Chọn lựa và sử dụng dầu gội đúng cách cũng là biện pháp để phòng ngừa rụng tóc. |
Sáng 12/4, tại phòng khám BV Da Liễu TP HCM, chị T., 32 tuổi, trình dược viên, ngụ tại Lâm Đồng, cho biết gần 1 tháng nay sáng nào ngủ dậy chị cũng thấy trên gối một nhúm tóc. Đến lúc chải đầu, tóc chị lại rụng nhiều hơn. Chị tỏ vẻ lo lắng: “Bác sĩ nói tôi bị stress. Cứ như vậy, 1-2 tháng nữa chắc đầu tôi rụng hết tóc mất”.
Hai loại rụng tóc
Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu Trần Ngọc Ánh, giảng viên Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM, rụng tóc được chia thành 2 loại: Rụng tóc có sẹo (tóc không mọc lại được) và rụng tóc không có sẹo (tóc mọc lại được). Rụng tóc không sẹo thường là triệu chứng đi kèm của các bệnh giang mai thời kỳ 2, thừa vitamin, suy dinh dưỡng (suy kiệt sau khi sinh, bệnh nằm lâu ngày, kéo dài, sốt xuất huyết, thương hàn, sốt rét), stress (rối loạn tâm lý, căng thẳng gây mất ngủ), do uống các loại thuốc đặc trị ung thư, do rối loạn hoóc môn... Rụng tóc có sẹo thường là do rối loạn về di truyền (hói), phỏng các loại hóa chất, nhiệt, xạ trị (ở những bệnh do siêu vi, nấm), nhiễm trùng (như viêm nang lông do siêu vi trùng sinh mủ, giang mai thời kỳ 3).
Do ăn uống thiếu vi chất
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Giám đốc Trung tâm Khoa học Nghiên cứu dinh dưỡng và ứng dụng, chỉ được xem là rụng tóc nếu lượng tóc rụng 100-150 sợi/ngày. Việc ăn uống thiếu các vi chất như sắt, canxi, đồng, kẽm... cũng là nguyên nhân gây rụng tóc. Các vitamin và khoáng chất có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của tóc, như thiếu vitamin B sẽ khiến tóc bạc sớm và mau rụng, thiếu vitamin C gây chảy máu lợi và rụng tóc lan rộng. Chế độ ăn uống cân bằng được xem là nền tảng cơ bản nhất để có mái tóc khỏe. Việc ăn uống đủ chất sẽ bổ sung các chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất) giúp tránh rụng tóc. Việc lạm dụng hóa mỹ phẩm để uốn, duỗi, nhuộm hoặc sấy tóc thường xuyên cũng làm cho tóc khô, giòn, xơ, dễ gãy và rụng. Ngoài ra, nếu tóc không được xả nước thật kỹ sau khi gội đầu thì những chất thơm, chất tẩy còn sót lại trên da đầu cũng có thể làm tóc bị rụng.
Dầu gội, kem thoa mọc tóc: Không có tác dụng thật sự
Theo tiến sĩ Minh Kiều, muốn trị được rụng tóc thì cần biết nguyên nhân tóc rụng chẳng hạn vì stress, vì phỏng hay vì ăn uống thiếu chất dinh dưỡng... rồi mới chọn phương pháp điều trị. Nếu tóc rụng vì thiếu dưỡng chất mà dùng loại dầu gội có chứa các dưỡng chất đó thì có thể giúp tóc phục hồi lại. Còn tóc rụng vì yếu tố di truyền (hói) thì dù có sử dụng bất cứ loại dầu gội hoặc kem kích thích mọc tóc nào cũng không thể giúp tóc mọc lại.
Bác sĩ Ánh cũng nhận định không phải tất cả các loại dầu gội đều phù hợp với tóc của mọi người. Người có tóc khô bị rụng sử dụng loại dầu gội này thì tóc phục hồi, nhưng khi áp dụng với người có tóc nhờn thì không có hiệu quả. Ngoài ra, dầu gội đắt tiền không phải bao giờ cũng tốt nhất nếu nó không phù hợp với tóc của người sử dụng. Hiện nay, ngoài một số dầu gội có nguồn gốc thật sự được chiết xuất từ tinh dầu và các loại thảo dược, cây cỏ... những loại dầu gội được quảng cáo trên thị trường phần lớn chỉ có tác dụng làm sạch tóc, giữ ẩm hoặc bổ sung một ít dưỡng chất cho tóc chứ không thể “ngăn ngừa rụng tóc”, “giảm gãy rụng” hay “chống nắng”...
6 điều nên làm để phòng ngừa rụng tóc
1. Ăn đầy đủ các nhóm thức ăn chính mỗi ngày: Sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt hoặc cá, các loại đậu hạt, rau, củ, trái cây.
2. Sử dụng dầu gội có chứa dưỡng chất như vitamin B5, tinh chất từ vỏ bưởi. Tránh các loại dầu gội có chứa cồn hoặc formaldehit.
3. Hạn chế tối đa việc uốn, duỗi, nhuộm tóc vì các loại hóa chất sẽ làm tóc biến tính, lâu ngày sẽ làm tóc gãy rụng.
4. Khi xả tóc nên xoa dầu xả lên ngọn tóc, không xoa trực tiếp lên da đầu.
5. Nên gội đầu vào buổi sáng vì cơ thể thường tiết ra nhiều mồ hôi sau giấc ngủ đêm.
6. Gội đầu 2-3 lần/tuần, sau khi gội cần xả lại thật kỹ bằng nước sạch, thời gian xả phải gấp đôi thời gian gội.
(Theo Người Lao Động)