Guess, Tommy Helfiger, D&G, CK, Versace, Valentino, YSL, Chanel... rồi cả Nike, Reebok, Adidas... những tên tuổi "khẳng định đẳng cấp của bạn" bán "rẻ như cho" đến mức người ta không thể không nhào vào mua dù không biết mình... mua để làm gì.
Giá "hàng hiệu" đang "ở trên trời", đấy là điều mà ai cũng có thể nhận thấy. Điều này cũng không có gì khó hiểu bởi lẽ ngay từ "nguyên quán" tên của chúng đã là "luxury, tức là hàng "xa xỉ". Giá trị của chúng không đơn giản chỉ nằm ở chất liệu tuyệt vời, kiểu dáng không thể trộn lẫn, tính hợp thời trang... mà còn ở "cái tên", cái nhãn hiệu mà chúng khoác lên. Chắc chắn không một người làm kinh doanh nào không nhớ đến ví dụ về những chiếc áo chemise Pierre Cardin và An Phước. Hai chiếc áo gần như giống hệt nhau, cùng một kiểu dáng, cùng một chất liệu, cùng một địa chỉ sản xuất... nhưng giá bán chênh nhau 5- 6 lần, thậm chí là cả chục lần. Có rất nhiều câu "tuyên ngôn" thời trang kiểu như: "Hãy cho tôi biết bạn mặc quần áo hiệu gì/dùng mỹ phẩm hiệu gì/dùng điện thoại hiệu gì... tôi sẽ nói bạn là ai". Như thế tức là một nhãn hiệu thời trang đôi khi nói lên "đẳng cấp" của chính bạn. Thế nên chắc chắn không ai lại không một lần mơ ước "nâng cấp" bản thân mình bằng một lần được khoác "hàng hiệu" lên người.
Vậy, nguồn thu chính của các hãng thời trang cao cấp nằm ở đâu? Thật thú vị là chúng lại đến từ những người... bình thường, chủ yếu là từ giới trung lưu trong xã hội. Và một điều còn thú vị hơn là ở chỗ, một phần doanh thu rất lớn của các hãng thời trang cao cấp lại nằm ở những đợt "sale off", đại hạ giá trong năm. Tất nhiên là không bao giờ có chuyện nhà sản xuất bán dưới mức giá thành mà chỉ đơn giản là trả lại giá trị thực cho những bộ thời trang này mà thôi. Khi mức giá có thể giảm đồng loạt tới 90%, không còn một cơ hội nào tốt hơn để người tiêu dùng có thể sở hữu những "cái tên" mà mình ngưỡng mộ. Những dãy dài người xếp hàng trước các siêu thị đợi từ đêm đến lờ mờ sáng. Khi cửa bật mở là người ta ào vào "cướp giật" cho bằng được bất kỳ một món hàng nào, không cần biết chúng chật hay rộng, màu sắc thế nào, thậm chí là không biết mình có dùng được chúng hay không? Trong khi đó, những bộ đồ "mồi" vẫn nằm kiêu hãnh ở các showroom với mức giá nhất định không giảm một xu. Còn đối với những người bán, một lượng hàng khổng lồ tiêu thụ trong một thời gian cực ngắn có thể giúp họ thu lợi nhuận cực lớn. Nguồn siêu lợi nhuận này thừa đủ để trang trải cho những chi phí trong cả một mùa vắng vẻ cho những cửa hàng ở các đại lộ thời trang danh tiếng kia.
Giá trị ảo
Trên thực tế có thể thấy rằng giá trị thực của những đồ "luxury" này không quá cao, nhưng giá trị ảo mới chính là thứ tạo nên "cơn sốt" trong giới tiêu dùng.
Chưa bao giờ giới DN lại kinh doanh bằng thương hiệu mạnh mẽ như hiện nay. Giá trị thương hiệu đã tạo nên cho họ sức mạnh vô hình. Thậm chí một số thương hiệu mạnh đã trở thành “bá chủ” trong lĩnh vực của mình do giá trị ảo mang lại.
Nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới đều nhận định rằng, kinh doanh trong môi trường kinh tế toàn cầu hiện nay là phải “kinh doanh” bằng thương hiệu. Thương hiệu không chỉ khẳng định uy tín của DN đối với khách hàng mà còn khẳng định đẳng cấp của DN trên thương trường. “Giá” của thương hiệu sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận của DN.
Trông người lại ngẫm đến ta, không biết đến bao giờ các DN có thể tạo được những “cái tên” làm nên “cơn sốt” mua sắm của người tiêu dùng cho dù đó là hàng Sale off.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)