Một bạn nam vừa mua một cái PMP (Portable Media Player - thiết bị giải trí di động) giá 72 USD chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, giải thích với chúng tôi: “Bài thi trong các file doc (Word) cho vào đây là chắc ăn. Khi cần xem chỉ mở máy là dòng chữ hiện lên chạy qua màn hình”.
Với kích thước khá gọn, thí sinh có thể giấu dụng cụ gọn trong lòng bàn tay, chờ giám thị lơ là là có thể quay cóp được. Nếu không để ý, các giám thị khó lòng phát hiện.
Một chuyên viên kỹ thuật của cửa hàng cho Người Lao Động biết, PMP có rất nhiều loại, hình dáng nhỏ gọn, giá cũng không quá mắc, khoảng 70 USD hoặc hơn chút đỉnh. Đặc tính của loại máy này là có thể vừa phát được các file âm thanh vừa hiển thị lời. Chính đây là điều mà thí sinh nào có tư tưởng quay cóp đều khoái. Tài liệu có thể đọc thẳng vào máy hoặc viết thành văn bản rồi cài vào máy. Khi cần có thể nghe hoặc xem tùy hoàn cảnh.
Một số ĐTDĐ đời mới sử dụng hệ thông minh như Symbian, Siemens SX1, Nokia 7610, 6630, 6600, 6260, 3230, N-Gage QD... có rất nhiều tính năng như một máy tính thu nhỏ cũng thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Ngoài các tính năng “thời thượng” như nghe nhạc, xem phim, tra từ điển... chúng còn có thể phát được các đoạn ghi âm, xem các file văn bản như TXT (text file), doc (Word), PDF (acrobat document format)... Với các tính năng độc đáo đó, những thí sinh lười học có thể lén lút mang vào phòng thi để thực hiện “quay cóp công nghệ cao” khi có cơ hội.
Cũng tại dãy phố vi tính này, có một bạn nam hỏi mua giấy phim trong suốt. Cậu khoe: “Tài liệu soạn trên máy tính in vào giấy này thì không hiện ra chữ khi đặt lên bàn, nên sẽ “vô hình” trước mắt giám thị. Chỉ khi cầm lên mới thấy dòng chữ mờ mờ”.
Ngay trước ngày thi ĐH, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu các hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ tăng cường kiểm tra các vật dụng thí sinh mang theo vào phòng thi, trong đó có quy định: “Không được mang vào phòng thi các thiết bị chứa thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi... Nếu bị phát hiện, dù chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi”. Liệu những quy định này có đủ sức răn đe những thí sinh lười học?