![]() |
Cảnh tượng này sẽ trở nên bình thường, bởi mỗi lần rửa toàn bộ phổi sẽ mang lại sự sống mới cho lá phổi của người thợ, nhất là khi công nghệ súc rửa bụi silic toàn phổi vừa được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Đi ngoắt ngoéo một lúc cũng vào được Trung tâm Y tế ngành than-(TTYTNT), quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bác sỹ Vũ Thị Hòa, Giám đốc TTYTNT niềm nở đưa đến từng phòng giới thiệu tỉ mỉ những công nghệ hiện đại nhất đã được trang bị kịp thời cứu những lá phổi cho công nhân đã bị nhiễm bụi silic. Căn phòng ăn có điều hòa nhiệt độ thu hút bởi trong đó những người thợ mỏ đang dự một bữa ăn khá sang trọng. Có thể hiếm hoi với những gương mặt hằng ngày sạm đen than bụi chăng? Một cán bộ TTYTNT cho hay: “Đây không phải tiệc tùng thiết đãi thợ mỏ đến thăm Hà Nội, chúng tôi đang tranh thủ giúp thợ mỏ nhanh chóng phục hồi sức khỏe để đến lượt ai đó vào “ca” súc phổi, họ yên tâm và tự tin rửa lá phổi đầy bụi than, bụi silic độc hại”. Nghiêm Phúc Hậu, thợ mỏ trẻ của công ty than Đèo Nai (Cẩm Phả, Quảng Ninh) nói trong hơi thở khìn khìn: “Tôi bị ho vì đã hít thở rất nhiều bụi than. Khi trái gió trở trời hay lúc làm nhiều thì đều bị khó thở, mệt mỏi, chân buồn bã. Tôi rất vui được công ty đưa đi súc rửa phổi sớm. Mấy ngày trước đây còn chui trong mỏ ở Đèo Nai, nghe những đồng môn từ Hà Nội trở về kể “súc rửa phổi xong sướng lắm”, thành ra đến lượt mình chuẩn bị súc phổi rồi mà tôi vẫn hồi hộp”. “Anh cảm thấy thế nào sau khi súc rửa phổi?”, khi hỏi thợ mỏ Nguyễn Văn Thanh, công ty than Cọc 6 (Cẩm Phả, Quảng Ninh). Anh Thanh nhanh nhảu: “Hơi rát cổ chút thôi, nhưng nhẹ nhàng dễ chịu vô cùng. 29 năm làm thợ lò, những biểu hiện khó thở, nhiều lúc làm căng thẳng một chút đã mệt mỏi, thở gấp, ho có đờm càng ngày càng nặng thì sau một lần súc phổi đã không còn nữa”. Hai phòng nghiệp vụ dành súc rửa phổi bụi lúc nào cũng im lặng đầy nghiêm túc. Dường như một cử chỉ nhỏ ở nơi đây của bất kỳ ai cũng đều nằm trong tầm kiểm soát của các bác sĩ kíp trực. Ai muốn vào đều phải đi tất diệt khuẩn, bước vào phòng chứng kiến 2 bệnh nhân đang được súc phổi. Chị Dương Thị Đặng, một trong hai công nhân mỏ than Na Dương đang được kíp bác sĩ gồm 6 người súc rửa phổi. Chị Đặng nằm im lìm trên bàn. Những đường dây từ máy thở, máy đo các chỉ số sinh tồn tới bệnh nhân khá nhiều nhưng nằm trong trật tự nghiêm ngặt và không bao giờ cho phép bất cứ thao tác nào sơ sót. Chị Dương Thị Đặng đã chuyển sang giờ thứ 3 trong khoảng 6 giờ hôn mê, nước trong ống dẫn từ phổi vẫn tiếp tục chảy ra, đục ngầu bụi silic. “Một xô nước đen của chị Đặng vẫn còn ít so với lượng nước đen trong cơ thể những nam thợ mỏ. Hôm nào súc phổi bụi của nam, anh đến xem còn thấy đáng ngại hơn”, bác sĩ Nguyễn Vũ Toản chỉ vào xô nước đen nói. Nếu nhìn những giọt nước đen chảy ra từ phổi công nhân than bằng kính hiển vi điện tử sẽ dễ dàng phát hiện hàng triệu triệu tinh thể than. Đó chính là những virus tuy bình thường là lành tính nhưng khi ở trong lá phổi thì chúng đã và đang làm tổn hại rất lớn sự sống của hàng chục nghìn thợ mỏ. Để minh chứng, bác sĩ Hòa đưa cho xem nhiều tấm ảnh chụp phổi của bệnh nhân. Có thể thấy nhiều lá phổi của người thợ bị phủ lớp bụi đen không kém mấy so với những tảng than dưới đáy hầm lò Cẩm Phả. Nhu mô ở phổi khi đã bị bụi silic làm xơ hóa thì không thể phục hồi. Cho đến nay, ngoài súc rửa toàn bộ phổi, thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. 50.000 thợ mỏ/90.000 lao động ngành than vốn đã phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng khi phổi nhiễm bụi silic thì các triệu chứng đau ngực, khó thở, ho khạc đờm, sốt, mất ngủ... sẽ theo họ suốt đời nếu không qua đợt “tẩy màu” bằng phương pháp súc rửa này. Trong 550 lọ bệnh phẩm bụi silic “giết” người rất từ từ này, vẫn vội chép lại được tên tuổi một vài chủ nhân dán trên thành lọ: Phạm Cao Dần-43 tuổi, công ty than Cao Sơn, rửa phổi ngày 28/8/2005; Đinh Cao Miện, công ty than Mạo Khê, rửa ngày 3/1/2006; Nguyễn Đức Hùng, 39 tuổi, công ty than Mạo Khê, rửa ngày 11/4/2006... Bác sĩ Vũ Thị Hòa và những cộng sự có người còn chưa đến 30 tuổi đời làm việc trong ngành than nhưng ở ngay tại Hà Nội. Đây là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, căn bệnh nghề nghiệp về phổi của hàng chục nghìn thợ mỏ, những đồng nghiệp của họ ngày đêm trong lòng đất nhiễm bụi silic mà ngành y chưa có phương pháp chữa trị hữu hiệu lại là day dứt quá lớn với những cán bộ ngành than mặc blu trắng. Những lần đem máy đo nồng độ nhiễm bụi và các loại máy khám di động đến vùng mỏ thăm khám sức khỏe cho thợ, các bác sĩ đã không khỏi lo lắng cho sức khỏe người thợ. Qua nghiên cứu tài liệu, trao đổi, được tin Trung Quốc áp dụng thành công công nghệ súc rửa phổi bụi silic, nhóm bác sĩ thuộc trung tâm này đã đề xuất với Tổng công ty than VN để được ứng dụng công nghệ rửa phổi chữa bệnh cho thợ mỏ VN. Những bác sĩ trẻ ngay sau đó được gửi sang Trung Quốc học. Tại đây, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Toản, Đỗ Tiến sĩ... cùng những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm của VN và các giáo sư, bác sĩ tại Viện điều dưỡng Bắc Đới Hà đã tham gia làm thủ thuật 60 ca. Tinh thần hăng say học hỏi, tiếp thu công nghệ kiến thức mới rất nhanh của các bác sĩ trẻ VN ngay sau đó đã được đánh giá rất cao. Các bác sĩ ở Bắc Đới Hà đã cho phép họ độc lập súc rửa phổi cho 23 thợ mỏ Trung Quốc và đó là những kinh nghiệm để họ thành công khi về súc rửa phổi cho thợ lò VN. Tại Trung Quốc, nước rửa phổi cho người thợ được đun nóng trong nồi to; còn ở TTYTNT nước rửa phổi được để trong tủ giữ nhiệt độ 37 độ C đúng bằng thân nhiệt của người. (Theo Tiền Phong) |