"Khi tình hình dịch ổn hơn, chúng mình đi ăn trưa tại một nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng nhé. Tôi mời", một nhân viên Samsung gửi tin nhắn cho bạn mình sau khi nhận được khoản tiền thưởng tương đương 3 tháng lương hồi tháng 1. Khoản thưởng mà người này cũng như tất cả nhân viên bộ phận chip nhớ của Samsung nhận được nhờ vào việc họ đã đóng vai trò quan trọng giúp gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vượt qua Intel (Mỹ) về doanh thu chip trong năm 2021.
Khoản thưởng trên họ nhận được chỉ vài tuần sau khi tất cả nhân viên Samsung Electronics nhận được một khoản thưởng đặc biệt khác tương đương 2 tháng lương hồi tháng 12/2021, bên cạnh khoản thưởng 6 tháng lương từ lợi nhuận thường niên của công ty. Theo Nikkei, một nhân viên bộ phận chip nhớ của Samsung nhận tổng tiền thưởng tương đương 11 tháng lương cho những đóng góp trong năm 2021.
Tính đến ngày 31/12/2020, Samsung có 109.490 nhân viên tại Hàn Quốc với mức lương trung bình năm khoảng 127 triệu Won (106.000 USD), theo báo cáo thường niên công ty gửi Ủy ban Chứng khoán Hàn Quốc. Con số này tăng 26% so với 5 năm trước đó và có thể đã tăng mạnh hơn trong năm 2021 nhờ lợi nhuận kỷ lục.
Con số trên vẫn chưa thể hiện đầy đủ bức tranh toàn cảnh về chế độ đãi ngộ của Samsung bởi tập đoàn số một Hàn Quốc này còn có những phúc lợi khác cho nhân viên như miễn phí ăn ba bữa tại căng tin, chi trả phí giáo dục cho con cái của nhân viên... Samsung cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Hàn Quốc có hệ thống chia sẻ lợi nhuận với nhân viên. Các chính sách phúc lợi trên được xây dựng dưới thời cố Chủ tịch Lee Kun-hee năm 2001.
Những khoản thưởng khủng từ Samsung cho thấy mức độ khốc liệt trong cuộc chiến cạnh tranh thu hút nhân tài của các công ty trong lĩnh vực công nghệ. Hồi tháng 1, SK Hynix - nhà sản xuất bán dẫn đối thủ của Samsung - cũng thưởng cho tất cả nhân viên 10 tháng lương sau một năm làm ăn phát đạt. Sự hào phóng của các gã công nghệ bán dẫn bắt nguồn từ thực tế ngành này luôn trong tình trạng thiếu nhân lực.
Do nhu cầu chip trên toàn cầu tăng, các công ty phải cạnh tranh để chiêu mộ nhân sự trong lĩnh vực này. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Hàn Quốc đang ngày càng thu hẹp do sự cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ của các công ty game và internet như Naver, Kakao - điểm dừng chân mới của các nhân tài công nghệ. Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy nguồn cung nhân tài, như khuyến khích các trường đại học hàng đầu mở ngành đào tạo bán dẫn. Tuy nhiên, nỗ lực đào tạo nhân lực công nghệ này không theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường bán dẫn.
Sơn Nam (Theo Nikkei Asia)