![]() |
Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè dùng xe bồn bơm nước từ các trụ cứu hỏa để cấp cho người dân. |
Trưa 31/7, lần theo thư phản ảnh của 12 hộ với tổng cộng 61 nhân khẩu ngụ tại hẻm số 22 Hòa Bình, phường 5, quận 11 về việc không có nước máy để sử dụng, chúng tôi phần nào cảm nhận được khó khăn của người dân sống ở nội thành nhưng chưa được lắp đặt hệ thống nước máy.
Chị Nguyễn Thị Minh Nga, nhà số 22/11 than: "Đã 3 năm rồi, mỗi lần họp chúng tôi đều kiến nghị lên phường và chi nhánh cấp nước lắp đặt đồng hồ nước cho bà con nhưng đợi hoài vẫn chưa thấy. Mấy ông cấp nước bảo phải có trên 20 hộ đề nghị họ mới gắn, trong khi chúng tôi chỉ có 12 hộ thì "chịu chết" sao. Nước giếng ở đây phèn dữ lắm, nhưng đành uống chứ biết làm sao. Vô lý ở chỗ những khu vực xung quanh tất cả đã được lắp đặt đường ống chính và đồng hồ nước từ lâu".
Ông Phạm Văn Sang, nhà số 22/9B bức xúc: "Trước đây, khi bà con kêu cứu thì bên cấp nước hứa một tháng sau sẽ gắn đồng hồ nước nhưng không hiểu sao đến nay đã 4 tháng vẫn chưa thấy nước máy đâu!".
Ông Lưu Văn Vụ, nhà số 22/9A3 kể: "Nước giếng tắm ngứa kinh khủng nhưng phải ráng chịu. Tôi phải mua nước 10.000 đồng/bình 20 lít để uống và tắm cho con nhỏ! Nước giếng hôi bùn không ăn được, rửa tay thì tay đen sì, giặt quần áo thì bị chuyển màu và luôn ẩm ướt vì phèn bám".
Đáng thương nhất là trường hợp gia đình ông Lý Vị Tòng, nhà số 22/9A4. Ông Tòng có đứa cháu 3 tuổi từ Hồng Kông về chơi, do tắm nước giếng nhiễm phèn nên bị ngứa, dị ứng khắp người nên phải đi bệnh viện chữa trị. Người dân ở đây cho biết qua xét nghiệm các mẫu nước giếng khoan cho thấy hàm lượng mangan, sắt, tạp chất... trong nước giếng đều cao hơn hàng chục lần mức cho phép. Vài người xót xa: "Ở quê bây giờ nhiều nơi đã có nước máy, mình ở thành phố mà phải chịu khát dài dài!".
Hơn 40 hộ ngụ ở hẻm 178 Tô Hiệu, tổ 32, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú lâu nay cũng sống trong cảnh khổ vì không có nước máy, phải sử dụng nước giếng khoan. Vài năm trở lại đây, nước giếng ngày càng tệ: nhiễm phèn, nhiễm khuẩn, mùi tanh nồng nặc, đe dọa sức khỏe người dân.
Chị Lê Ngọc Ánh, nhà số 178/15 Tô Hiệu cho biết: "Thông qua UBND phường Hiệp Tân, bà con đã nhiều lần đề nghị Chi nhánh cấp nước Tân Hòa lắp đặt đường ống cấp nước và gắn đồng hồ nước để dân được sử dụng nước sạch. Nhưng đến nay nguyện vọng của dân vẫn chưa được đáp ứng".
![]() |
Người dân trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 phải đẩy xe đi mua từng thùng nước về sử dụng. |
Năm 2003, Chi nhánh cấp nước Tân Hòa có văn bản cho biết đã có kế hoạch gắn đồng hồ nước cho khu vực trong khoảng quý 3-4 năm 2004. Vậy mà đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, người dân hẻm 178 Tô Hiệu mỏi mòn chờ đợi nhưng kế hoạch vẫn chưa triển khai.
Tháng 3/2006 các hộ tiếp tục kiến nghị gắn đồng hồ nước, song đến nay vẫn chưa được đáp ứng khiến bà con rất thất vọng. Bà Nguyễn Thị Mừng, nhà số 178/19 Tô Hiệu, ngậm ngùi: "Nước giếng nhiễm bẩn nặng. Mỗi hộ phải mua bộ lọc về lọc. Dù để lắng thật lâu sau khi lọc xong, nhưng nước vẫn còn vàng. Bà con uống nước giếng nhiễm bẩn rất lo bị bệnh, nhưng không còn cách nào khác vì không thể nhịn uống".
Nhiều khu vực khác tại TP HCM dân cũng đang khổ sở vì không có nước máy: đường Thống Nhất, chung cư Nguyễn Văn Lượng 2, đường Phạm Văn Chiêu quận Gò Vấp; đường Nguyễn Bình (xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè), đường Lương Hữu Khánh, (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1)...
Giải thích về sự chậm trễ trong việc triển khai gắn đồng hồ nước tại quận 11, chiều 31/7, ông Nguyễn Năng Thân, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Phú Hòa Tân cho rằng việc thi công lắp đặt đường ống và đồng hồ nước gặp không ít khó khăn, do nhiều con hẻm quá ngắn, hẹp, lại vướng hàng loạt hố ga... khiến tiến độ thi công kéo dài.
Chính vì vậy, hầu hết nhà thầu ngại tham gia đấu thầu các dự án phát triển mạng lưới cấp nước. Theo ông Thân, thời gian qua công ty phải nhiều lần "chữa cháy" bằng cách tự đứng ra thi công lắp đặt đường ống cấp nước. Hiện quận 11 có gần 200 con hẻm với gần 700 hộ chưa được gắn đồng hồ nước. Ông Thân cho biết công ty đã lên kế hoạch phối hợp với UBND quận 11 triển khai cấp nước cho khu vực hẻm 22 Hòa Bình vào cuối năm 2007.
Theo ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nhà Bè, cố gắng lắm thì mỗi năm công ty chỉ phát triển được 20 km đường ống và gắn khoảng 6.000-7.000 đồng hồ nước cho các khu dân cư thuộc quận 7 và huyện Nhà Bè. Đó là chưa kể hiện nay nguồn nước về quận 7 và Nhà Bè rất yếu và thiếu, nhiều gia đình phải đi mua lại nước với giá cao hơn nhiều lần so với giá quy định. "Nếu đạt được tiến độ như trên, 5-7 năm nữa chúng tôi cũng chỉ có thể đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân huyện Nhà Bè", ông Sơn giải thích.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An, thì đến cuối tháng 6/2007, quận Gò Vấp mới lắp đặt được hơn 22.000 đồng hồ nước, chiếm 33% tổng số hộ được cấp nước sạch. Gần 67% số hộ còn lại (khoảng 55.000 hộ) chưa được sử dụng nước máy.
Theo kế hoạch, năm 2007-2008, quận Gò Vấp có tổng cộng 51 dự án phát triển mạng cấp nước với gần 178 km đường ống, trong đó chỉ có 6 dự án được thực hiện trong năm nay.
Ông Hiệp cũng cho hay là thủ tục thực hiện mỗi dự án lắp đặt đường ống cấp nước phải thông qua hàng chục khâu từ khảo sát, thiết kế, lập dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, đấu thầu...; rồi các hồ sơ này còn phải thông qua các phòng, ban của tổng công ty.
Chưa kể, trước khi thi công chủ đầu tư phải trình văn bản xin phép đào đường, thỏa thuận hướng tuyến giao thông, tuyến ống, tái lập mặt đường... với các cơ quan liên quan. "Chính thủ tục phức tạp đã khiến việc cấp nước cho người dân bị chậm trễ", ông Hiệp nói.
(Theo Thanh Niên)