![]() | ||
Điều này khiến việc gửi xe của người dân có nhu cầu đi lại tại các khu vực trung tâm Sài Gòn ngày càng trở nên căng thẳng. Mặt khác, việc triển khai đầu tư bến bãi giữ xe của thành phố cho đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Người dân TP HCM khi vào trung tâm quận 1 rồi sẽ đỗ ôtô và gửi xe gắn máy ở đâu? Đưa sếp đến một điểm trên đường Nguyễn Huệ nhưng tìm mãi ở trục đường phía trước và mấy đường ngang gần đó không có một chỗ đỗ xe nào, anh lái xe tên Hải đành đánh xe đi… vòng vòng hết đầu đường lại đến cuối đường. Anh chỉ chờ có một chiếc xe nào vừa rời chỗ đỗ là nhảy vào trám chỗ ngay tức khắc. Cứ vậy, loanh quanh gần cả chục vòng, anh mới tìm được chỗ “đáp”. Anh Hải than thở với Tuổi Trẻ: “Khổ trăm bề khi tìm một chỗ để đỗ ôtô. Còn may vì chở các sếp hoặc nhân viên ở công ty thì còn có điện thoại di động, cứ xong việc lúc nào các sếp chỉ cần alô hoặc “nhá” máy một cái là biết đường tới mà đón. Còn những lúc phải đánh xe chở khách của công ty, thường là khách người nước ngoài thì... bó tay!”. Ở bất cứ thành phố nào, khi quy hoạch phải lưu tâm đến khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân. Trong đó, việc đầu tư cho những bãi đậu xe là việc tối cần thiết. Tại TP HCM, các bãi đậu xe hiện quá khan hiếm, thậm chí hầu như không có. Với xe gắn máy thì tình hình còn căng thẳng hơn.
Đáng ngại nhất, theo một tài xế của Công ty liên doanh hạt giống ĐT, hiện cũng đã có tình trạng các đấng “anh chị” tự tung tự tác “thống trị” các nơi đỗ xe. Anh kể: vừa cho xe vào chỗ trống trên trục đường Nguyễn Huệ, ngay lập tức có một thanh niên mặt mũi bặm trợn tới gằn giọng bảo “đi chỗ khác” để chỗ cho anh ta “làm ăn”. Thấy có vẻ căng thẳng anh đành đánh xe đi. Theo anh Tuấn, cánh tài xế lái xe cho các công ty hoặc cơ quan nhà nước sẵn sàng trả tiền cho các bãi đỗ xe thu phí “bởi có công ty lo”. Tại khu vực trung tâm thành phố, hiện tại chỉ có hai bãi ôtô có thu phí là bãi ở công trường Lam Sơn (phía sau Nhà hát TP) và bãi ở khu vực chợ Bến Thành - bùng binh Quách Thị Trang. Thế nhưng cả hai bãi này chỉ có thể phục vụ một lúc khoảng 80 - 100 xe. Anh Trung, nhân viên giữ xe ở bãi xe công trường Lam Sơn, kể: “Căng thẳng nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật. Nhiều lúc, bãi chỉ còn một chỗ duy nhất mà hai ba xe cùng một lúc tranh nhau ào vào. Có lúc bãi đã nghẹt cứng mà cũng có tài xế xin chen vào, họ nói cứ cho đậu, mấy chục ngàn đồng cũng trả”. Không chỉ giới tài xế ôtô khổ, anh N.V.M., nhân viên một công ty nước ngoài, nói mỗi lần đi họp tại các khách sạn trên đường Đồng Khởi, anh phải mất hơn 20 phút để tìm một chỗ gửi xe gắn máy. Tình hình càng bức xúc hơn với nhiều hộ có mặt bằng kinh doanh ở các con đường khu vực trung tâm như Nguyễn Huệ, Lê Lợi: từ lúc quận ra thông báo cấm đỗ xe trên vỉa hè, người đi lại, giao dịch mua bán phải mất công tìm chỗ gửi xe. Anh Hoàng, chủ một tiệm bán hàng lưu niệm trên đường Lê Lợi, nói: “Từ cửa hàng của tôi tới chỗ gửi xe khá xa nên khách hàng rất ngại”... Từ 20/4, theo chủ trương của TP, UBND quận 1 và Sở GTCC đã thí điểm cấm đỗ xe trên 44 tuyến đường khu vực trung tâm và cấm tổ chức giữ xe hai bánh trên vỉa hè của 18 tuyến đường. Theo ông Nguyễn Thế Định, đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận 1, việc sắp xếp này nhằm lập lại trật tự giao thông và làm những con đường đẹp, kiểu mẫu để kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. Quận 1 đã cấm hẳn việc đỗ xe hai bánh trên vỉa hè bốn con đường chính là Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Lê Duẩn, không cho đỗ ôtô trên hai đường Lê Duẩn và Đồng Khởi. Từ một số tuyến đường này, sẽ tiến tới cấm đỗ xe trên nhiều địa bàn khác. Song song với việc cấm này, thành phố cũng lập kế hoạch tạm thời cho phép đỗ ôtô trên lòng đường của 20 tuyến đường không thu phí và cho phép tổ chức bãi đỗ ôtô trên lòng đường của 13 tuyến đường cùng 6 bãi xe khác trên vỉa hè của sáu tuyến đường, có thu phí. Với các bãi giữ xe hai bánh, quận cũng đã cho phép làm thêm một số bãi trên vỉa hè và khuôn viên một số đơn vị, căn hộ trên các đường ngang, công viên... Thế nhưng theo ông Thắng, phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị, nếu tính luôn cả những bến bãi và các điểm đỗ xe tạm thời này thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu đỗ xe tại khu vực trung tâm, đó là chưa nói vào những ngày cao điểm chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40 - 50%. Theo đề án “Quy hoạch giao thông TP HCM”, diện tích dành cho bến bãi tất cả các loại xe buýt, xe khách, xe tải, taxi, ôtô chỉ chiếm khoảng 0,1% diện tích nội thành (với 34ha dành cho 33 bến bãi). Những chỉ tiêu mà chính quyền thành phố nhắm đến là đến năm 2020 phải có 100 bến bãi đỗ xe với diện tích 469ha, chiếm 1% đất đô thị. Việc “chưa xây bãi đã cấm… đỗ xe” ở khu vực trung tâm đang là vấn đề làm nhiều người bức xúc, nhưng nếu để tình trạng đỗ xe tràn lan như trước đây thì cũng khó có thể chấp nhận vì bộ mặt trật tự văn minh của đô thị. Trên đường Nguyễn Huệ lúc nào cũng có xe chờ để tìm chỗ đậu Theo anh Đỗ Ngọc Hải, thuộc phòng quản lý giao thông Sở GTCC, phương án căn cơ nhất là kêu gọi đầu tư theo hai hình thức: nhà đầu tư dự kiến đất làm bãi đỗ xe, nhà đầu tư thuê đất của Nhà nước và Nhà nước sẽ có những ưu đãi về vốn vay, lãi suất vay sử dụng đất… Thế nhưng hiện kêu gọi đầu tư như thế nào, ưu đãi như thế nào thì chưa có. Theo Sở GTCC, qui chế đã được đưa ra hai lần nhưng vẫn chưa được… thông vì còn vướng quá nhiều thứ và có quá nhiều khó khăn không lường trước được. Cái khó khăn nhất vẫn là những vấn đề về chính sách ưu đãi và thu hồi vốn của doanh nghiệp. Trong một số dự án của các doanh nghiệp trình duyệt, khả năng hoàn vốn lên đến 20 - 30 năm. Một số quan chức ở sở cũng thừa nhận đây là hình thức đầu tư cao nhưng lại khó có thể hoàn vốn được nhanh, cũng chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp không mặn mà vào cuộc. Cũng đã có một số nhà đầu tư đưa ra một số dự án làm các bãi đỗ xe ngầm tại các khu vực công trường Lam Sơn, công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám và trên các trục đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng. Trong đó, có thể kể đến dự án làm hầm đỗ xe tự động của Công ty Đông Dương (Indochina Group), tại ba địa điểm: công trường Lam Sơn, công viên 23/9 và trên đường Nguyễn Huệ. Thế nhưng, trong khi các nhà đầu tư bỏ công sức tính toán chi li từng dự án thì họ vẫn phải chờ đợi một quy chế chính sách, mà theo nhiều người thì việc soạn thảo quy chế lâu đến nỗi họ đã bắt đầu... nản. |