Fund Organization. |
Nhưng số người may mắn như bác Thanh không nhiều. Phần đông người Việt sang Singapore chữa bệnh đi cùng một người thân biết chút tiếng Anh, hoặc không biết tiếng Anh nhưng có người quen ở Singapore. Nếu người quen của họ có thời gian đón đưa kề cận thì cũng đỡ, nhưng đối với phần lớn trường hợp, bệnh nhân và người thân đi cùng phải tự xoay xở là chính. Vì vậy, nhiều bệnh nhân vào bệnh viện ngồi chờ mãi mà các bác sĩ, y tá không biết phải giúp đỡ thế nào vì đâu biết họ đau ốm ra sao. Cũng có trường hợp bệnh nhân khám bệnh xong không biết xoay xở thế nào để về được nhà người quen vì không bắt được taxi, hoặc đưa cho người lái taxi một cái địa chỉ mà họ cũng bó tay vì viết sai tên đường hoặc chỉ đường bằng tiếng Việt.
Rồi đến chuyện ở, chuyện ăn. Người nhà đi cùng cũng phải cần chỗ nghỉ ngơi tắm giặt và chỗ nghỉ cho bệnh nhân sau khi xuất viện. Nếu không ở được nhà người quen, tìm thuê chỗ trọ bên ngoài cũng gian nan. Đi lại trong thành phố phải dùng taxi, rất đắt đỏ. Rồi cả người bệnh lẫn người khỏe cũng cảm thấy cực hình với những bữa ăn không hợp khẩu vị, nhớ nhà, tủi thân... Muốn mua cái sim điện thoại để giữ liên lạc cũng không biết mua ở đâu, sử dụng ra sao. Trăm ngàn chuyện khó khăn..
Số người Việt sang Singapore chữa bệnh ngày càng tăng khi các bệnh viện trong nước lúc nào cũng quá tải, thu nhập người Việt Nam ngày càng cao hơn, việc đi lại giữa hai nước cũng thuận tiện hơn, không cần visa. Một thống kê từ Bệnh viện Đại học Quốc gia (NUH) và Bệnh viện Tan Tock Seng (TTS) cho biết năm 2005, hai nơi này chữa trị cho khoảng 100 bệnh nhân Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2007, con số này là trên 1.000 bệnh nhân. Vì vậy, yêu cầu hỗ trợ bệnh nhân trở nên rất cấp bách. Các bệnh viện mở ra bộ phận hỗ trợ bệnh nhân quốc tế. Còn người Việt ở Singapore cũng tạo ra các cách thức giúp đỡ đồng hương.
Hiện nay, ở mỗi bệnh viện Singapore đều có một trung tâm hỗ trợ bệnh nhân quốc tế. Trung tâm này, như tên gọi của nó, có chức năng làm cầu nối giữa bệnh nhân nước ngoài với bác sĩ chuyên khoa và các dịch vụ. Các nhân viên ở trung tâm có nhiệm vụ giải đáp thông tin, đưa đón bệnh nhân tại sân bay trong những trường hợp đặc biệt, phiên dịch, đăng ký nhập xuất viện, hẹn lịch khám, gia hạn visa, đặt giúp khách sạn... Mỗi trung tâm thường tuyển nhân viên từ nhiều quốc gia để tiện việc hỗ trợ bệnh nhân vốn cũng rất đa dạng về quốc tịch.
![]() |
Nguyễn Trí Khuê Phúc (phải) cùng gia đình một bệnh nhân sau khi xuất viện. |
Do bệnh nhân đến từ Việt Nam khá đông, bệnh viện nào cũng có nhân viên người Việt. Tập đoàn Chăm sóc sức khỏe quốc gia (NHG) với thành viên là 3 bệnh viện NUH, TTS và Alexandra cùng hơn 10 trung tâm y tế khác của Singapore đã thành lập chung một trung tâm kết nối bệnh nhân quốc tế có số đường dây nóng 24/24 là +65 6779 2777. Hỗ trợ cho bệnh nhân Việt ở hai bệnh viện NUH và Tan Tock Seng là bạn Nguyễn Trí Khuê Phúc, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Hiện nay, các tập đoàn y tế của Singapore như NHG, Singhealth, Parkway cũng đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để thu hút bệnh nhân. Bệnh viện tư nhân nổi tiếng Raffles cũng có văn phòng tại số 197 phố Tây Sơn, Hà Nội. Các văn phòng đại diện này giúp tư vấn ban đầu cho người có nhu cầu đi chữa bệnh và kết nối với phía bệnh viện để bố trí hỗ trợ ngay khi bệnh nhân đến. Các dịch vụ tư vấn phía Việt Nam cũng như hỗ trợ tại Singapore là miễn phí.
Tổ chức này, Gentle Fund Organization (GFO - www.gentlefund.org), do một doanh nhân Việt kiều làm chủ tịch và thành viên phần lớn là du học sinh Việt Nam tại NUS. Các sinh viên và cựu sinh viên khi có thời gian thì đến với những bệnh nhân đồng hương tại các bệnh viện. Thường thì bệnh nhân tìm được sự trợ giúp từ các chi nhánh GFO tại Việt Nam hoặc trực tiếp qua trang web. Có khi, bệnh nhân qua đến Singapore mới biết được GFO thì liên lạc. Cũng có khi các bệnh viện gọi đến GFO nhờ giúp đỡ vì nhân viên trung tâm hỗ trợ bệnh nhân của bệnh viện không lo xuể. Sự giúp đỡ này là hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân.
Nhờ có mạng lưới sinh viên, có cả những người Singapore, GFO cũng giúp được chỗ ở rẻ bên ngoài cho bệnh nhân khó khăn. Mạng thông tin của sinh viên Việt Nam tại NUS là một nơi cung cấp chỗ trọ tạm thời rất hiệu quả. Chẳng hạn khi một trong số những người sống cùng một căn hộ đi vắng, hoặc về quê, căn phòng trống sẽ được rao trên mạng cho những ai có nhu cầu ở tạm với chi phí khoảng 30-40 SGD một ngày đêm (tức khoảng 350.000 - 400.000 đồng), thay vì ở những nơi tiện nghi hơn chút có giá không dưới 100 SGD.
GFO có quan hệ chặt chẽ với 5 bệnh viện và trung tâm y khoa nổi tiếng ở Singapore, nên bệnh nhân Việt Nam đến những nơi này có thể nhận được sự quan tâm, chăm sóc và trợ giúp chuyên môn thấu đáo hơn. Nhiều bệnh nhân Việt Nam được vị bác sĩ đầu ngành ung thư, huyết học của Bệnh viện NUH, Quah Thuan Chong, chăm sóc như người thân. Ông đến với bệnh nhân Việt Nam bằng cả một tấm lòng bởi quý mến sự đùm bọc mà những người Việt dành cho nhau. Ngoài ra, GFO, là một tổ chức phi lợi nhuận, cũng kêu gọi hỗ trợ tài chính từ những mạnh thường quân cho một số trường hợp có gia cảnh thiếu thốn trong khi chi phí chữa trị quá cao. Có trường hợp, GFO viết thư cho Hội Ung thư của Singapore, và hội này đã giúp giảm một phần rất lớn chi phí cho một bệnh nhân.
![]() |
Chị Ánh giúp phiên dịch cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Raffles. |
Bệnh nhân Việt cũng có thể tìm đến sự trợ giúp đặc biệt ở chị Nguyễn Ngọc Ánh. Không thể ở bên cạnh bệnh nhân như người nhà, nhưng sự có mặt của chị hẳn làm người bệnh yên tâm tuyệt đối. Giỏi tiếng Anh, hiểu biết rộng về y khoa, thông thạo thuật ngữ chuyên ngành, biết rõ từng bác sĩ đầu ngành ở mỗi bệnh viện, sự trợ giúp của chị gần như đảm bảo bệnh nhân có thể tìm được nơi điều trị, bác sĩ tốt nhất cũng như tư vấn giải pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra, chồng chị, tiến sĩ Phan Toàn Thắng, người nghiên cứu ra tế bào gốc tại Đại học Quốc gia Singapore, và hiện đang là giáo sư trợ giảng khoa phẫu thuật, trưởng phòng nghiên cứu tế bào, cũng là một người góp phần tích cực vào việc tư vấn giúp bệnh nhân của vợ.
Hơn thế nữa, trong khi giúp đỡ, chị luôn cố tìm cách giảm những chi phí có thể tiết kiệm được cho bệnh nhân. Một chuyện đơn giản nhất là các bệnh viện thường cho bệnh nhân nhập viện ngay khi lịch hẹn khám bác sĩ hoặc làm các xét nghiệm, chụp chiếu vẫn còn xa. Tiền phòng bệnh viện mỗi ngày không dưới 200 SGD. Chị Ánh luôn cố gắng trì hoãn việc nhập viện trong các tình huống này. Thay vào đó, bệnh nhân có thể nghỉ ngơi cùng người thân tại nhà trọ với giá thấp hơn nhiều. Chị cũng là người chuyên "đóng mặt dày" (như lời chị nói), để xin bác sĩ miễn tiền khám hoặc một số các dịch vụ cho bệnh nhân.
Bệnh nhân cần chỗ trọ chị cũng có thể tìm giúp từ người quen hay mạng sinh viên NUS. Ngoài ra, chị cũng thuê một căn nhà có mấy phòng ngủ để dành cho bệnh nhân, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt giúp họ có được sự thoải mái, đặc biệt là những bữa cơm Việt Nam mà thức ăn do chị Ánh mua để sẵn trong tủ lạnh. Đối với bệnh nhân có tài chính thoải mái, chị Ánh nhận của họ tiền phiên dịch, các chi phí tiền mặt mà chị phải bỏ ra khi mua sắm giúp, tiền nhà trọ. Nhưng trong không ít trường hợp, cái mà chị nhận lại từ bệnh nhân chỉ là những món quà quê và những cái xiết chặt quyến luyến lúc chia tay. Chị Ánh chia sẻ: "Nhiều người bệnh sang đây tội nghiệp lắm. Mình không giúp không được, nhưng cũng không thể giúp không cho tất cả mọi người. Cũng cần có nguồn thu để hỗ trợ cho những người quá khó khăn". Nhiều lúc bận quá, chị cũng đành phải nhờ các sinh viên đến bệnh viện với bệnh nhân.
(Theo Thanh Niên)