Làm rượu tà vạt không dễ, trước tiên, người ta vào rừng, tìm những cụm tà vạt sống ở gần khe, hố, chọn những cây to, mập mạp, phát dọn quanh gốc rồi làm thang bằng cây và dây rừng từ gốc lên đến các buồng trái.
Thường mỗi cây tà vạt cho bốn, năm buồng nhưng chỉ chọn một buồng có trái vừa, cỡ lớn hơn đầu ngón tay cái. Cứ 3 ngày một lần, người ta leo lên nơi gần buồng, dùng dùi cui - đẽo bằng cây rừng - đập nhẹ chung quanh cuống của buồng trái đã chọn.
Mỗi lần đập khoảng một vài giờ. Sau 4 hoặc 5 lần đập, cắt ngang cuống buồng trái. Sau đó dùng cọng cây môn nước giã dập và bịt ngay đầu mới cắt, bên ngoài bọc bằng lá rừng và buộc lại. Động tác này gọi là "nhử nước".
Khi thấy nơi mặt vết cắt, nước nhỏ giọt nhanh, đều thì gạt bỏ lớp "chất nhử" và treo một cái can 10 lít để hứng. Có thể dùng ống nhựa, lồ ô, giang... để dẫn nước vào can. Chất nước này, lúc vừa chảy ra thì hơi trong, thơm và ngọt.
Để dung dịch này lên men, dùng vỏ cây chuồn dần cho mềm rồi cho vào can rượu theo liều lượng thích hợp. Muốn rượu có nồng độ cao hơn, vị đắng thì cho vỏ chuồn nhiều và ngược lại. Khi rượu đã xúc tác tốt với men thì dung dịch chuyển sang màu trắng đục.
Cây tà vạt cho rượu rất lâu, có thể đến hai, ba tháng mới hết, trung bình mỗi cây tà vạt cho trên dưới 300 lít rượu. Tà vạt ra hoa, có trái hầu như quanh năm nên rượu tà vạt có thể "sản xuất" quanh năm.
Rượu tà vạt thơm ngon, đậm đà nên được người Cơ Tu ưa chuộng, đặc biệt, phụ nữ Cơ Tu uống loại rượu này có làn da mịn màng, tươi sáng.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)