Trên tàu đánh bắt xa bờ PY1289 (thôn Đông Tác, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), ngoài thuyền trưởng tàu khá trẻ tuổi tên Thắng còn có 10 ngư dân đi bạn khác, đa số ở quãng 20 đến 35 tuổi, đen đúa, bắp thịt cuồn cuộn. Mặc dù đã uống thuốc chống say trước khi lên tàu nhưng khi tàu mới rời bến, những con sóng bạc đầu mùa khiến con tàu 90 mã lực trồi lên dập xuống, quật ngã tôi dúi dụi.
Tàu đang ở cách bờ hơn 200 hải lý. Mọi người bắt đầu công việc đánh bắt cá bò gù thường lệ. Một giàn câu dài chừng 20 km với khoảng 600 -700 lưỡi câu lớn cột đều trên sợi triên chính, móc mồi là mực xà hoặc cá chuồn được thả xuống dọc đường tàu chạy. Việc thả câu xuống nước theo một lộ trình nhất định và rất bài bản: người móc mồi chờ sẵn, người tròng phao, người quăng dây triên xuống biển... theo đường tàu chạy với vận tốc không phải nhỏ (chừng 20 hải lý/giờ). Bởi vậy, nếu lỡ một ai trong đó bị lưỡi câu móc vào người thì chỉ còn biết cách phải “bay” xuống biển!...
Sau khoảng 3 giờ thực hiện, “vũ khí” của các thợ săn đã rải đều xuống lòng đại dương, trên mặt nước chỉ còn thấp thoáng những phao ganh trắng bạc. Vài năm trước, mồi câu cá ngừ chủ yếu là cá chuồn đánh bắt được trên biển. Nhưng 2-3 năm nay, loại mồi bằng mực xà được cá ngừ thích hơn nên cá chuồn chỉ là món dự bị, phòng khi không mua được lượng mực cần thiết. Loại mực này thường do các thợ câu của những tàu Quảng Ngãi bán lại ngay trên biển, tuy có tốn kém chút đỉnh nhưng bù lại thu hoạch được nhiều cá hơn.
Theo Người Lao Động, công đoạn thả câu bắt đầu từ 13 giờ và kết thúc vào lúc sẩm tối mỗi ngày. Thời điểm kéo câu lên tàu vào tầm 23 giờ cho đến khi ánh bình minh bắt đầu ló dạng. Công việc đó được lặp đi lặp lại trong vòng gần 2 tuần lễ, thời điểm tàu lênh đênh giữa đại dương mênh mông, bốn bề chỉ có sóng nước... Xa xa, hàng trăm tàu khác từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận... cũng đang “dàn trận” săn cá ngừ.
Người được coi là phát hiện nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam là ông Trần Văn Liên, hay được gọi là Sáu Liên, ở làng biển Phú Câu thuộc phường 6, TP Tuy Hòa. Ông Sáu Liên cho hay, trước năm 1994, đội ghe tàu của Phú Yên chủ yếu làm nghề giã cào, lưới cảng, lưới mành... chuyên đánh bắt cá nhỏ gần bờ, hiệu quả kinh tế thấp. Theo lời lão ngư này, loài cá được gọi là cá ngừ đại dương, tên quốc tế là Tuna, chỉ có từ khi chương trình đánh bắt xa bờ của Chính phủ ra đời, còn trước đó ngư dân cứ gọi là cá bò gù. “Hồi đó, hiếm khi nào câu được những con cá to như thế, nên khi ì ạch kéo được chúng lên thuyền là mệt đứt hơi. Anh em bảo con cá này to như con bò, lưng lại gù nên tự đặt cho nó là cá bò gù”.
Năm 1994, trong một chuyến đi đánh lưới chuồn, lưới của ông đã dính giàn câu của một tàu Đài Loan. Khi gỡ lưới ra, tình cờ phát hiện những chú cá ngừ mắc câu, bèn cắt trộm một con để đem về nhà nghiên cứu. Mổ ra thấy cái lưỡi câu khổng lồ, trong bụng con cá ngừ còn nguyên những chú cá chuồn tươi rói. Với dân đi biển, đó là một kinh nghiệm đáng kể. Vậy là ông bàn cùng với thợ thuyền tìm cách sản xuất giàn câu và lưỡi câu giống như của tàu Đài Loan. Đợt đi đánh thử đầu tiên cách bờ gần 10 hải lý, chỉ trong vài ngày, tàu ông đã săn được gần chục chú cá ngừ. Sau này, dần dần ngư dân nhiều nơi Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... học hỏi kinh nghiệm, hình thành nghề câu cá ngừ đại dương ở nước mình.
Quãng thời gian rảnh rỗi giữa thả câu và kéo câu là lúc các thủy thủ neo tàu nghỉ ngơi. Nói là “nghỉ ngơi” nhưng phần lớn họ tập trung lại, khi thì trong khoang lái, khi ngoài boong, kéo can rượu đế 20 lít mang theo sẵn, làm vài món mồi bằng cá tươi, nướng chút bánh tráng để lai rai. Còn chúng tôi khai thác những câu chuyện buồn vui trong nghề săn cá ngừ đại dương.
Mấy anh em thợ bạn tiết lộ rằng móc mồi, thả câu là một chuyện, còn công đoạn để bắt cá ngừ lên tàu mới là chuyện thú vị và lắm nguy hiểm. Thường thì trong tàu phải có một người chuyên làm công việc lừa cá mỗi khi cá cắn câu. Người lừa cá phải khéo léo nhuần nhuyễn từng công đoạn, biết nhu và cương như người nghệ sĩ chơi vĩ cầm, nhu cương đúng lúc hợp lý từng chi tiết. Nếu lỡ trượt mất cá thì coi như mất vài triệu bạc, tiếc rẻ vô cùng, công sức coi như bỏ biển.
... Theo lộ trình, tàu anh Thắng cũng bắt đầu kéo câu trở lại. Chúng tôi chỉ được cho phép ngồi trong ca-bin theo dõi vì “không phận sự thì miễn vào”. “Stop! Ống lút nhé! (phao gắn vào dây câu). Giọng anh Thắng vang lên. Nét mặt thuyền trưởng Thắng dãn ra và cũng rất căng thẳng. Phía trước, những người bạn cũng bước vào vị trí của mình. Người gắn dây vào ròng rọc, người thì cầm cần câu táp đứng ra sát mạn tàu (một loại cần câu bằng gỗ rất cứng), người thì mở hầm đá lạnh chuẩn bị...
Duy nhất có một người cầm dây câu lừa cá. Đó là anh Hải Miên. Như người nghệ sĩ, anh Hải cầm dây câu căng như dây đàn vừa tung vừa hứng, vừa nhu vừa cương mỗi khi cá kéo chạy ra xa. Độ chừng 15 phút sau chú cá đã mệt thì được kéo sát lại mạn thuyền. Thế là “phập”! Người câu bằng cần câu táp đã móc trúng đầu chú cá, dây ròng rọc đã gắn sẵn, thế là cả gần 10 con người xúm lại hì hục lôi lên. Chú cá bị đập vào đầu cho chết, sau đó thì cho vào hầm lạnh ngay tức khắc. Theo anh Thắng, công đoạn từ lúc bắt cá đến lúc ướp lạnh phải theo trình tự nhất định, nếu không thì sản phẩm bằng công sức nước mắt của mình coi như bỏ không. Cá ngừ đại dương xuất khẩu đạt chuẩn là cá còn sống, thịt đỏ, bởi vậy khi lên khỏi tàu là phải đưa vào hầm lạnh ngay. Cũng theo anh Thắng, người móc cá cũng rất quan trọng, chỉ được móc ngay phần đầu của cá, nếu móc trật ra ngoài thân thì sản phẩm đó cũng trở thành công cốc...
Hải là “nghệ sĩ” chuyên lừa cá ngừ. Bữa đó một chú cá cắn câu thuộc loại lớn (khoảng 80 kg), còn khỏe, đã quẫy đuôi chạy mạnh. Dây câu quấn vào người Hải nên anh bị giật mạnh xuống biển giữa đêm tối. Chừng 5 phút sau, cả người và cá cùng trồi lên mặt nước, Hải tái xám vì ngợp thở và kiệt sức. Chú cá ngừ cuối cùng đã nằm gọn trong khoang muối đá của tàu.
Chủ tàu chủ yếu là những thanh niên chưa đến 30 tuổi, họ vay vốn đóng tàu ra khơi cho kịp chúng bạn. Nghề ăn nên làm ra này cũng đã cuốn hút những người chân lấm tay bùn nhà nông chưa bao giờ đặt chân tới biển, cũng tham gia đóng tàu đi biển. Điều đó đã hình thành một phong trào làm ăn chưa từng có ở Phú Yên.
Nghề câu cá ngừ đại dương vẫn là một nghề đem lại sự giàu có nhanh chóng cho ngư dân. Mỗi chuyến ra khơi như vậy, nếu trúng lớn, mỗi tàu có thể kiếm lại hàng chục triệu đồng, trong đó, thợ bạn được chia trung bình 2-5 triệu đồng/chuyến đi. Năm 2004, ngư dân tỉnh này câu được 4.615 tấn cá ngừ, đạt kỷ lục cả nước. Còn trong những ngày đầu năm này, sản lượng cá ngừ mà dân Phú Yên đánh bắt được đã đạt con số gần 1.000 tấn, báo hiệu thêm một mùa đánh bắt bội thu.
Ngày chúng tôi còn lênh đênh trên biển cũng là ngày mà hàng chục chiếc tàu ngư dân phường 6, Đông Tác, Tiên Châu, Dân Phước ào ào cập bến sau đợt săn trúng đậm cá ngừ. Mặc dù giá cá ngừ hạ thấp nhưng các chủ tàu đều có lãi 20-40 triệu đồng. Thế mới có chuyện hơn một trăm thủy thủ trên các tàu gặp nạn được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc hồi đầu năm đã ngay lập tức lại bám biển, bởi sự mưu sinh và cả sự nôn nóng tìm lại những thiệt hại quá lớn về tài sản.
Sau hơn 10 ngày dập dềnh sóng nước, cuối cùng chiếc tàu của chúng tôi cũng về bến an toàn. Ai cũng hớn hở bởi tàu đã bội thu với khoảng 20 chú cá ngừ, sản lượng cân được gần 2 tấn. Anh Thắng cho biết, nếu trừ hết mọi chi phí thì cũng còn lãi ròng gần 70 triệu đồng. Chuyến xông biển đầu năm nay tàu anh Thắng đem lại hy vọng một mùa bội thu đầy khí thế.
Nghề câu cá ngừ còn nhiều nguy hiểm khác xảy ra bất cứ lúc nào. Việc lưỡi câu móc vào thân thể, tay chân tét thịt rớm máu là chuyện thường tình, chỉ có những con người “sắt thép” mới chịu đựng sự đau đớn đó. Anh Bút, một thợ bạn khác, kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về việc các thủy thủ phải xuống thúng nhỏ câu mồi khi không mua được mực. “Thúng nhỏ không động cơ, gặp gió là trôi lạc và có khi đi vĩnh viễn! Một người bạn biển là Nguyễn Huy Đơn ở làng Đông Tác, tháng 10 năm ngoái đã mãi mãi không về vì rớt xuống biển vào buổi tối mà không ai phát hiện. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2005 này đã có 4 thanh niên ở làng biển Đông Tác ra đi mãi mãi không về”, anh Bút bùi ngùi nhấc chén rượu trắng uống cạn sau khi kể câu chuyện buồn của nghề nghiệp. Ngày 24/12/2004 vừa qua là ngày khó quên trong cuộc đời làm biển của ông Tám Điền (phường 6, TP Tuy Hòa). Hôm đó đợt ra khơi bỏ Tết của tàu ông Tám đã gặp sự cố hy hữu: bị tàu lạ nước ngoài tông chìm rồi bỏ chạy. Nhờ kinh nghiệm của người đi biển cộng thêm chút phản xạ nhanh trí, ông cùng 10 thuyền viên trên tàu lật ngửa ra được 2 chiếc thúng (chuyên dùng để câu mực) và lên trên đó. Cả 10 con người trên 2 chiếc thúng tròng trành trôi đi giữa đại dương bao la. Những cơn đói khát hành hạ, họ gần như tuyệt vọng. May mắn, qua hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển có một chiếc tàu cá gặp được và kéo họ vào đảo Bạch Long Vỹ, lúc này họ mới biết mình còn sống. Trong vòng 10 ngày đầu năm 2005, đã có đến 9 tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên bị nạn giữa khơi. Chiếc hỏng máy trôi dạt tự do, chiếc bị tàu khác tông phải chìm giữa đại dương, chiếc thì đánh bắt đầy khoang trên đường trở về bị phá nước... Đó là số vụ tàu câu khơi bị nạn nhiều nhất từ trước đến nay ở tỉnh này. Ông Nguyễn Chính Trọng, một trong những thuyền trưởng của một chiếc tàu bị nạn, nhớ lại: “Tôi đi biển đã mấy chục năm nay, chưa bao giờ quên được chuyến đi kinh hoàng đêm 26/12/2004. Tàu tụi tôi làm nước mới tinh, máy móc sửa chữa ngon lành, vậy mà khi đã đánh đầy cá, trên đường trở về cách bờ chừng 180 hải lý thì máy trở chứng, không chạy được. Sau gần một ngày rưỡi sửa chữa, máy vẫn không hoạt động, 10 anh em trên tàu đều bối rối, tưởng mất ăn Tết mãi mãi rồi. May mà nhờ có anh em trong bờ nhận được điện đàm ra cứu giúp kịp, không thì cả bọn đã làm mồi cho cá!”. |