Bây giờ trên sông Gâm hiếm khi săn được con cá Lăng to như thế này. |
Trên các triền sông miền núi phía Bắc nước ta vốn có nhiều loài cá quý (trong đó có loài cá trước kia được dùng để “tiến Vua”) nhưng hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng. Theo chân các “phường săn” lùng tìm một số loài cá quý hiếm mới biết nhiều điều bất ngờ, lý thú…
Sau nhiều lần hẹn và qua nhiều người quen chắp mối, cuối cùng PV cũng nhận được cái gật đầu của ông “Vua săn cá” sông Gâm, người dân tộc Dao - Tẩn Sân Chưn theo một chuyến cho thỏa chí tò mò. Cách thị xã Hà Giang gần 70 cây số nhưng mãi sau gần 4 tiếng đồng hồ ngược quốc lộ 34, tay lái xe ôm có thâm niên 20 năm mới đưa tôi đặt chân lên thị trấn Bắc Mê cũ, sát huyện Bảo Lâm (Cao Bằng).
Mấy ngày trước trời đang mát mẻ là thế nhưng khi đặt chân lên Bắc Mê thì trời lại đổi tiết, nắng nóng bất thường. Thế là lại phải ăn chực nằm chờ gần 4 ngày nữa, khi tiết trời dịu mát, nhiều sương mù, mới có thể bắt đầu chuyến du ngoạn ngược sông Gâm, săn cá quý.
Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, với đồ nghề tinh gọn nhất nhưng khi đặt chân xuống chiếc thuyền nan để xuất phát từ ngã ba của 3 tỉnh giáp ranh Bắc Mê (Hà Giang) - Bảo Lâm (Cao Bằng) - Na Hang (Tuyên Quang) vẫn không khỏi chợn gợn vì sương mù và những ẩn hoạ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào trên dòng sông với độ dốc rất lớn.
Cá Anh vũ, cá Rầm xanh, cá Lăng, cá Chiên và cá Bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc mà người dân quanh sông thường gọi là “ngũ quý hà thủy”.
"Nay, cá còn quý hơn, vì ngày càng khan hiếm. Vì thế, săn được chúng là gặp may mắn, trong đó nếu vớ được con Anh vũ hay Rầm xanh thì không gì tuyệt hơn…". Đó là những thông tin ngắn gọn, đầu tiên anh Chưn nói khi bắt đầu chuyến săn.
Sông Gâm là một trong số rất ít còn có thể săn được các loại cá này. Sông Gâm bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000 m, thuộc địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại địa phận huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm (Cao Bằng), chảy qua Bắc Mê (Hà Giang), Na Hang và Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nhập vào sông Lô ở Khe Lau (Tuyên Quang). Sông Gâm dài 297 km, trong đó phần chảy qua nước ta 217 km.
Với đặc điểm đó, có đến gần 10 tháng trong năm, sông Gâm luôn giữ mực nước nhất định, ngập các phiến đá hai bên bờ để rêu mọc quanh năm, môi trường tiện lợi cho cá Anh vũ sinh sống.
Năm giờ sáng, khi sương mù còn dày đặc, che khuất tầm nhìn, khí trời lạnh lẽo, chiếc thuyền độc mộc chín sức ngựa, chở chúng tôi lao vun vút, như xé đôi dòng nước yên lặng, hướng về thượng nguồn sông Gâm. Anh Chưn vừa điều khiển con thuyền vừa kể cho tôi nghe những chuyến săn cá không thể nào quên.
Cứ theo lời anh kể thì, trước đây, người dân tộc Dao, Tày, Nùng dọc hai bên bờ sông này chủ yếu sống bằng nghề săn cá. Cứ đến đầu mùa thu, khi khí trời dịu mát, nhiều sương mù, đám phường săn lại họp tại một phường cả thắp hương, khấn bái thần sông độ trì săn được nhiều cá và phù hộ cho những người săn cá an toàn trên từng khúc sông…
Mùa săn bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Có những chuyến đi, đám phường săn thu dăm bảy tấn cá... Con Anh vũ mà phường săn ở sông Gâm bắt được xem là to nhất nặng tới 5 kg, có lẽ nặng kỷ lục. Con Chiên nặng nhất tới gần 1 tạ, da đã mốc trắng, lờ đờ như con kình ngư.
Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, cá ở sông Gâm còn rất ít, do một số người dùng thuốc nổ đánh bắt; cùng với đó, sự thay đổi của khí hậu cũng làm các loại cá đặc sản ở khu vực này bị đe doạ nghiêm trọng…
“Nhất dạ, nhất giao, sinh quý tử!”
Tay săn cá nổi tiếng Lò Văn Thắng và một phường săn khác đang ngược sông Gâm. |
Sau gần 2 tiếng đồng hồ, thuyền đến một khúc cua, thắt vào như một cái eo để chuẩn bị mở ra một khoảng sông khá rộng nhưng âm u, lạnh lẽo vì cây cối hai bên bờ đổ xuống. Sau này tôi mới biết nơi đây nằm dưới chân Núi Đô, phía thượng nguồn sông Gâm.
Chưn tắt máy từ xa, nhẹ nhàng chèo thuyền vào giữa khúc sông. Ở đó, nhiều phiến đá mọc ra nham nhở, nước trong leo lẻo, nhìn rõ những đám rêu đá xòa theo làn nước. Tôi có cảm giác gờn gợn.
“Đây là nơi Anh vũ thường tụ tập sinh sống và chỉ số ít trong phường săn ở sông Gâm biết được vị trí đắc địa này. Nhưng cũng ít người trong số đó dám lặn xuống”, Chưn nói nhỏ với tôi.
Tôi chú ý quan sát, lấy chiếc đèn pin tự chế của Chưn soi xuống dòng sông. Những cái cửa hang lồ lộ, kỳ quái, âm u, chỉ rêu và rêu. Khu vực này nhiều hang sâu, đá ngầm lởm chởm, là ổ cá Anh vũ từ xưa. Nhưng rất khó có thể bắt được Anh vũ ở đây vì hang quá sâu và ngoằn ngoèo.
Cái chết của một phường săn dăm năm trước tại đây, vì sau khi vào hang không thể tìm được lối ra vẫn là một thách thức về sự gan dạ của các phường săn mỗi khi có ý định lặn xuống săn cá Anh vũ. Hang sâu và nguy hiểm đến nỗi mãi 3 ngày sau người ta mới có thể tìm và vớt được xác tay phường săn xấu số đó, lúc ấy xác vẫn chưa bị thối rữa vì dưới hang sâu quá lạnh…
Tôi đã định can Chưn chuyển sang chỗ khác nhưng anh vẫn húp bát nước mắm cốt để giữ ấm cho cơ thể rồi chuẩn bị thực hiện công việc nguy hiểm, chỉ vì để giúp tôi thỏa chí tò mò…
Tôi giúp anh đeo bình ô xy vào lưng, miệng anh ngậm chặt ống dẫn khí, mắt đeo kính lặn, một tay cầm xiên nhọn, tay kia cầm chiếc vợt. Anh bảo tôi cứ đợi trên thuyền và cầu cho anh may mắn kiếm được con Anh vũ mà… chụp ảnh cho thỏa!
Tôi vừa run vừa háo hức ngồi chờ… 30 phút trôi qua vẫn chưa thấy động tĩnh gì, ngoài những tăm khí ở trong hang sâu từ bình ô xy anh thở ra, nổi lên mặt nước.
Tranh thủ thời gian, tôi lôi mấy cuốn sách hôm trước vừa tranh thủ mượn của một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang có viết về loại cá này. Tìm mỏi mắt, tôi mới thấy được mấy dòng quý báu.
Sách Đại Nam thống nhất chí viết: “Cá Anh vũ còn có tên là Giả ngư. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ”. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có dòng ngắn ngủi: “Cá Anh vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh ...”, “hoặc dùng để tiến Vua”…
Đang lật giở nốt những trang sách thì nghe tiếng thở phì ngay bên mạn thuyền. Tôi hốt hoảng quay lại. Hú vía, hoá ra là Chưn. Trong cái vợt của Chưn không phải là cá mà là một đôi rắn khá to.
Miệng tím tái, Chưn nói run run: “Vợ chồng này đang tình tự bị tôi bắt được nên xử lý luôn! Loại này khá độc, nếu bị cắn mà trong vòng 48 tiếng không cứu kịp là đi ngay đấy”.
Nói rồi, Chưn khéo léo cho hai con rắn vào bao tải, vứt xuống lòng thuyền. Tôi kéo anh lên thuyền rồi đưa cho điếu thuốc đã được mồi sẵn. Chưn rít lấy rít để cho đỡ lạnh, rồi vừa hà khói vừa khoe: “Đã tìm thấy một đàn 6 con nhưng khá sâu. Chắc phải nghỉ lúc nữa mới đủ sức chiến đấu với chúng”.
Trong câu chuyện chắp vá mà anh kể, tôi mường tượng thấy những cái hang ngoằn ngoèo, uốn lượn, sâu hun hút. Ánh sáng từ chiếc đèn trên mũ lặn cũng chỉ đủ soi sáng một sải tay. Có lúc anh lặn vào một khoảng hang khá rộng, đến khi quay ra phải loay hoay mất mươi phút mới định hướng nổi. Chính vì thế, để lặn tiếp, anh lấy dây thừng đã chuẩn bị sẵn ở nhà buộc một đầu vào bình ô xy để lúc lên cứ lần theo đó…
Lần này, trước khi lên, anh giật giật dây thừng báo hiệu cho tôi biết. Dù chưa ngoi khỏi mặt nước nhưng anh đã giơ cao cái vợt với hai chú cá đang giẫy đành đạch. “Một cặp luôn nhá!”. Tôi hào hứng đón vợt cá từ anh.
Thoạt nhìn thấy giống cá trôi nhưng quan sát kỹ thì nhiều đặc điểm riêng biệt không thể lẫn được: Bộ vảy óng ánh, hơi ương ương vàng; cái đầu na ná như đầu lợn thu nhỏ. Ấn tượng nhất vẫn là cái miệng với bộ môi đặc thù: Môi toẽ rộng, dày như mõm lợn, gần giống môi của con cá dọn bể mà người ta vẫn thả trong tủ cá cảnh.
Tôi cầm máy ảnh chụp một kiểu đặc tả cái miệng kỳ quặc. Chưn lý giải: “Môi và miệng nó bằng sừng, khá phát triển vì phải lấy môi gặm rêu đá để ăn. Thú vị hơn, vào mùa nước nổi, khi nước trong hang quá đục, nó phải ra ngoài thì nó dùng môi bám trụ vào đá để ngủ cũng như chống lại dòng nước chảy”.
(Theo Tiền Phong)