![]() |
Một góc cầu Hoàng Long (Thanh Hóa). |
Dự án cầu Hàm Rồng (sau đổi thành cầu Hoàng Long, Thanh Hóa) được Bộ GTVT duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến 83,5 tỷ đồng. Nhưng trước ngày động thổ công trình, tháng 7/1996, lãnh đạo PMU 18 bất ngờ có tờ trình xin chỉnh hướng tuyến của cầu Hàm Rồng và nâng tổng mức đầu tư lên... 224,4 tỷ đồng.
Phương án này lại tiếp tục thay đổi thêm lần thứ ba vào tháng 1/1997, với tổng dự toán tăng lên hơn 229,5 tỷ đồng. Như vậy, sau ba lần thay đổi phương án đầu tư, nguồn vốn xây dựng công trình đã “đội” lên 146 tỷ so với kế hoạch ban đầu.
Ngay sau đó, PMU 18 tiến hành mở thầu với năm nhà thầu tham dự, liên danh Công ty Sumitomo (Nhật) và Tổng công ty xây dựng Thăng Long trúng thầu xây lắp cầu với trị giá hơn 123 tỷ đồng, thời gian thi công 800 ngày kể từ tháng 9/1997 đến tháng 9/1999.
Thế nhưng, công trình không chỉ chậm tiến độ đến gần một năm mà ngay trong giai đoạn thiết kế lẫn thi công đã nảy sinh hàng loạt vấn đề để “vòi” thêm... tiền. Theo báo cáo của hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật cầu Hàm Rồng thì “thiết kế kỹ thuật đã phù hợp với nội dung quyết định đầu tư và đầy đủ các yêu cầu của một đồ án thiết kế kỹ thuật”. Nhưng Tổng công ty xây dựng Thăng Long, thành viên trong liên danh nhà thầu xây lắp, lại cho rằng tài liệu kỹ thuật được thiết kế không đồng bộ và không được khảo sát kỹ về địa chất, thủy văn khu vực có công trình, thiết kế bản vẽ thi công cũng còn nhiều sai sót... nên đã dẫn đến tình huống dở khóc dở mếu.
Bộ GTVT phải ban hành... 17 quyết định cho thay đổi một số nội dung thiết kế và xử lý khắc phục các sự cố kỹ thuật với tổng số tiền trên 36,3 tỷ đồng... Trong số tiền phát sinh nói trên còn có gần 10 tỷ phát sinh do chủ đầu tư không đưa vào hồ sơ mời thầu, đó là xây dựng hệ thống kè bảo vệ hai bờ sông, mở rộng đường đầu cầu phía nam; điện chiếu sáng đường...
Qua kiểm tra tại hiện trường về hạng mục lắp điện trong lòng dầm hộp cầu Hàm Rồng, cơ quan chức năng đã phát hiện cáp đồng CU/XLPE/DSTA được nhà thầu sử dụng để lắp đặt là chủng loại 3x35+1x16mm2, không đúng chủng loại 3x35+1x25mm2 như thiết kế được duyệt. Hơn nữa, đơn giá cáp đồng là 153.500 đồng/m nhưng PMU 18 lại cho thanh toán với giá 174.290 đồng/m (chênh lệch 20.790 đồng/m). PMU 18 còn thanh toán vượt khối lượng công trình cho một đơn vị thi công khác với khối lượng hơn 656m3...
Sau khi cầu đưa vào sử dụng, đoạn đường đầu phía nam cầu Hàm Rồng có 2.497m mặt đường bêtông nhựa đã bị hư hỏng, rạn, nứt. Làn đường giữa xe thô sơ và cơ giới cũng bị sự cố tương tự, buộc phải chi thêm hàng trăm triệu đồng khắc phục, sửa chữa. “Ngoài sự cố đã xảy ra trong quá trình thi công thì nguyên nhân quan trọng là ngay từ thiết kế đã không đảm bảo”, Hội đồng nghiệm thu nhà nước khẳng định. Trên 4,5 tỷ đồng được xác định là lãng phí và thất thoát từ dự án này.
Tuy nhiên, cho đến nay nhiều sai phạm vẫn chưa được xử lý. Đặc biệt, tình trạng sụt, lún ở phía bắc cầu lại xuất hiện từ hơn ba tháng nay...
Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 2 đoạn từ Đoan Hùng (Phú Thọ) đến cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) được Bộ GTVT phê duyệt ngày 9/7/2001 với tổng vốn đầu tư 494,346 tỷ đồng cho toàn tuyến dài 140,37km gồm 139km đường và 21 cầu. Tuy nhiên không hiểu thế nào mà công trình này lại... có hàng chục nhà thầu có “quan hệ” với PMU 18 được tham gia.
Đó là liên danh Công ty công trình giao thông 889 và Công ty cổ phần Hoa Việt, liên danh Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng giao thông, liên danh Công ty xây dựng số 4 và Công ty Công trình giao thông 4 Hà Nội, Công ty Công trình giao thông 208...
Sau khi công trình được hoàn thành vào tháng 3/2005, con đường vừa được đưa vào sử dụng thì ngay lập tức xuống cấp đến mức thảm hại. Bộ GTVT đã cử đoàn kiểm tra và xem xét các vấn đề cần giải quyết cấp bách tại những chỗ hư hỏng.
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức kết luận, các gói thầu có “vấn đề”, tập trung ở những gói thầu từ R1 đến R5. Có đến 13/21 đường đầu cầu chưa đạt yêu cầu chất lượng thi công, xuất hiện hiện tượng vỡ, lún nền móng, nứt nẻ mặt đường ở các mức độ khác nhau. Có gói thầu diện tích hư hỏng mặt đường lên đến... 1.000m2.
Ngay tại điểm đầu của dự án là thị trấn Đoan Hùng (Phú Thọ), mặt đường có nhiều vết rạn nứt, bong vỡ từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông. Tương tự, đoạn chạy qua thị xã Tuyên Quang cũng có đến hàng chục điểm lún, nứt; bên thi công phải khắc phục bằng cách cắt bêtông và vá víu những lớp bêtông nhựa khác, tạo nên những đoạn lồi lõm ngay trên con đường chạy qua trung tâm thị xã.
Đặc biệt, sau khi khánh thành, cầu Luổng (km182+663) đã bị sạt lở nghiêm trọng tại đường dẫn hai đầu cầu. Mặt đường lún vỡ và bong rộp khiến nhà thầu phải dựng một hàng cọc thép xuyên qua thân đường để chống sạt lở, phía đầu cầu cũng phải gia cố bằng nhiều hàng cọc tre. Vào thời điểm đó, PMU18 lý giải nguyên nhân dẫn đến chất lượng con đường kém do... trời mưa, địa hình núi non. Tuy nhiên nhiều con đường khác được thi công trong điều kiện tương tự thì vẫn đảm bảo chất lượng tốt.
Trong quá trình kiểm tra chất lượng con đường này, cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều vị trí không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về độ dẻo, 22 vị trí không đạt độ chặt, 14 vị trí không đạt độ dày thiết kế, thậm chí có điểm bị bớt độ dày đến 11,5cm. Khoảng 40 vị trí khác có độ dày lớp bêtông mặt đường không đảm bảo, bình quân mỗi đoạn bị thiếu hụt khoảng 7cm nhựa.
Những sai sót trong quá trình thi công đã được khắc phục theo kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức, nhưng theo điều tra của chúng tôi thì còn nhiều hạng mục không thể khắc phục được. Chủ đầu tư là PMU 18 mà “ông chủ” chính là nguyên Tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng đã ngồi trong trại tạm giam, không thể kiểm điểm theo đề xuất của Cục trưởng Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông Nguyễn Ngọc Long.
Dự án giao thông nông thôn 2 (WB2) được thực hiện với số vốn đầu tư là 145,3 triệu USD nhằm cải tạo, nâng cấp 13.000km đường giao thông và 5.000km cầu thuộc 40 tỉnh trên cả nước.
Các công trình của dự án này bị xác định xảy ra sai phạm ở hầu hết các khâu từ thi công đến nghiệm thu khối lượng, quyết toán sai thực tế... Nhiều công trình đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp và phải thi công lại. Qua thanh tra 700 dự án thuộc Dự án giao thông nông thôn 2 tại 22 tỷnh với số vốn 523 tỷ đồng, cơ quan thanh tra đã phát hiện sai phạm 13,45 tỷ đồng, gồm: sai về khối lượng 2,99 tỷ, sai về dự toán 2,497 tỷ, lãng phí đầu tư không hiệu quả 2,27 tỷ...
Tình trạng bớt xén khối lượng, nghiệm thu quyết toán khống của dự án này đã diễn ra một cách có hệ thống. Kiểm tra tại Lào Cai phát hiện chín gói thầu ở quốc lộ 279 và đường Phố Mới - Phong Hải phải sửa chữa với giá trị 1,4 tỷ đồng. Kiểm tra tại Bắc Ninh có sáu gói thầu sai phạm và nhà thầu phải bổ sung khối lượng thi công.
Tại Hải Dương có 15/25 xã của huyện Gia Lộc có sai phạm liên quan đến dự án này. Khánh Hòa, một tỉnh thuộc Nam Trung bộ, cũng không ngoại lệ, cả 47 công trình đều có vấn đề từ trình tự lập dự toán, phê duyệt đầu tư và thi công. Những sai phạm này phần lớn bắt nguồn từ phía PMU18 không kiểm tra, rà soát kỹ các hợp đồng dự án, dẫn đến nhà thầu thao túng công việc, hợp thức hóa trên sổ sách để thanh toán, gây thiệt hại kinh phí đầu tư.
(Theo Tuổi Trẻ)