![]() |
Vũ trường Bến Thành hoạt động nhộn nhịp lúc 9h. |
Vũ trường Bến Thành nằm trên tầng cao của Trung tâm Văn hóa quận 1, TP HCM. Chỉ cần bước qua tấm màn đen ngăn cách sàn nhảy với quầy bán vé là một thế giới khác. Chưa quen với sự thay đổi đột ngột từ ánh nắng sớm bên ngoài sang bóng tối tù mù của vũ trường, thì bị một phụ nữ đâm sầm vào. Bà ta vẫn thản nhiên cười hô hố qua điện thoại: “Tao đi nhảy đầm để bớt stress. Ai hỏi thì cứ nói tao ra ngoài kiểm hàng nhé!”.
Quan sát xung quanh, còn thấy nhiều khuôn mặt ngái ngủ đang uống cà phê để tỉnh táo, lấy sức... quay vòng! Họ là những thanh niên sức dài vai rộng nhưng không có việc gì làm nên vào đây để trốn nắng.
Một góc khác là vài cặp nhảy đã lên hàng “khứa lão” đang uống nhanh ly sữa tươi để chuẩn bị tập thể dục. Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ tại quận 3) cho biết, sau khi hai vợ chồng trải qua lớp học khiêu vũ ở CLB Nguyễn Du thì thường xuyên vào đây để thư giãn giết thì giờ rỗi.
Vũ trường ban ngày đã xuất hiện từ lâu, nhưng gần đây, nó càng có thêm đất sống khi disco, hip hop chiếm lĩnh các sàn nhảy về đêm. Các vũ trường ban ngày có thể điểm danh thêm là Kim Đô, Hoa Hồng... Khách đến đây khá đa dạng, trong đó chỉ số ít là người có tuổi say mê hay giới trẻ tập tành khiêu vũ.
Hơn 9h, tour nhảy bắt đầu với một điệu nhạc rộn rã. Trong ánh đèn chớp choáng của vũ trường, có thêm những người đàn ông mới xuất hiện với dáng vẻ lạ lẫm. Họ tụ lại nơi góc phòng, đến quầy rượu đảo mắt nhìn rồi cười nhếch mép với quý bà đang ngồi “tán” với nhau.
Một người mách nhỏ: “Trai nhảy chuyên săn các bà, các cô đi lẻ đến vũ trường đó”. “Trai nhảy” nhìn khá đàng hoàng, hơi “quê”, quần tây, áo sơ mi như một công chức. Đặc biệt, họ mang những đôi giày gót cao trên 7 phân, không kém gì quý bà. Ở đây hiếm thấy cảnh ngồi ve vuốt, gợi tình như vũ trường ban đêm, nhưng chuyện “đen tối” thì có vẻ như không hề kém cạnh.
Khi điệu boston mùi mẫn vang lên thì sàn nhảy đã chật cứng. Những cặp có bạn nhảy đi cùng từ đầu thì “phăng” những bước khá đơn giản. Trong khi đó, những phụ nữ được “trai nhảy” dìu thì lại đi những bước quá cầu kỳ. Có quý bà người quá khổ nhưng trong vòng tay “trai nhảy” cũng uyển chuyển, “te” sát sàn như ai.
3 phụ nữ đang suồng sã với một “trai nhảy” quen từ trước. Anh chàng gầy nhom phải nhảy không ngừng một bản với 3 quý bà đang hăng say. Vừa nhảy vừa chỉ dẫn, chẳng mấy chốc anh này đã đuối sức, khuôn mặt hân hoan dần chuyển sang vẻ chịu đựng khi vừa hết tour nhạc đầu tiên. Còn 2 tour nhạc kéo dài đến 12 giờ trưa, anh này buộc phải chiều khách mới có thể kiếm được chút tiền boa.
Lân, một “trai nhảy” có thâm niên hơn 4 năm, cho biết: “Từ ngày có phim Gái nhảy, người ta mới gọi tụi mình là “trai nhảy”. Trước đây, họ gọi cái tên ít ác cảm hơn là “thợ dìu”. Có nơi “thợ dìu” được trả lương, nhưng thu nhập chính vẫn là từ tiền boa của khách, khoảng 50.000 đến 100.000 đồng”.
Khi hỏi sao chọn nghề này thay vì một công việc khác, Lân vô tư: “Vừa được nhảy vừa có tiền, ai không thích”. Khi Lân vừa đi khỏi, một khách nam ngồi bên cạnh nói nhỏ: “Nhìn mặt hiền lành như thế nhưng là sát thủ thiếu phụ đó”.
Thế giới của những người đàn ông mang giày cao gót không đơn giản. Chỉ trong vài giờ tại đây đã nghe được không biết bao chuyện lùm xùm. Nào là thằng K. thành “trai độc quyền” cho bà chủ lỡ thì nào đó; gã Y. vừa trúng mối đậm với bà T. hồi xuân... Vũ trường Ban Mai cũng không ít lần chứng kiến những trận đánh ghen dữ dội khi “trai nhảy” rũ bỏ người tình già vừa hết tiền nào đó.
Tour nhạc thứ 2 kết thúc, đến điệu nhạc disco sôi động, vũ trường càng ồn ào. Vài người lục tục ra về với cái vươn vai khoan khoái. Nhưng ở một góc khác, nhiều “trai nhảy” đang đăm chiêu... Họ toan tính những chuyện gì khó ai biết được.
(Theo Người Lao Động)