Bắt rượu ngoại giả tại số 7, ngách 49, ngõ Vân Hồ 3 (Hà Nội) chiều 16/1. |
Điều đáng chú ý nữa là "thế giới ngầm" sản xuất rượu giả cũng tung hoành vào chính thời điểm này nhằm hốt bạc.
Từ ngày 1/1 đến 15/1, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội (CCQLTT HN) đã tiến hành kiểm tra 40 vụ vận chuyển kinh doanh rượu và đã thu giữ gần 3.000 chai rượu các loại. Riêng trong ngày 5/1, Đội quản lý thị trường số 15 đã kiểm tra và thu giữ 3 xe chở rượu lậu từ Đông Hà (Quảng Trị) ra Hà Nội với tổng số 379 chai rượu các loại.
Ngay sau đó từ ngày 7/1 đến 10/1, Đội quản lý thị trường số 14 đã kiểm tra tại cửa hàng rượu 57 Hai Bà Trưng và 87 Bà Triệu. Tại hai cửa hàng này, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ gần 250 chai rượu giả, rượu lậu. Ngày 14/1, Đội quản lý thị trường số 1 thu giữ 477 chai rượu tại quán bar karaoke của công ty TNHH Ánh Phương...
Rượu thu giữ tại nơi vi phạm đều là rượu không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, rượu giả nhãn hiệu nổi tiếng.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng CCQLTT HN, nói: "Hiện nay trên thị trường Hà Nội tồn tại hai dòng rượu: Rượu được nhập khẩu do các đơn vị có uy tín và rượu giả, rượu lậu. 70-80% lượng rượu nhập ngoại có trên thị trường là rượu nhập lậu".
Lý giải về số vụ vi phạm mặt hàng rượu gia tăng trong thời gian hiện nay, ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội chống buôn lậu (CCQLTT HN) cho biết: "Gần tết là thời điểm thuận lợi cho việc tiêu thụ rượu do đó số lượng rượu lậu, rượu giả tăng. Thuế suất rượu bị đánh khá cao (50%) vì vậy các đối tượng kinh doanh rượu tăng cường nhập rượu lậu".
Hiện nay nguồn rượu lậu được nhập từ các cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái. Ngoài ra từ Đông Hà (Quảng Trị) nhập qua Sài Gòn rồi chuyển về Hà Nội. Loại rượu này thường không có tem. Trong quá trình vận chuyển, chủ hàng sẽ dán tem thành rượu hợp pháp. Có hai hình thức dán tem rượu giả.
Tem rượu được nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc với giá 1.000-2.000 đồng/chiếc và tem thật của rượu có độ thấp, dung lượng nhỏ dán vào chai rượu có nồng độ cao, dung lượng lớn.
Bên cạnh đó có loại rượu giả chất lượng do các "đại gia" Việt Nam sản xuất. Loại rượu này chủ yếu được sản xuất tại các tỉnh hoặc vùng ven giáp ranh như: Phúc Xá, Hoàng Mai. Cách thức làm giả chính là sử dụng rượu trắng pha cồn và phẩm màu đóng vào các chai rượu "xịn" đã qua sử dụng. Năm nay cách thức làm giả tinh vi hơn vì các cơ sở làm rượu nhập nút chai và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc.
Hầu hết các loại rượu giả, rượu lậu đều lấy nhãn hiệu rượu mạnh đang được người tiêu dùng ưa chuộng: Hennessy, Chivas, Jonnie Walker, Remy... Nói về cách phân biệt rượu giả, ông Trịnh Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng CCQLTT HN, cho biết: "Rất khó phân biệt tem rượu giả bằng mắt thường. Lực lượng quản lý thị trường muốn phát hiện tem rượu giả phải sử dụng tia cực tím. Đối với rượu giả chỉ có cách duy nhất là giám định chất lượng".
Hiện nay thị trường rượu vẫn diễn biến phức tạp, CCQLTT HN vẫn tiếp tục tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh, quán bar - karaoke, nơi tập kết, chuyển rượu từ các tỉnh về Hà Nội để phát hiện xử lý những vi phạm trong việc kinh doanh, vận chuyển, sản xuất rượu giả, rượu lậu.
(Theo Lao Động)