![]() |
Sách Ngữ văn lớp 10 được phát hiện có không ít "hạt sạn". |
Theo chủ trương phân ban, bậc THPT sẽ có hai bộ sách. Một bộ sách sẽ phục vụ chương trình chuẩn (ban khoa học tự nhiên và ban cơ bản), bộ nâng cao (phục vụ ban khoa học xã hội-nhân văn).
Tư tưởng chỉ đạo để thực hiện hai bộ sách này là “chương trình nâng cao phải dựa vào chương trình chuẩn”. Nghĩa là giữa chúng - theo quy định của Bộ GDĐT - phải “thống nhất về quan điểm xây dựng chương trình, về văn bản và về quan điểm chung nội dung giảng dạy”.
Tuy nhiên, quan điểm này đã bị các nhóm chủ biên của hai bộ sách tùy tiện, ngẫu hứng phá vỡ.
Điều này đã gây ra rất nhiều hệ lụy về học thuật, cách đánh giá, phương pháp dạy-học và cả kết quả thi cử. Xin dẫn một ví dụ trong rất nhiều ví dụ về sự không đồng nhất trên.
Trong văn bản đoạn kết truyện Tấm Cám, bộ sách chuẩn, dựa theo Nguyễn Đổng Chi, cho rằng: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết...”. Ngược lại, ở đoạn kết truyện này, sách nâng cao, dựa theo Chu Xuân Diên, lại cho rằng: “Theo lời chỉ bảo của Tấm, Cám sai đào một hố thật sâu và xuống ngồi dưới, rồi gọi người đem nước sôi giội xuống hố. Cám chết còng queo”.
Rõ ràng từ sự không thống nhất văn bản trên, sẽ có hai đánh giá khác nhau về tính cách Tấm. Cô Tấm ở sách chuẩn do hoàn toàn chủ động trong việc trả thù Cám nên sẽ khác với cô Tấm ở sách nâng cao. Và điều này sẽ tạo ra những nghịch lý rất buồn cười.
Trong cùng một thế hệ học sinh, cô Tấm ban khoa học tự nhiên sẽ được người dạy, người học đánh giá là hơi ác, chí ít là qua cách trả thù.
Còn cô Tấm ban khoa học xã hội và nhân văn, trái lại, lành hơn. Như vậy, người dạy sẽ biết đâu mà lần khi thực hiện bài dạy, giáo án, đáp án thi cử, kiểm tra, góp ý chuyên môn.
Đó là chưa kể nếu người dạy đứng lớp ở cả hai ban thì rõ ràng cô Tấm là cô Tấm nào?
Ngoài ra, xin bàn về hệ thống câu hỏi gợi ý cho học sinh mà sách giáo khoa đã đưa ra. Trước tiên, với người sử dụng sách, hệ thống câu hỏi này chí ít và tối thiểu phải nhắm vào mục đích khơi gợi, truyền cảm cái hay, cái đẹp của văn bản. Ngược lại, một số không ít câu hỏi ở đây lại vô cảm, xơ cứng dẫn đến những câu trả lời không biết để làm gì.
Ví dụ trong bài Khe chim kêu (Điểu Minh Giản-Vương Duy), người biên soạn hỏi như thế này: “Thử dùng một câu ngắn gọn để tóm tắt bài thơ”. Một bài thơ Đường lung linh, đẹp như thế, ai lại yêu cầu người cảm nhận “tóm tắt bài thơ bằng một câu ngắn gọn”. Và tóm tắt để làm gì? Không thể nghĩ khác đi, với những câu hỏi gợi ý như thế, trách chi học sinh sẽ cho ra đời những suy diễn xơ cứng, thô thiển.
Trong khi đó, mô hình bài tập-đáp án trắc nghiệm cũng hết sức rối rắm, tối tăm. Ở đây, xin đưa hai ví dụ. Trong Tài liệu bồi dưỡng giáo viên, khi hướng dẫn mô hình trắc nghiệm để giáo viên tham khảo, sách hỏi: “Truyện An Dương Vương nêu lên bài học gì?
A: Tình yêu nam nữ;
B: Xây dựng đất nước;
C: Bảo vệ đất nước;
D: Giáo dục thế hệ trẻ”.
Đáp án hướng dẫn là C, tức chủ đề truyện là “bảo vệ đất nước”. Thật ra, dẫu với kiến thức sơ đẳng nhất, ai cũng biết cả bốn dữ liệu trên đều bàng bạc trong văn bản. Hướng dẫn như thế vừa phiến diện, vừa hạ thấp, tước bỏ tư tưởng, tính đa nghĩa của văn chương. Và nếu thực hiện, bài tập ấy không những đã không bổ sung mà còn làm thui chột kiến thức tác phẩm của học sinh.
Trắc nghiệm về ca dao, sách lại đưa ra mô hình: “Khi phân tích một bài ca dao, trước hết phải nắm vững điều gì trong những điều sau đây":
A: Viết về chủ đề gì;
B: Lời của ai nói với ai;
C: Sử dụng thể thơ nào;
D: Có ngắn gọn không?”.
Và đáp án là B. Nghĩa là khi phân tích một bài ca dao phải nắm vững đó là “lời của ai nói với ai”. Chưa bàn đến sự tối tăm của đề-đáp án, ai cũng biết có những bài ca dao không phải là “lời của ai nói với ai” mà đơn thuần là tự bộc lộ (số lượng ca dao loại này là chủ yếu). Vậy điều cần “nắm vững” kia liệu có vững chút nào không?
Trên đây, trong chiều hướng bổ sung những sai sót chết người của sách, chỉ đưa ra vài ví dụ. Thật ra, nếu có một sự thẩm định toàn diện, thấu đáo, hệ thống sách Ngữ văn 10 sẽ còn rất nhiều điều cần nói. Điều muốn bàn thêm là trách nhiệm của những người biên soạn cũng như thẩm định sách giáo khoa và các tài liệu tương đương.
(Theo Tuổi Trẻ)