Theo An Ninh Thế Giới, vào bản Đoàn Kết, gặp Lỳ Hà Xá, trưởng bản, người đã chứng kiến tận mắt bố vợ mình chết thảm do gấu tấn công vào tháng 2. Ngoài 30 tuổi, anh Xá đã bắn được tổng cộng 6 con gấu lớn, chưa kể vô số hươu, nai, hoẵng, cầy, cáo... Câu chuyện sinh động của Lý Hà Xá là một cái gì đó thật kinh hoàng. Xá kể: Ông Sè là cán bộ ngành bưu điện nghỉ hưu, ông nổi tiếng là người rành rẽ các con đường đi lấy huyết lình trong rừng sâu núi đá. Huyết lình là nhau thai của con khỉ khi sinh đẻ và kể cả.... máu khi con khỉ “thấy tháng”, dân gian vẫn đồn thổi nó là thứ thần dược trị được bách bệnh.
Hôm ấy, ông Sè đến rủ con rể Lỳ Hà Xá và con rể Lỳ A Khố vào rừng lấy huyết lình. Ba bố con đi đúng một ngày, trời tối, mới bảo nhau giở cơm nguội ra ăn, múc nước suối uống rồi dựng lán để ngủ ở đầu ngọn suối Nậm Ma. Lửa được đốt lên, bốn góc lán bốn đống lửa to để phòng tránh thú dữ.
Sáng hôm sau họ dậy sớm và thúc nhau đi sâu nữa vào trong rừng, đi đến khi mặt trời đứng bóng thì A Khố được phân công xuống suối Nậm Ma bắt cá. Lỳ Hà Xá và bố vợ tiếp tục đi lấy huyết lình. Bố đi trước, Hà Xá đi sau. Bỗng thấy một bóng đen vụt ra, rồi tiếng gầm gừ vang động một góc rừng. Hà Xá nhìn thấy một con gấu khổng lồ, lông đen nhưng nhức vừa đi vừa hồng hộc gào gằn trong cổ họng! Gấu đi bằng hai chân, “tóc” của nó dài, và cứ ngúc ngoắc vắt vẻo ra phía trước trùm hết cả mặt. Con gấu cào mạnh, tóc và da đầu ông Sè bị bóc cả mảng lật từ phía gáy lên phía trán. Ông Sè, 59 tuổi, có sức khỏe và kinh nghiệm đi rừng đã chống cự quyết liệt; con gấu càng uất, nó phè bọt mép tiếp tục vung tay xé từng mảng bắp tay, bả vai của ông Sè ra. Trong lúc kinh hoàng, Xá cũng cầm dao rừng xông lên đâm con gấu mấy nhát. Lưỡi dao của anh đâm phầm phập vào lớp lông dày nên cứ truội ra. Biết tình thế chẳng đừng, anh Xá ù té chạy.
Xá và A Khố chạy suốt 4 tiếng đồng hồ thì về đến bản Đoàn Kết. Gia đình và bà con cầm vũ khí lên tới nơi thì thi thể ông Sè đã lạnh ngắt. Người ta vừa đào hố chôn ông Sè, chôn không quan quách gì ở ven suối, vừa canh chừng con gấu có lớp lông dày dao đâm không hề hấn kia quay trở lại. Quan niệm của người Hà Nhì là không đưa xác người chết ngoài rừng về bản, và chôn xong cũng không bao giờ cất mộ hay giỗ chạp gì, thế nên, nắm xương của ông Sè chẳng bao lâu đã hòa vào đất và bị lũ ở đầu ngọn Nậm Ma cuốn mất.
Cả tháng sau khi tai nạn thảm khốc này diễn ra, Lỳ Hà Xá vẫn chưa dám bước ra khỏi nhà vì sợ... gấu. Cả bản cứ ngỡ anh bị ma ám - một nỗi ám ảnh khủng khiếp.
Hà Xá đưa tôi sang nhà ông Chang Mai Lình. Ông Lình năm nay 62 tuổi, nguyên là cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Chung Chải. Hôm ấy, một ngày nắng nỏ năm 2000, ông Lình lên đồn dự tiệc chia tay với anh Thắm, đồn phó Leng Su Sìn để đồng chí chuyển về tỉnh công tác. Cơn xong thì đã trưa, ông Lình, anh Thắm và cả đồng chí Chiến, cán bộ đồn cùng nhau cuốc bộ vượt dốc đi ra phía Mường Nhé ra tỉnh.
Qua con dốc dựng đứng bỗng từ trong vách núi cao vút, một bóng đen to lớn xùm xòa vọt ra lao thẳng vào đầu ông Lình. Bàn tay lông lá móng vuốt lạnh ngắt của con gấu vả sượt qua tóc và da đầu ông Lình. Đồng chí Chiến kịp thời rút súng ngắn bóp cò, nhưng đạn không nổ. Con gấu vọt xuống vực sâu hun hút, biến mất. Ông Lình được dìu về đến bản trong sự tung hô chúc mừng của ngót một trăm nóc nhà tranh cũ xám nằm ềm ệp dưới trời chiều xám xịt. Cũng không ngờ sau đó bà con và chiến sĩ ở đồn đem tên ông đặt cho con dốc đó: dốc Chang Mai Lình!
Ly kỳ nhất là chuyện của bà Lỳ Lòng Xứ. Năm nay 42 tuổi, chồng chết sớm, bà ở vậy nuôi ba đứa con trong một căn nhà tường chình đất sập sệ nhưng bà Xứ vẫn còn nét đẹp sơn nữ khá mặn mòi. Hôm ấy bà cùng cô con gái đi lên nương cắt lúa. Đang cắt thì có con gấu lớn chạy ra đánh cả hai mẹ con. Hết đường chạy, bà Xứ dùng liềm chống đỡ, con gái bà thương mẹ cũng vung liềm giúp sức. Cũng may là cái liềm mua ở bên kia biên giới rất to và dày. Bà Lòng Xứ quần nhau với gấu đến mệt nhoài, cô con gái thì đánh được vài nhát lăn quay ra... ngất xỉu.
Chưa từng đi săn, chưa từng biết nghệ thuật đánh gấu là phải đánh thẳng vào sống mũi (“tử huyệt” của loài gấu), nhưng cũng là số phận, bà Lòng Xứ nện cái sống liềm trúng... sống mũi gấu. Con gấu ngất xỉu. Lập chiến công bằng liềm xong, bà Xứ cũng từ từ... ngất xỉu. Lúc sau tỉnh dậy, thấy con gấu vẫn quay đơ bà Xứ bèn bế con gái chạy thẳng một mạch về đến đầu bản thì ngất đến tận sáng hôm sau mới tỉnh!
Bản Apachải còn có thêm một ông già “gấu vồ không chết” nữa, đó là ông Mạ Cà Ché. Năm nay 72 tuổi, ông Ché bị con gấu lớn tát cho lột da đầu, dập nát phần ngực và liệt vĩnh viễn mất cánh tay trái. Hôm ấy ông Ché đi lên thăm lúa, bỗng thấy con gấu ra phá ruộng, ông xót ruột xì xì đuổi nó mấy câu ai ngờ cái giống mật to này nóng nảy quay lại tát ông ngất xỉu. Ông quay đơ bất tỉnh rồi gấu vẫn cứ đánh, toàn thân ông Ché không chỗ nào là không bị nát bươm! Cả bản còn nhớ cái ngày miếng thịt to ở mặt ông Ché bị lật lên rủ từ thái dương xuống chân cằm! Trông vướng quá, mà đau đớn quá, máu cứ bết lại, có cố giữ, miếng thịt ấy cũng chẳng lành được. Người bản Đoàn Kết bảo nhau, thôi thì cắn răng giữ tay giữ chân ông Ché mà... cắt bỏ miếng thịt rách to tướng trên mặt đi.
Người chăm giữ kho chuyện lớn về sự huyền bí đến hãi hùng của rừng ngã ba biên giới này nhất có lẽ chính là thầy giáo Lò Sinh Phạ, người bản Sen Thượng, đã 22 năm làm giáo viên đứng lớp ở xã ngã ba biên giới vùng Sín Thầu. Thầy Phạ kể: “Em trai bà mẹ đẻ ra tôi là cậu Toán Kinh Bầu đã bắn 9 viên đạn CKC thẳng vào một con gấu lớn. Con gấu không chết, nó quay lại đánh cho ông Bầu chết luôn. Đánh chết chưa hả, gấu còn tha xác ông vào trong bụi cây chít.
Đau đớn hơn cả là “tai nạn kinh hoàng” đối với thợ săn Lỳ Pó X, người Chung Chải. Hôm ấy, Pó X đã liều lĩnh dùng súng tấn công lợn lòi. Anh chàng Pó X, mới 20 tuổi, cũng là tuổi nông nổi quá chứ ai lại đi săn lợn rừng mà lại dám đứng mặt đối mặt với nó, rồi cứ thế bắn thẳng. Bất kể trúng hay không trúng, lợn rừng, trâu rừng, bò tót đều có chung đặc điểm là khi bị tấn công bao giờ nó cũng lao thẳng về phía trước mặt hòng đập tan bất cứ thứ gì mà nó gặp, kể cả gốc cây cổ thụ. Lợn lòi quyết liệt hơn là vì nó thấp, nó có thói quen sục hai răng nanh húc nát đùi người thợ săn, nhai nát thịt chân, đùi để trả thù. Lỳ Pó X đã bị lợn lòi phản công y như thế!”.
Trưởng bản Leng Su Sìn, ông Sừng Chừ Cà cầm đèn pin đưa tôi sang nghe chuyện ông già Chang Gố Chừ với vẻ đầy ái ngại. Bởi kể từ khi khe nước ven dòng suối Păng Pơi kia được đặt tên là khe Hai Bà Cháu thì chưa có ai yêu cầu ông Gố Chừ kể về chuyện hổ dữ đã ăn thịt mẹ ông và đứa con gái 13 tuổi của ông bao giờ.
Ông Chừ kể: “Chuyện hổ ăn thịt mẹ và con gái tôi xảy ra năm 1978, bấy giờ là vào tháng 8, buổi sáng mẹ tôi ra nương làm cỏ sắn. Đến trưa, từ nhà, con gái tôi cũng ra đầu suối tìm ăn quả chua. Mặt trời chiều chếch bóng ở phía đằng ngã ba biên giới, tôi thấy nóng ruột và thắc mắc tại sao bây giờ mà con gái với cả mẹ vẫn chưa về nhà. Linh tính mách bảo, tôi đi ra phía dòng suối Păng Pơi. Bỗng giật mình thấy cái thắt lưng và một vuông khăn nằm vương vãi ở bờ suối mà không thấy mẹ và con gái tôi đâu cả. Tôi lắng nghe thì thấy tiếng gì ồ ồ ồ ồ như tiếng đàn hổ đang cắn vào cổ con trâu mộng mà hút máu vậy.
Tôi sợ quá chạy thẳng về bản, về đồn biên phòng bên kia suối hô hoán lên. Mọi người vác súng, vác dao rừng, gậy gộc lùa cả ra suối. Ra đến bờ suối thì đám hổ bỏ chạy. Con gái tôi đã bị hổ ăn hết cả chân, ăn hết phần dưới, cụt đến tận ngang bụng, một nửa người cháu nằm trên vũng máu loang lổ. Mẹ tôi thì cũng bị hổ cắn cho gần nát, cái đầu và phần cổ be bét máu, có lẽ nó ăn bà sau khi đã ăn con bé... Cả tháng sau, bộ đội biên phòng phải tổ chức gài 7 cây súng trong rừng thì mới giết nổi mấy con hổ thành tinh. Cái khe ấy sau này bà con thương xót đặt tên là khe Hai Bà Cháu”.
Bây giờ, ai lên Leng Su Sìn cũng thắc mắc về sự tích khe Hai Bà Cháu, cũng lè lưỡi vì những huyền thoại núi rừng thảm khốc, nguyên thủy. Khó ai ngờ được rằng, chỉ một vài năm nữa thôi trong niềm hân hoan mở đường ô tô vào ngã ba biên giới thì chắc là những gì tôi viết hôm nay sẽ sớm trở nên lạ lẫm cả với chính những cư dân bản xứ.