Toàn cảnh hồ Kanasi. |
Người Trung Quốc (TQ) gọi là “hồ quái Kanasi” (quái vật hồ Kanasi), một con vật bí hiểm được truyền tụng sống ở hồ Kanasi thuộc khu tự trị Tân Cương. Hồ này tồn tại từ 200.000 năm nay, có diện tích 24 x 1,6 km, chỗ sâu nhất khoảng 180 mét, nằm trên độ cao 1.200 mét so với mực nước biển, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kanasi của Tân Cương.
Những tin đồn về “hồ quái Kanasi” có từ nhiều thập kỷ và đời sống người dân được cải thiện nhờ cải cách, mở cửa trong gần 40 năm qua đã tạo ra phong trào hiếu kỳ đổ xô đi xem quái vật. Khách tham quan có dư tiền, dư thời gian nên ngành du lịch nhiều địa phương TQ có dịp hốt bạc.
Từ vài chục năm nay, đã có hàng chục nghìn nhà khoa học nghi ngờ sự thật và khách du lịch hiếu kỳ kéo tới hồ Kanasi săn tìm “hồ quái”. Tuần qua, một đoàn vài chục người gồm các giáo sư đã nghỉ hưu, vợ con họ cùng một số sinh viên ở Bắc Kinh đã tới thăm hồ Kanasi. Trưởng đoàn là ông Viên Quốc Anh, 66 tuổi, nhà nghiên cứu của Viện Bảo vệ Môi trường Tân Cương tổ chức chuyến đi “để kỷ niệm 20 năm lần đầu tiên nhìn thấy quái vật”. Ông kể đã 2 lần nhìn thấy nó từ trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Kanasi, lần thứ 2 cách đây 19 năm.
Những năm gần đây, những câu chuyện “thần thoại hiện đại” kiểu “quái vật hồ Loch Ness” không còn bị cấm kỵ trên báo chí TQ. Tân Hoa Xã đã từng đưa tin về “dấu chân khổng lồ” của một người Trung Hoa cổ đại, hoặc tin về khách du lịch đi tìm “tiểu dã nhân” (người hoang dã tí hon) ở miền Hoa Trung. Báo chí cũng đưa tin có người phát hiện “đĩa bay” của người ngoài hành tinh (UFO). Mới tháng 9 vừa qua, một hội nghị chuyên đề về UFO được tổ chức ở Bắc Kinh để các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến bí mật quân sự.
Nhà nghiên cứu Viên Quốc Anh kể; “Từ trên đồi 20 năm trước, tôi đã thấy “quái vật” nổi lên mặt hồ. Đó là một con cá dài tới 15 mét”. Một số nhà khoa học cũng kể đã nhìn thấy những con cá rất lớn màu đỏ hoặc trắng. Năm 2003 trong một trận động đất ở Tân Cương, nhiều người khoe đã nhìn thấy những con vật lạ dài hơn 20 mét bị hất tung khỏi mặt hồ Kanasi.
Năm 1980, ông Viên cùng 150 chuyên gia lần đầu tiên tổ chức đợt nghiên cứu môi trường và hệ sinh thái động, thực vật ở khu hồ Kanasi. Người dân Mông Cổ thuộc bộ tộc Tuwa ở vùng này kể lại với đoàn nghiên cứu những câu chuyện huyền thoại về quái vật hồ Kanasi. Nhưng họ thú nhận, chỉ nghe kể lại, khi hỏi chi tiết, họ đều im lặng. Năm 1985 ông Viên Quốc Anh lại dẫn đầu một đoàn khảo sát khác tới hồ Kanasi. Lần này ông nhìn thấy “hồ quái” ông kể: “Chúng giống những con nòng nọc rất lớn ngoi lên để thở, mắt to, miệng há rộng”. Sau nhiều tuần nghiên cứu, đoàn khảo sát phát hiện mấy chục con cá màu đỏ mình dài từ 9 mét đến 15 mét, ước tính nặng hơn 4 tấn. Năm 1989 các nhà khoa học TQ kết luận đó là loài cá hồi nước ngọt không phải là “quái vật” gì cả.
Giáo sư Trương Quốc Phát thuộc Viện Nghiên cứu Sinh vật biển Hắc Long Giang nói: “Không chút nghi ngờ cái gọi là “hồ quái” ở hồ Kanasi chính là loài cá hồi Thái Môn”. Ông cho biết chính mắt ông một lần từ trên núi đã nhìn thấy khoảng 50 con cá đó, có nhiều con dài chừng 4 mét. Chúng có thể bắt gà, chó, cừu để ăn, nhưng không thể bắt trâu, bò.
Tờ Nhân dân nhật báo gần đây khẳng định: “Các nhà khoa học nói dứt khoát không thể có cái gọi là những “quái vật dưới hồ” trên thế giới này”.
Tuy vậy, suốt mùa hè năm nay, hằng ngày vẫn có tới 4.000 du khách tới hồ Kanasi để mong được chiêm ngưỡng “hồ quái”. Riêng ông Viên Quốc Anh đã viết được 2 cuốn sách và rất nhiều bài khảo cứu về “hồ quái” ở Kanasi. Nhưng lần thăm hồ này ông chẳng thấy gì, đành thất vọng ra về.
(Theo Người Lao Động)